Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay tôi thấy hiện tượng lùa gà làm hại nhiều mảnh đời đáng thương và các bạn sử dụng thuật ngữ “lùa gà” hơi thái quá với thái độ khá tiêu cực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy tôi viết bài viết này để chia sẻ góc nhìn và quan điểm của tôi dựa trên những trải nghiệm thực tiễn trong hành trình làm Marketing và kinh doanh của tôi. Trước hết để giúp các bạn hiểu thêm về bản chất của thuật ngữ này, sau đó, các bạn cũng có thể sử dụng một vài gạch đầu dòng cho công việc Marketing nói riêng hay trong đời sống nói chung.
Mục lục
1, Lùa gà là gì?
2, Tôi đi lùa gà
3, Câu chuyện của dượng
4, Công thức lùa gà
5, Nhìn nhận về lùa gà
6, Hiểu đúng về lùa gà
7, Lùa gà trong giáo dục và đào tạo
8, Làm thế nào để tránh bị lùa gà
9, Ứng dụng “lùa gà” để phát triển bản thân & kiếm tiền
1, LÙA GÀ LÀ GÌ?
Đầu tiên phải hiểu thế nào là lùa gà cái đã. Nếu nói về nguồn gốc của cụm từ này thì có lẽ nó được sinh ra từ lĩnh vực tài chính. Hiểu nôm na là, lùa gà là việc dùng các chiêu trò marketing để vẽ nên một ảo mộng hoàn hảo về tương lai nơi mà người người nhà nhà đều được hưởng lợi ích to lớn, và tất nhiên sau đó là vỡ mộng.
Đấy, nhắc đến mấy cái vụ kiếm tiền trong lúc ngủ, tạo thu nhập chăm chiệu 1 tháng chỉ với vài bước “đơn giản”,… ai mà chả thích thú (Đặc biệt đối với những trang giấy trắng chả có gì ngoài lòng tham và sự ngờ ngệch).
Về lý thuyết thì cũng có thể gọi lùa gà là hiện tượng FOMO (fear of missing out). Tức là người ta tạo ra một hiệu ứng tâm lý đám đông, không theo thì lại tiếc đến tiếc để, tiếc quằn tiếc quại vì sợ đánh mất cơ hội, mà theo rồi thì cũng quằn quại vì lo sợ bị thịt lúc nào không hay.
Đừng nghĩ rằng lùa gà là một thuật ngữ dành cho những kẻ nghiệp dư mới bước chân vào đời. Bởi vì bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào khi bước vào lĩnh vực mới cũng đều trở thành những con mồi béo bở. Tức là, bạn có thể là chuyên gia ở lĩnh vực A, nhưng khi bước chân vào lĩnh vực mới B, C, D thì bạn cũng là Gà mà thôi.
2, TÔI ĐI LÙA GÀ
Trước đây tôi cũng có tham gia và làm Marketing Executive cho một dự án Gamefi.
Lúc ấy tôi chỉ đơn thuần làm Marketing và có chút kiến thức về tiền ảo mà thôi. Còn lại cái phong trào chơi game kiếm tiền, NFT,… thì tôi hoàn toàn mù tịt và chẳng thể nào hiểu được nguyên lý đầu tư sinh lợi nhuận cho đến khi…. Tôi được dạy rằng, tất cả những tính năng như chơi game kiếm tiền, lộ trình roadmap hứa hẹn, Danh sách các nhà đầu tư, đối tác lớn bé, các sự kiện quy mô và chuyên nghiệp ... đều nhằm mục đích vẽ lên các dự án tiềm năng để kêu gọi các nhà đầu tư mới.
Và khi dự án đạt được mục tiêu tài chính kỳ vọng, chúng tôi – những người đứng sau dự án, cùng các nhà đầu tư ban đầu - sẽ dùng lý do này hay lý do nọ để đóng dự án (Cứ công bố dự án bị hack là nhanh nhất và được mọi người cảm thông, hoặc là công bố dự án thất bại, hoặc là mặt dày im im rút khỏi thị trường luôn), rút tiền ra khỏi dự án, và làm một dự án khác tên gọi khác với cách làm tương tự. Thấy quen lắm phải không, nó xuất hiện đầy trên VTV ấy!
