Kể từ sau Thế chiến II (1945), lần lượt một số các quốc gia đạt được chuỗi tăng trưởng liên tục kéo dài để tạo nên các kỳ tích kinh tế. Các chuỗi này thường kết thúc khi quốc gia đó rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng âm trong ít nhất một năm. Dưới đây là danh sách các quốc gia đạt được chuỗi tăng trưởng dài nhất và có tốc độ ấn tượng. Có vài trường hợp đặc biệt, đó là Singapore dù không liên tục đủ dài nhưng lại là nhiều chuỗi nối tiếp tạo ra một dãy các chuỗi tăng trưởng cao kéo dài hoặc như Australia chuỗi tăng trưởng kéo dài, dù tốc độ không cao nhưng trên nền GDP ở mức rất cao nên cũng đáng được ghi nhận.

cac-quoc-gia-co-chuoi-tang-truong-dai-nhat-1752458559.jpg

1. Nhật Bản (1950-1973) - 23 năm: Nhật Bản đã tạo ra giai đoạn tăng trưởng thần kỳ hậu chiến trung bình 9,7%/năm. Kết thúc với khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 nhưng khi đó đã đủ tạo ra một xã hội phát triển. Kinh tế Nhật Bản sau đó vẫn tăng trưởng cho đến những năm 1990, vươn lên vị trí thứ 2 thế giới trước khi chững lại và có dấu hiệu suy thoái. Nhưng vẫn đảm bảo cho họ nằm trong top những nền kinh tế hàng đầu thế giới;

2. Hàn Quốc (1963-1997) - 34 năm: Hàn Quốc đã đạt được chuỗi tăng trưởng liên tục trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá với tốc độ trung bình 7–10%/năm. Mặc dù kết thúc do khủng hoảng tài chính châu Á 1997 nhưng sau đó kinh tế Hàn Quốc vẫn phát triển khá tích cực và vẫn thuộc nhóm tốc độ khá so với các nước thu nhập cao. Đến nay, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản, điều mà rất ít người dám nghĩ tới trước đây.

3. Trung Quốc (1978-2022) - 44 năm (chưa dừng lại): đây là chuỗi tăng trưởng dài nhất lịch sử hiện đại với tốc độ trung bình 9,5%/năm. Năm 2022, tăng trưởng chậm lại đột ngột do COVID và chính sách “Zero-COVID” (tăng 3.0%) nhưng sau đó vẫn là tăng trưởng dương. Đến nay, chuỗi tăng trưởng vẫn tiếp diễn nhưng tốc độ đã giảm đáng kể. Dẫu vậy, chuỗi tăng trưởng này đã giúp Trung Quốc từ nhóm nghèo nhất thế giới vươn lên nhóm thu nhập cao (dự báo trong 1-2 năm tới), tăng trưởng GDP giảm tốc khi đạt ngưỡng này không có gì gọi là bất thường, tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây.

4. Ireland (1987-2007) - 21 năm: nhờ giai đoạn tăng trưởng cao này, Ireland được gọi là “con hổ Celtic”. Kết thúc do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nhưng cũng đã đủ giúp Ireland vươn lên top đầu châu lục về GDP bình quân đầu người.

5. Việt Nam (1989-2020) - 32 năm: Việt Nam đạt được chuỗi tăng trưởng từ sau Đổi Mới. Tăng trưởng liên tục tốc độ khá cao (6,5-7,5%) cho đến năm 2020 (sụt giảm tốc độ tăng trưởng do COVID nhưng vẫn đạt 2.9%). Sau COVID, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và vẫn duy trì tăng trưởng dương. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam không cao và ấn tượng bằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng vẫn rất ấn tượng, đủ giúp nước này từ nhóm nghèo nhất thế giới lên nhóm thu nhập trung bình cao (năm 2025 và sẽ được công bố vào Tháng 7/2025). Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng cao và bền vững. Nếu đạt được mục tiêu tham vọng trong 10-15 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vượt bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các nước thu nhập cao.

6. Ấn Độ (1991-2020) - 30 năm: Chuỗi tăng trưởng của Ấn Độ bắt đầu sau cải cách kinh tế 1991 và kết thúc tạm thời do COVID năm 2020 (GDP giảm ~7.3%). Chuỗi tăng trưởng của Ấn Độ tuy kéo dài nhưng chất lượng tăng trưởng không ấn tượng do thiếu ổn định. Sao COVID, Ấn Độ hồi phục khá nhanh và đẩy cao tốc độ tăng trưởng. Nếu duy trì được tốc độ cao trong thời gian tới, Ấn Độ cũng sẽ được hy vọng theo chân Trung Quốc để thoát bẫy thu nhập trung bình (nhưng chậm hơn Việt Nam khoảng 7-10 năm).

7. Australia (1992-2019) - 28 năm: đây là chuỗi tăng trưởng không suy thoái dài nhất trong số các nước phát triển. Mặc dù tốc độ không cao như các nước kể trên nhưng so với các nước phát triển thì đây là thành tích đáng nể. Chuỗi tăng trưởng này kết thúc do đại dịch COVID năm 2020.

8. Singapore (1965-1985, rồi 1986-1997, rồi 1999-2001, rồi 2002-2008, rồi 2010-2019), bao gồm nhiều chuỗi tăng trưởng trung bình (liên tục trên 10 năm) nhưng liên tiếp taok thành chuỗi dài có gián đoạn. Chuỗi dài nhất là 1965-1985 (20 năm). Trong các quãng thời gian này, Singapore luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với vị thế kinh tế của họ ở mỗi thời kỳ. Đến nay, không những dễ dàng thoát bẫy thu nhập trung bình, Singapore đã vươn lên nhóm các nước có GDP bình quân hàng đầu thế giới.

Hình vẽ bên dưới chỉ ghi nhận 6/8 nước được kể tên do Ấn Độ có chuỗi tăng trưởng dài nhưng tốc độ không cao và thiếu ổn định; Singapore tăng trưởng rất ấn tượng nhưng không có 1 chuỗi liên tục kéo dài mà là kết hợp bởi nhiều chuỗi vừa và khá dài.

Theo: Thanh Nhan