boeing-thong-tri-nganh-san-xuat-may-bay-ra-sao-lieu-co-doi-thu-co-the-canh-tranh-1679271456.png

Chân dung William E. Boeing.

Câu chuyện ra đời nhiều biến động của Boeing

Một kỹ sư hàng không người Mỹ William Edward Boeing và một kỹ sư của Hải quân Hoa Kỳ George Conrad Westervelt đã có duyên gặp gỡ và quyết định cùng nhau sáng lập ra công ty vào ngày 15/7/1916, đây là tiền thân của công ty Boeing sau này.

William E. Boeing từng học ở Đại học Yale danh giá. Năm 1903, sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ, và trở nên giàu có. Trong suốt khoảng thời gian này, ông cũng học hỏi được nhiều kiến thức về cấu trúc bằng gỗ, điều quý giá giúp ông liên tưởng thiết kế và lắp đặt máy bay sau này.

Ban đầu, công ty có tên là “B&W”, được viết tắt bởi tên của 2 nhà sáng lập. Ngay sau đó, công ty đã được đổi tên thành "Pacific Aero Products". Sang năm 1917, công ty tiếp tục đổi tên thành "Boeing Airplane Company".

Năm 1927, William E. Boeing đã thành lập một hãng hàng không có tên gọi “Boeing Air Transport (BAT). Ngay sau đó một năm, công ty này sáp nhập lại với Boeing Airplane Company và Pacific Air Transport, trở thành một công ty hàng không lớn mạnh. Năm 1929, Boeing cho đổi tên gọi chính thức của công ty thành United Aircraft and Transport Corporation và thu mua hàng loạt công ty khác như Hamilton Standard Propeller Company, Chance Vought, Pratt & Whitney, và National Air Transport.

boeing-thong-tri-nganh-san-xuat-may-bay-ra-sao-lieu-co-doi-thu-co-the-canh-tranh-1-1679271456.png

Bên trong một nhà máy sản xuất máy bay của Boeing.

Tuy nhiên, năm 1934, đạo luật Air Mail ra đời, cấm các nhà sản xuất và các hãng hàng không cùng nằm dưới một tổng công ty. Do đó, chúng ta có 3 công ty nhỏ được tách ra là Boeing Airplane Company, United Aircraft Corporation (tiền thân của United Technologies) và United Airlines. Cuối cùng, William E. Boeing quyết định bán hết các cổ phiếu của mình.

Vài năm sau, chiếc thủy phi cơ đường dài lớn nhất thời điểm đó là Boeing 314 Clipper đã được sản xuất thành công bởi Boeing vào giữa những năm 1938 và 1941, sau khi đạt được thỏa thuận với Pan American World Airways (Pan Am). Đây là chiếc máy bay dân dụng lớn nhất bấy giờ, cất cánh lần đầu vào tháng 6/1938, có sức chứa đến 90 hành khách đối với chuyến bay ngày và 40 hành khách với chuyến bay đêm.

Chỉ trong vòng một năm, dịch vụ máy bay vận chuyển hành khách từ Hoa Kỳ đến Anh Quốc đầu tiên được khai trương, sau đó Pan Am nhanh chóng mở rộng thêm nhiều đường bay khác đi khắp các châu lục với Boeing 314 Clipper.

boeing-thong-tri-nganh-san-xuat-may-bay-ra-sao-lieu-co-doi-thu-co-the-canh-tranh-2-1679271456.png

Hình ảnh chiếc máy bay Boeing 314 Clipper.

Năm 1938, Boeing thành công sản xuất máy bay 307 Stratoliner, có khả năng bay ở độ cao 20.000 ft trên hầu hết các biến động về thời tiết.

Trong Thế chiến thứ hai, Boeing đã đóng một số lượng lớn các máy bay ném bom, năng suất có khi lên đến 350 máy bay/tháng. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc thì công việc của họ cũng đình trệ.

Vậy nên sau chiến tranh, công ty của William E. Boeing định hướng tới phục hồi nhanh chóng bằng cách bán Stratocruiser. Máy bay này có 4 động cơ dùng để chở khách thương mại hạng sang được phát triển từ B-29. Tuy nhiên, doanh số của kiểu máy bay này không như mong đợi và Boeing phải tìm các cơ hội khác.

Cuối cùng, Boeing đã thành công trong ý tưởng bán máy bay quân sự để có thể chuyên chở binh sĩ và tiếp tế nhiên liệu trên không.

Đế chế Boeing ngày nay phát triển thế nào

boeing-thong-tri-nganh-san-xuat-may-bay-ra-sao-lieu-co-doi-thu-co-the-canh-tranh-3-1679271456.png
 

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng sử dụng máy bay Boeing.

Hiện nay, Boeing Co (Boeing) là một công ty chuyên thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay thương mại lẫn hệ thống vũ trụ, quốc phòng, an ninh hoạt động trên khắp các châu lục, có trụ sở chính đặt tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Đồng thời, công ty cũng cung cấp dịch vụ hậu mãi rất tốt như hỗ trợ hậu cần, bảo trì, sửa đổi, đào tạo, phân tích dữ liệu và các dịch vụ dựa trên thông tin.

  • Ở phân khúc Máy bay Thương mại của Boeing bao gồm việc sản xuất, phát triển và tiếp thị, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đội bay, chủ yếu dành cho ngành hàng không thương mại trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
  • Ở phân khúc Quốc phòng, Vũ trụ và An ninh bao gồm việc nghiên cứu,, sản xuất, phát triển và sửa đổi các hệ thống vũ khí, máy bay quân sự có người lái và không người lái.
  • Ở phân khúc Dịch vụ Toàn cầu, Boeing cung cấp dịch vụ cho khách hàng thương mại lẫn quốc phòng.
  • Ở phân khúc Vốn, công ty cố gắng đảm bảo khách hàng của họ luôn có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để mua và nhận sản phẩm của Boeing, đồng thời quản lý rủi ro tài chính tổng thể.
boeing-thong-tri-nganh-san-xuat-may-bay-ra-sao-lieu-co-doi-thu-co-the-canh-tranh-4-1679271593.png

Giá cổ phiếu của Boeing. (Theo Forbes)

Có truyền thống lâu đời về lãnh đạo và đổi mới, là công ty hàng không vũ trụ có kinh nghiệm suốt gần một thế kỷ, Boeing chú trọng tận dụng tài năng của nhân lực để thúc đẩy các cơ hội kinh tế, đề cao tính bền vững và tác động cộng đồng. Đội ngũ của Boeing cũng cam kết mang lại giá trị bền vững và nuôi dưỡng văn hóa dựa trên các giá trị cốt lõi của công ty về đảm bảo an toàn, chất lượng cũng như tính toàn vẹn.