Lúc đầu óc của một thằng thôn quê như tôi tiếp thu những kiến thức “bạc tỉ” ấy, tâm trí tôi như được khai sáng cực độ. À hóa ra đây là cách làm giàu nhanh chóng của những con người có trí tuệ cao và biết cách sử dụng nguồn lực của người khác để kiến tạo thành công cho bản thân mình.
Nhưng mà, bằng một lý do huyền bí nào đấy, tôi lại chủ động rút ra khỏi dự án. Tôi yêu tiền, tiền là công cụ giúp cuộc sống của tôi hạnh phúc hơn nhưng tôi đã gạt bỏ cơ hội đồng hành cùng team để có thể trở thành các triệu phú đôla nhanh chóng. Nghĩ lại thì có chút hơi tiếc nhưng mà tôi không hề hối hận chút nào, chí ít là tôi vẫn đang vui vẻ kiếm chút bạc lẻ dựa trên những giá trị mà con người tôi tạo ra.
Một phần, bản thân tôi lớn lên từ nhà quê nên tư duy của tôi sẽ luôn theo thiên hướng có làm thì mới có ăn, hoặc là tôi dùng một giá trị nào đấy để đổi lại chút vật chất tiền bạc. Phần khác, tôi là tuýp người sống thiên về các giá trị tinh thần và tình cảm, theo đuổi các giá trị bền vững và phụng sự. Đôi khi chỉ muốn nói ra để tìm sự đồng điệu nhưng mà bị mọi người chê cười quá, nên thôi.
Tôi không nói tất cả các dự án tài chính, GameFI, … đều lùa gà trắng trợn như thế. Nhưng theo những gì tôi thấy, đa số nhà đầu tư vẫn còn kẹt lại ở đảo khá xa và không hẹn ngày về! Và, 90% dự án trên thị trường GameFI, NFT đều sập xuống vực và không thấy dấu hiệu ngóc đầu lên được.
Tôi nói vậy không đồng nghĩa với việc tôi quy chụp các dự án liên quan đến tài chính nói chung hay tiền ảo, crypto nói riêng đều là lùa gà, bởi vì tôi cũng chứng kiến nhiều dự án cực kỳ tâm huyết từ đội ngũ để mang đến giá trị ứng dụng, giải trí mang tính cách mạng cho toàn xã hội. Đơn thuần là việc các đồng coin dùng để thanh toán quốc tế trong vòng vài nốt nhạc.
3, CÂU CHUYỆN CỦA DƯỢNG
Dượng tôi là một chủ thầu phải gọi là thành công trong cái Huyện nơi mà tôi được sinh ra. Hầu như các công trình lớn nhỏ nào cũng đều có sự góp mặt của Dượng tôi ở trong đấy. Kinh tế gia đình nhà Dượng phải nói là khá giả, điều mà tôi luôn ao ước mang lại cho gia đình nghèo khổ tôi.
Ấy vậy mà, trong vòng 1 năm, Dượng tôi lại nợ ngân hàng 3 tỉ, các mảnh đất gần xa đều bị ngân hàng cầm cố và siết nợ. Nguyên nhân thì chắc hẳn các bạn cũng đã hình dung được rồi nhỉ. Đó chính là do Dượng tôi tham gia đầu tư Forex dạng lùa gà.
Trong các mô hình lừa đảo tài chính Online, loại hình phổ biến nhất vẫn là tạo một sàn giao dịch ảo sau đó mời gọi người khác đầu tư.
Nguyên tắc cũng khá là đơn giản.
Bước 1: Tạo ra một sàn giao dịch đơn giản với bộ nguồn có sẵn, có thể thao túng sự biến động giá của các đồng tiền trên sàn (điều mà tôi hay bất kỳ anh em làm Website nào cũng có thể tạo ra dễ dàng)
Bước 2: Nuôi “gà” cho mập cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bước 3: Thịt gà
Đại loại là:
Cho ăn lần 1, nhà đầu tư vui mừng
Cho ăn lần 2, nhà đầu tư tê tái
Cho ăn lần 3, nhà đầu tư tin tưởng
Cho ăn lần 4, nhà đầu tư muốn chơi vố lớn để trở thành đại gia
Và tất nhiên lần 5 luôn luôn sẽ mất trắng.
