Hơn 2 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc từ đỉnh lịch sử và VN-Index đã “đâm thủng” các ngưỡng tâm lý 1.400, 1.300 và 1.200 điểm. Không phân biệt cổ phiếu cơ bản hay cổ phiếu đầu cơ, không phân biệt cổ phiếu “giá trị” hay cổ phiếu “rác”, thị giá các cổ phiếu đã đồng loạt giảm rất mạnh. Việc bay mất 50-70% vốn hóa kể từ đỉnh không còn là điều lạ lẫm.

Trong bối cảnh đó, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã ra tay đăng ký mua vào khối lượng lớn cổ phiếu. Việc mua vào của lãnh đạo luôn có tác dụng là phần nào tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư vào việc cổ phiếu có khả năng hồi phục trở lại trong tương lai.

Có thể kể đến ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (mã: VPG) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VPG theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 24/6 đến 23/7. Sau giao dịch, vị lãnh đạo này sẽ nâng lượng sở hữu từ 19,7 triệu cổ phần (tỷ lệ 24,5%) lên 20,7 triệu cổ phần (tỷ lệ 25,8%).

Việt Phát khởi đầu kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nội địa, sau đó phát triển sang sản xuất - kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và mới đây là mở rộng sang đầu tư trong lĩnh vực bất động sản với dự án khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, thành phố Hải Phòng. Tại đại hội cổ đông năm nay, Việt Phát đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu 8.275 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với thực hiện năm trước, lợi nhuận sau thuế 203 tỷ đồng, giảm 51,9% so với 2021. Mức cổ tức năm nay dự kiến sẽ là 15% bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, cổ phiếu này đã giảm 52% kể từ mức giá đỉnh 58.640 đồng/cp hồi đầu tháng 4.

Một lãnh đạo khác là bà Đinh Thị Nhật Hạnh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã: KHG) cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu KHG để tăng sở hữu từ 4,45 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1%) lên 5,45 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,23%). Thời gian thực hiện từ ngày 22/6 đến 22/7 bằng phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Bà Hạnh đăng ký mua vào cổ phiếu KHG trong bối cảnh cổ phiếu KHG đã có nhiều phiên giảm sàn liên tiếp về vùng giá 6.400 đồng/cổ phiếu – mất hơn 60% so với mức đỉnh 16.150 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 10/1.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Đầu tư LDG (mã: LDG) đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu LDG để tăng sở hữu từ 27,1 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 11,3% vốn) lên 29,1 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 12,1% vốn). Thời gian thực hiện từ 22/6 đến 21/7 bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận hoặc cả hai. Mục đích ông mua vào để tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân. 

Ông Hưng đăng ký mua vào trong bối cảnh cổ phiếu LDG cũng giảm sàn nhiều phiên giảm sàn liên tiếp về vùng giá 7.400 đồng – mất 70% so với mức đỉnh 27.150 đồng trong phiên giao dịch ngày 11/1.

Tháng trước, hàng loạt lãnh đạo cũng đã mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp mình trong bối cảnh cổ phiếu lao dốc như ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Tập đoàn Gelex đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu; ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Đất Xanh, đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu DXG từ 27/4 đến 26/5; hàng loạt lãnh đạo ngân hàng LienVietPostBank đã đăng ký mua lại tổng cộng gần 250.000 cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 25/4/2022 đến 6/5/2022...

Ở động thái ngược lại, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 17,74 triệu cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen, giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,6% xuống 0%. Thời gian giao dịch dự kiến là 23/6-22/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính của công ty.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen kiêm Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, hiện đang sở hữu 84,3 triệu cổ phiếu HSG, tương đương tỷ lệ nắm giữ 17,09%. Kết phiên giao dịch ngày 20/6, cổ phiếu HSG có giá 14.750 đồng/cổ phiếu, giảm 70% so với mức đỉnh gần 50.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2021 và xuống thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Lần cuối Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen mua vào HSG là tháng 7/2018 (với số lượng 1 triệu cổ phiếu). Suốt trong năm 2020, công ty này đã bán ra khối lượng lớn HSG (một lần bán ra 43 triệu cp, một lần bán ra 30 triệu cp và một lần bán ra 20 triệu cp - được ông Lê Phước Vũ mua lại).