Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định số 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Trong đó có quy định yêu cầu các đối tượng kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Cụ thể, máy tính tiền này là thiết bị điện tử đồng bộ hoặc một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như: tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch. Các thiết bị, hệ thống phải được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử.

ke-hoach-kinh-doanh-quan-an-1628494829.png
 

Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế được cấp mã theo tiêu chuẩn hệ thống của Tổng cục Thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, định dạng, chuẩn kết nối dữ liệu của hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử được khởi tạo để chỉ đạo, kiểm soát Chi cục Thuế quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Còn Chi cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh, đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế.

Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế theo quy định tại Thông tư 31/2021 của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào đó, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Về nhà cung cấp: Dự thảo cũng quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử phải có ít nhất 5 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hơn nữa, phải có tối thiểu 10.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử hoặc dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử tính đến thời điểm gửi văn bản đề nghị ký hợp đồng Tổng cục Thuế, có tối thiểu 20 nhân sự trình độ Đại học chuyên ngành về CNTT, và có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng với giá trị trên 5 tỷ đồng.

Về mặt kỹ thuật: dự thảo thông tư cho biết hệ thống cung cấp dữ liệu với Tổng cục Thuế kể trên phải được kết nối liên tục trong 24 giờ hàng ngày và 7 ngày trong tuần. Thời gian dừng cung cấp dịch vụ không quá 24 giờ mỗi năm. Dự kiến, nếu dự thảo được thông qua, thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2022.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hàng quán kinh doanh nhỏ lẻ đều phải áp dụng điều luật này.

Cơ quan soạn thảo quy định rõ các trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nói trên gồm các tổ chức, cá nhân (không gồm hộ khoán) hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực trung tâm thương mại: siêu thị; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí; đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng; cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng khác.

Với hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm kế toán, lập hóa đơn điện tử thì sử dụng hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in trong thời gian tối đa 12 tháng.

Nhưng, sau đó cơ quan thuế trên địa bàn phải có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.