Thế đấy, công thức, các bước đều có sẵn và thậm chí được đưa vào kiến thức chuẩn ở các hội nhóm lùa gà. Việc của bạn là làm y chang như vậy để có thể kiếm được món tiền khổng lồ.
4, CÔNG THỨC LÙA GÀ
Kiếm tiền thì rất khó nhọc. Tuy nhiên làm giàu từ việc lùa gà là không hề khó. Tôi có thể tự tin nói vậy bởi vì tôi đã từng tham gia, chứng kiến những sự kiện có thật trong cuộc sống của tôi. Và tôi nói thật, công thức của việc lùa gà là khá đơn giản bao gồm các thành tố sau:
Lùa gà = Bức tranh tươi đẹp + đối tượng thích hợp (tham lam + Thiếu kiến thức) + Tâm lý đám đông + Hốt tiền bất chấp
Đây là công thức mà tôi tự chiêm nghiệp ra nên cũng chẳng biết nó có đúng chuẩn không. Nhưng mà thực tế thì nó là thế
A – Bức tranh tươi đẹp
Như tôi đã nói ở trên, một bức tranh tươi đẹp đồng nghĩa với một viễn cảnh sáng lạng mà người khác vẽ ra cho bạn, Cho dù bạn chưa thấy thì bạn cũng đã muốn chìm đắm vào nó rồi.
Tôi may mắn là người hướng nội, cộng thêm cái ngón trỏ là nước ngược (sinh trắc vân tay), nên những viễn cảnh tươi đẹp do người khác vẽ ra ít khi được tôi tiếp thu, trừ khi tôi chủ động suy nghĩ về tương lai tươi đẹp ấy. Nhưng tôi biết rằng ngoài kia có rất rất nhiều người chỉ cần nghe thôi là đầu gật lia lịa, bộ não lắc lư như nghe theo điệu nhạc xập xình mà không hề đắn đo suy nghĩ chút nào.
Ngày nay, việc tạo ra một bức tranh tươi đẹp thì đâu khó gì! Một bộ đồ tây, một chiếc đồng hồ fake trông sang trọng chút, cộng thêm một hay vài chiếc xe oto Mẹc đời mới, tạo dáng nguyên ngày; vậy là có nguyên bộ ảnh sang xịn mịn để đăng lên mỗi tháng. Hay, chung tiền thuê hẳn cái Villa có hồ bơi, mang vài bộ quần áo thay ra thay vào, chạy vào góc này góc kia, chill cùng ly nước suối bên cạnh cái hồ bơi,… Vậy là có nguyên bộ Album up dần cho cả tháng cùng những câu nói đạo lý và khích lệ tinh thần người ta.
Hoặc đơn giản hơn nữa, sử dụng số dư tài khoản ngân hàng của mình như một bằng chứng thuyết phục. Xin cũng được, mượn cũng được, bán thân cũng được,.. miễn sao là bạn có tiền chảy vào tài khoản của mình để khoe là được.
Tôi nói thật, cho dù tôi có cảnh giác đến đâu thì khi nhìn những hình ảnh kích thích như thế xuất hiện liên tục, hệ thống phòng thủ cuối cùng của tôi cũng gục ngã và muốn xiêu lòng. Nên cứ thấy đứa nào khoe, tôi lại Block nó ngay trước khi nó đẻ ra các nội dung tiếp theo.
B – Đối tượng thích hợp
Trong Marketing, chúng tôi gọi đối tượng thích hợp là phân khúc khách hàng, hay gọi là khách hàng mục tiêu. Để bán được hàng, điều bạn nhất định cần nghiên cứu đó là customer insight, hay còn gọi là chân dung khách hàng: họ là ai, làm gì, nghề nghiệp, độ tuổi,….
