cau-chuyen-cua-toi-khi-khoi-nghiep-trang-tay-vi-nhung-dieu-khong-co-trong-toan-tinh-1669713025.jpg
 

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ về nước uống và môi trường tại Mỹ (water and environment engineering), tôi về giảng dạy ở trường Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa TP. HCM).

Thực tình, thời điểm đó tôi không hề nghĩ đến chuyện mình sẽ kinh doanh. Một lần, ngồi uống cà phê ở Khách sạn Continental chờ gặp cô bạn gái, tôi thấy một người đàn ông nước ngoài đang loay hoay xem bản đồ thành phố có vẻ khó khăn. Tôi hỏi anh ta có cần giúp gì không. Anh ta nói muốn tìm đến Bộ Kinh tế. Ngày đó, tôi có một vài người bạn làm ở đó, nên cũng nói chuyện làm quen. Anh tên là Henry Kauder, đang làm Phó giám đốc của hãng Eisenberg - một tập đoàn Do Thái khá nổi tiếng, có mặt ở 43 quốc gia trên thế giới. Lần đến Việt Nam này, Kauder muốn tìm cơ hội làm ăn cho công ty ở đây. Nghe vậy, tôi hứa ngày mai sẽ đưa anh ta tới Bộ Kinh tế.

Sau lần hội ngộ đó, tôi tiếp tục nhận lời giúp Kauder làm một số việc nhỏ khá suôn sẻ. Kết quả, tôi chính thức nhận được lời mời làm việc cho Eisenberg tại Việt Nam. Với thời gian khá rảnh rỗi ở trường Phú Thọ, cộng với mức lương đề nghị hấp dẫn, tôi đồng ý làm cho tập đoàn Do Thái này. Thật sự, khi làm việc với Kauder rồi, mới thấy mình học hỏi được rất nhiều điều, khác xa những gì học ở trường lớp, sách vở. Tôi vừa làm thuê cho Eisenberg, đồng thời cũng thử hợp tác phát triển một số thương vụ với tập đoàn này và được chia cổ phần khá lớn.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết '- H Doanh nhân luôn phải sẵn sàng đối mặt với mọi bất trắc năm ngoài toan tính. Và theo định luật của Murphy, rắc rối luôn đến vào những lúc bất ngờ nhất. -TS. Alan Phan-'

Nguồn: Góc Nhìn Alan

Năm 1975, khi sang Mỹ sinh sống, tôi làm cho Wall Street. Năm 1982, tôi chuyển qua làm cho Polaris Leasing (tập đoàn GE Capital mua lại sau đó) ở Singapore chuyên bán và cho thuê máy bay. Khi đó, thu nhập của tôi rất cao, thường xuyên được hưởng những khoản tiền thưởng khổng lồ, có khi lên tới 400.000 - 500.000 đô la cho một thương vụ thành công. Nhưng cũng chính lúc này, vì đặc thù của công việc phải đi khắp nơi, hết xứ này qua xứ khác trên thế giới, sức khỏe tôi giảm sút nghiêm trọng. Tôi đi nhiều tới mức khách sạn đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ làm một thời gian và sau đó thành lập công ty Hartcourt.

Năm khởi đầu với Hartcourt rất gian nan, tôi thường xuyên phải đối diện với vực thẳm của việc phá sản. Những vấn đề với nhân viên, khách hàng, chính phủ, ngân hàng, các nhà đầu tư góp vốn... ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc gia đình của tôi. Tôi đã biết rõ về những bất trắc của kinh doanh khi còn đi làm thuê và tham gia những hoạt động kinh doanh của bạn bè vào cuối tuần hay ngoài giờ làm việc. Nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng đến những áp lực và khó khăn phải đối diện khi đã nhảy vào nghề kinh doanh toàn thời gian. Nhiều doanh nhân đúc kết rằng đây thực sự là một cái “nghiệp” hơn là “nghề”.

Khởi nghiệp là gì? Startup là gì? 8 yếu tố mà người khởi nghiệp trẻ cần có  - Hướng nghiệp 4.0

Một vấn nạn không thường xuyên thấy trong những ngành nghề khác là doanh nhân luôn phải sẵn sàng đối mặt với mọi bất trắc nằm ngoài toan tính. Và theo định luật của Murphy, rắc rối luôn đến vào những lúc bất ngờ nhất.

Năm 1978, khi tôi đang làm việc cho một ngân hàng đầu tư ở Los Angeles, một người bạn Việt kiều rủ tham gia thành lập một nhà máy ở thành phố Ensenada tại Mexico. Chúng tôi liên doanh với một công ty Nhật chuyên thu gom rong biển để sản xuất bột thuốc Spirulina cho thị trường dược phẩm. Dự án mất cả năm mới hoàn thành. Theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chúng tôi không được phép mua trực tiếp rong biển từ ngư dân mà phải mua qua hợp tác xã. Hoạt động được ba tháng, các ngư dân Mexico thấy có lợi nên đổ xô đi khai thác, dẫn đến nguồn cung rong biển bắt đầu vượt so với cầu. Theo lẽ tự nhiên, nếu cung vượt cầu thì phải bớt giá, nhưng trái lại, hợp tác xã nơi đây lại đòi tăng giá.

Chúng tôi không hài lòng về chuyện này vì trong khi hợp tác xã mua rong biển của ngư dân chỉ khoảng 800 đô la/tấn, nhưng bán lại cho chúng tôi với giá 1.100 đô la/tấn. Thậm chí, sau đó giá mua của hợp tác xã từ người dân chỉ còn 600 đô la, nhưng đòi bán cho chúng tôi với mức 1.200 đô la. Trưởng xưởng lúc đó là một người Nhật, thấy phi lý nên quyết định không mua từ hợp tác xã nữa mà mua trực tiếp từ ngư dân. Thế là lãnh đạo hợp tác xã họp lại và đòi chính quyền địa phương đóng cửa nhà máy, rồi tổ chức người đánh anh trưởng xưởng người Nhật, đồng thời cho người đến biểu tình trước lãnh sự quán Nhật. Thấy lộn xộn, phía Nhật đóng cửa luôn nhà máy, thế là chúng tôi mất trắng tiền bạc đầu tư và thời gian công sức bỏ vào dự án này.

Anh bạn Việt kiều trong vụ kinh doanh rong biển của tôi là một doanh nhân sáng tạo không biết mệt mỏi, luôn tìm ra các dự án làm ăn mới, giống như đã bị... “nghiện”. Khi đó, có một giáo sư đại học thử nghiệm nuôi bào ngư trên biển với tỷ lệ sống khá cao. Anh bạn cùng tôi kêu vốn để thành lập xưởng nuôi ở Santa Barbara, tốn khoảng 500.000 đô la. Nhưng chỉ nuôi được một mùa thì việc nuôi đại trà không thành công như mong đợi, vì bào ngư nuôi công nghiệp không lớn bằng bào ngư nuôi trong phòng thí nghiệm, rồi ô nhiễm ngoài biển ảnh hưởng làm cho toàn bộ bào ngư chết hết. Thế là lại một lần nữa chúng tôi trắng tay vì những điều không có trong toan tính.

- TS. Alan Phan -