Minh Khang: Bạn giúp tôi làm bài tập môn ngữ văn có được không?
ChatGPT: Chắc chắn rồi. Bạn có thể cho mình biết đề bài hoặc yêu cầu bài tập của bạn là gì không?
Minh Khang: Đề bài là trình bày về vấn đề ô nhiễm môi trường trong cuộc sống hiện nay. Tôi đang bí ý tưởng cho đề bài này.
ChatGPT: Đề tài ô nhiễm môi trường hiện nay là một vấn đề rất quan trọng và có thể khai thác từ nhiều góc độ để giúp bạn bắt đầu. Mình gợi ý một số ý tưởng và cấu trúc bài viết như sau. Một mở bài, bạn có thể bắt đầu bằng cách giới thiệu tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Đó là cuộc hội thoại giữa Minh Khang và ChatGPT - một trong những công cụ AI phổ biến nhất hiện nay. Em Minh Khang đang là học sinh lớp 11, sống tại thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên sử dụng AI trong hầu hết các lĩnh vực, thậm chí bạn xem AI như một người bạn có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Chia sẻ về thói quen sử dụng AI, Minh Khang thừa nhận: “Em thấy AI rất hữu ích, nhất là trong vấn đề học tập. Em hay dùng AI để nhờ giải bài tập, viết luận và tìm tài liệu. Em cảm thấy bản thân đang lạm dụng AI rất nhiều, trước đây khi có bài tập thì em sẽ thường tự tìm kiếm đáp án, nhưng bây giờ em chỉ cần đưa cho AI là có ngay đáp án một cách nhanh chóng”.
Không thể phủ nhận rằng, AI mang đến nhiều lợi ích cho người dùng, trong đó có trẻ em. Thông qua các ứng dụng, AI giúp trẻ tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và trực quan hơn. Những trợ lý ảo có thể giúp trẻ em giải đáp thắc mắc, luyện tập ngôn ngữ và tiếp thu thông tin một cách cá nhân hóa theo khả năng của từng em.
“Trẻ cảm thấy thích thú khi tiếp cận thông tin mới, đặc biệt và khác biệt so với đời sống thực. Nhiều trẻ đang phụ thuộc vào AI, các công cụ trí tuệ nhân tạo. AI mang lại hình thức giải trí mới sau giờ học căng thẳng, giúp trẻ có phương thức giải trí phù hợp hơn, là môi trường giúp nâng cao kỹ năng nhận thức. AI cung cấp thông tin đầy đủ, đa dạng, với khối lượng lớn, giải đáp gần như tất cả câu hỏi "vì sao" của trẻ ở mức độ cơ bản. Về mặt tiêu cực, thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng khiến trẻ tiếp nhận một chiều, thiếu phân tích, hình thành cảm xúc rời rạc. Dù AI thể hiện biểu cảm, hình ảnh, lời nói cảm xúc, nhưng chưa thể hiện đầy đủ các hình thái cảm xúc ngoài đời thực. Tiếp cận lâu ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng định hình cảm xúc, nhận thức cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, tương tác và xây dựng mối quan hệ ở trẻ”. Ông Nguyễn Quang Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM chia sẻ.
Bên cạnh những lợi ích, việc sử dụng AI cũng đặt ra nhiều mối lo ngại về tác động tâm lý đối với trẻ em. Các thuật toán để xuất nội dung có thể khiến trẻ em bị cuốn vào vòng lặp vô tận của video và trò chơi làm giảm khả năng tập trung và sáng tạo. Hơn thế nữa AI thu thập dữ liệu thói quen sử dụng của trẻ từ đó tạo ra những nội dung ngày càng hấp dẫn nhưng đôi khi không phù hợp với độ tuổi.
“Trẻ tiếp xúc với AI để hỗ trợ trong các hoạt động học tập hay trong cuộc sống của mình thì chúng ta có thể thấy rằng các thông tin phản hồi từ AI được diễn ra một cách rất nhanh chóng và luôn sẵn có nhiều đáp án. Điều này sẽ làm hạn chế đi khả năng tư duy logic, khả năng suy nghĩ một cách độc lập của trẻ và một số tác vụ hỗ trợ của AI trong việc sáng tạo, sáng tác cũng sẽ làm giảm đi khả năng tưởng tượng và khả năng tư duy sáng tạo”. Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên - Chuyên gia Đào tạo AI, Giám đốc Học viện Kỹ năng VTALK nhận định.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc tiếp xúc với chatbot - ứng dụng trò chuyện từ khi còn quá nhỏ sẽ khiến trẻ lầm tưởng trí tuệ nhân tạo là người bạn thực sự và hành động theo lời khuyên của trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó những lời khuyên này có thể bao gồm nội dung không chính xác, có hại hoặc gây hiểu nhầm, việc tương tác quá nhiều với công nghệ này có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm lo lắng bất an hoặc mất kỹ năng xã hội do ngày càng ít tương tác với người khác. Ngoài ra việc quá phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo còn có thể làm giảm khả năng học tập, nghiên cứu và làm việc chủ động của trẻ.
Thạc sĩ Mỹ Duyên cũng chia sẻ thêm: “AI thật sự là một công cụ rất hữu ích trong việc hỗ trợ trẻ học tập và có cơ hội khám phá về thế giới xung quanh. Tuy nhiên phụ huynh và nhà trường cũng nên có một số lưu ý để đồng hành cùng trẻ, chẳng hạn như nhà trường và phụ huynh có thể lựa chọn các kênh AI hoặc các nền tảng trí tuệ thông minh phù hợp để kết nối và tiếp xúc với trẻ. Thứ hai chúng ta sẽ đặt ra những giới hạn về thời gian hoặc giới hạn tiếp xúc của trẻ đối với AI. Bên cạnh cho trẻ học tập và phát triển qua AI thì tôi vô cùng khuyến khích việc trẻ trải nghiệm thông qua giao tiếp trực tiếp, những trải nghiệm ở thế giới thật xung quanh mình và rèn luyện về tư duy phản biện, kiểm tra thông tin trong việc trò chuyện, giao tiếp với AI”.
AI có thể là một người bạn đồng hành tuyệt vời nhưng không thể thay thế trải nghiệm thực tế. Vì vậy các bậc phụ huynh nên hướng con sử dụng AI một cách thông minh và cân bằng thay vì phụ thuộc vào đó. Đồng thời hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời tương tác thực tế để phát triển toàn diện.
Nguồn: Đài Truyền hình Vĩnh Long 1