Trong việc lùa gà, Insight khách hàng cũng khá là đơn giản bao gồm 2 đặc điểm chính: tham lam + thiếu kiến thức.
Tham lam
Tham là là bản tính của mọi con người, nhưng mà có nhiều người tham lam khiến tôi cung kính cúi đầu nể họ thực sự. Lòng tham cho họ một niềm tin và đam mê mãnh liệt khiến họ lu mờ lý trí và biến những thương vụ đầu tư của họ trở thành những canh bạc đỏ đen.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, tham lam của họ cũng đều có cơ sở cả. Giống như dượng tôi, lòng tham lam được nuôi dưỡng lên từ những kết quả “tươi đẹp” được tạo ra trước đó hay từ những viễn cảnh tươi đẹp do người khác vẽ ra.
Còn có những người khác, sự tham lam được nuôi nấng nhờ những con số, những sự việc tay bắt mắt nhìn. Bởi vậy khi tôi hay ai đó chia sẻ những con số thu nhập hấp dẫn, một bộ vest bên cạnh chiếc Mescedez đời mới, tâm lý đầu tiên của người ta là bị thu hút và muốn có được kết quả như tôi cái đã, còn thật hay giả, làm thế nào thì tính sau. Còn khi tôi chia sẻ những bài viết chân thành như này thì có mấy ai quan tâm đâu, nhìn tiêu đề là muốn đăng xuất luôn.
Thiếu kiến thức
Cái này cũng không thể trách được vì có ai mà sinh ra trở thành thần đồng luôn đâu. Thiếu kiến thức ở đây không chỉ là những người trẻ mới bước chân chập chững vào đời, mà còn có thể là nhóm người mới bước chân vào một lĩnh vực mới. Đặc biệt trong giới tài chính, tiền không tự sinh ra và tự mất đi, mà chỉ chuyển từ túi của người thiếu kiến thức đến túi của người có kiến thức.
C – Tâm lý đám đông
Chúng ta cần nhìn nhận sự thật rằng, suy nghĩ của chúng ta rất dễ bị đám đông thao túng. Tất nhiên không phải ai cũng vậy, tôi chỉ nói theo số đông mà thôi. Khi cả xã hội ở trần truồng mà bạn mặc quần áo thì bạn là kẻ quỷ dị khác biệt; khi cả xã hội xem tiền bạc vật chất làm thước đo của con người thì chúng ta cũng phải cố gắng để chứng tỏ giá trị bằng con số,…
Cho nên khi mà cả xã hội đang quan tâm về một lĩnh vực nào đấy, chắc chắn chúng ta ít nhiều cũng bị tác động và cuốn theo chiều gió một cách tự nhiên. Mà đôi khi, cái hiệu ứng đám đông này hoàn toàn là giả và những người hiểu rõ quy luật có thể điều hướng được. Giống như trong nội dung bài viết Bí thuật Seeding tôi có chia sẻ gần đây, tâm lý con người rất dễ bị lợi dụng và thao túng.
Hồi tôi còn làm Marketing cho dự án GameFI kia, tôi học được một chiến lựơc khá là thú vị, đó là xây dựng team Seeding với quy mô 20 – 30 người. Với mỗi thành viên lại có thêm 2 – 3 nick ảo, như vậy chúng tôi có thể tạo ra đâu đó 100 cá nhân ảo để thao túng tâm lý của người khác.
Mỗi khi có bình luận tiêu cực nào đó về dự án của chúng tôi nói riêng hay các dự án GameFI nói chung, 100 cá nhân ảo này lại bay vào giáo huấn tinh thần kẻ đó một trận. Nhiều khi, có ai đó vì công lý mà nói sự thật nào đấy, chúng tôi vào giáo huấn nó đến mức khiến nó nghĩ rằng bản thân nó là một đứa thiểu năng trí tuệ luôn vì đi ngược lại đám đông. Có những người còn đang phân vân nghi ngại, chúng tôi vào cảm thông với nó, ủng hộ nó, và cuối cùng là biến nó trở thành một nhà đầu tư lúc nào không hay.
Đó chỉ mới là khía cạnh Online thôi. Còn thực tế thì cũng dễ dàng quan sát hơn nữa. Ví dụ như ở các công ty bán hàng theo hình thức đa cấp chả hạn. Văn hóa cứ phải gọi là năng lượng, tích cực, nhiệt huyết mọi lúc mọi nơi. Đó mới là sống, sống thì phải biết lan tỏa và chia sẻ cho người khác,…
D – Hốt tiền bất chấp
Đây là yếu tố đặc trưng để tạo nên một cụm từ “lùa gà” đúng nghĩa như mọi người thường hay nghĩ. Ở đây, tôi thích dùng từ thịt gà hơn vì những con gà này bị làm thịt, bị người ta nhai và nuốt nguyên xương. Ở đây, tôi dùng cụm từ hốt tiền bất chấp, có nghĩa là thu tiền mà cũng chả thèm nhả lại bất kỳ giá trị nào chất lượng. Họa chăng giá trị ấy là quy luật tuần hoàn giúp người khác kiếm tiền dựa trên mô hình ấy.
Không hiếm để bắt gặp những dự án lùa gà này xuất hiện trong cộng đồng và được VTV đưa tin cảnh báo thường xuyên. Tên thì khá là nhiều và tôi cũng chả buồn nhắc lại. Nhưng có một điểm chung của các dự án này đó là: Hốt tiền xong bỏ trốn, hay rũ bỏ trách nhiệm.
5, NHÌN NHẬN VỀ LÙA GÀ
Khi nhắc đến cụm từ đa cấp, hay lùa gà, điều đầu tiên tôi thấy cách mọi người phản ứng đó là bức xúc và muốn lên án. Tôi hiểu vì sao mọi người lại có phản ứng như vậy! Có thể là do mất tiền (người thân mất tiền) và mất thời gian mà chẳng có kết quả nào tươi đẹp, có thể là do ghen tỵ vì những người đi lùa gà kiếm tiền dễ quá, hay là tâm lý bị lừa một cách trắng trợn.
Tôi là một người thích trải nghiệm, tôi thích tự bản thân lao vào học hỏi một thứ gì đấy nên kiến thức của tôi có xu hướng tổng hợp và nhìn nhận ở nhiều góc nhìn. Với tôi, tôi không quá kỳ thị hay né tránh 2 cụm từ đa cấp, lùa gà.
Trái lại, tôi thích tham gia vào các mô hình đại loại như này để hiểu bản chất và học hỏi được nhiều kiến thức hay ho, đặc biệt về Marketing. Với tôi, tôi phải ca ngợi và đặt cụm từ lùa gà lên tầm nghệ thuật: Nghệ thuật lùa gà. Đơn giản là vì, muốn lùa được gà, nó đòi hỏi một trí tuệ phi phàm cũng như các kỹ năng Marketing đỉnh cao, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
6, HIỂU ĐÚNG VỀ LÙA GÀ
Câu hỏi đầu tiên, theo bạn, lùa gà có xấu không? Hỏi vậy thôi chứ tôi cũng biết câu trả lời của các bạn rồi. Nhưng với tôi thì câu trả lời là vừa xấu và vừa tốt.
Vì sao xấu?
Rõ ràng nó là một dạng lừa đảo và lợi dụng lòng tin từ người khác. Và trong xã hội, nó cũng chẳng tạo ra được giá trị gì mấy.
Vì sao tốt?
Cái này thì tùy mỗi người thôi, nhưng theo tôi, một người đã bị thịt và cũng đã tham gia vào việc phát triển các mô hình ấy thì lùa gà mang đến các lợi ích cho người tham gia như sau:
- Phát triển bản thân: bạn sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng quan trọng như sản xuất nội dung (ăn không nói có); kỹ năng thuyết trình (chém gió); rèn luyện sự tự tin (tin luôn những điều không tồn tại), kỹ năng điều phối cảm xúc người khác …
- Học được các mô hình bán hàng và tiếp thị hiệu quả: Hiệu quả ở đây chính là tỷ lệ chốt đơn thành công;
Câu hỏi thứ 2, bạn nghĩ lùa gà xuất hiện ở đâu? Rõ ràng lĩnh vực tài chính là thiên đường cho những kẻ lùa gà, và xếp thứ 2 có vẻ là các khóa học làm giàu. Với tôi, tôi thấy lùa gà nó xuất hiện trong mọi mặt đời sống. Miễn sao ở đâu có kẻ tham lam và thiếu kiến thức, ở đó sẽ có lùa gà.
Ví dụ trong lĩnh vực tôn giáo, nhiều người tham lam một cuộc sống bình yên và được ban phước, họ sẵn sàng tham gia vào các tín ngưỡng cực đoan chả biết xuất hiện ở đâu ra;
Trong lĩnh vực kiếm tiền, người ta tham lam việc có nhiều tiền nhanh – dễ, họ sẵn sàng lao vào các hình thức, khóa học làm giàu mà bỏ qua việc thấu hiểu bản chất, giá trị cốt lõi của việc tạo ra dòng tiền đó;
Trong lĩnh vực sức khỏe, con người tham lam một cơ thể khỏe mạnh, họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ nhưng chả biết công dụng có thật hay không;
Trong lĩnh vực làm đẹp, người ta tham lam việc có nhan sắc, cơ thể thon đẹp nhanh chóng và sẵn sàng sử dụng các sản phẩm tào lao không rõ nguồn gốc.
Trong lĩnh vực giải trí, người ta tham lam một sự thư giãn, thỏa mãn cảm xúc, họ sẵn sàng tham gia vào đám đông mà chẳng cần biết sự việc đó có thật hay là không;
Thậm chí trong chuyện yêu đương, người nào tham lam một tình yêu hoàn mỹ; họ chọn một mối tình với vẻ bề ngoài được tạo dựng chỉnh chu mà quên đi sự thấu hiểu người – người.
7, LÙA GÀ TRONG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO
Lý do tôi muốn đi sâu vào việc phân tích bản chất của việc lùa gà trong giáo dục là vì đây là lĩnh vực khá nhạy cảm và bị người khác ngộ nhận, hiểu sai khá là nhiều.
Giáo dục là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng đi kèm cùng sự phát triển của xã hội từ xưa đến nay. Tuy nhiên có nhiều người lại lợi dụng giá trị nhân văn đó để trục lợi cho bản thân.
Theo tôi, giáo dục – đào tạo đơn thuần là việc phát triển kiến thức, kỹ năng để nâng tầm giá trị của bản thân, từ đó đạt được những mục tiêu mong muốn về tài chính, chất lượng cuộc sống,… Tôi gọi đó là giá trị lõi, là nội tại mà con người nên hướng đến.
Thế nhưng, sự thật là ngày càng nhiều các khóa học trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hướng đến việc xây dựng nên các lớp vỏ về mặt tài chính, sức khỏe, tinh thần,… một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tất nhiên tôi là người với tư duy giàu chậm nên tôi cũng không ủng hộ mấy cái khóa học làm giàu dạng đó lắm, đặc biệt là các khóa học làm giàu mà bất chấp đạo đức, các giá trị lâu dài cho xã hội … (Vui lòng đừng có cười nếu tôi lỡ mồm nói ra những thứ nghe thật lố bịch và sến sẩm này trong xã hội coi trọng vật chất, tiền bạc hiện nay @@)
Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi lên án hay kỳ thị tất cả các thầy bà dạy làm giàu. Ở đâu, lĩnh vực nào cũng có kẻ this kẻ that, nên tôi không bao giờ vơ đũa cả nắm. Ai mà theo dõi tôi từ Splanet chấm vn hay dukephung chấm com thì có thể thấy tôi là một đứa chuyên đi giới thiệu khóa học là đằng khác. Và bản thân tôi cũng đang xây dựng một nền tảng học tập, dạy – học trực tuyến tại hotaplus chấm com.
Thì vấn đề ở đây là, tôi tôn trọng và khích lệ các khóa học dạy người ta về việc phát triển tư duy, kiến thức hay kỹ năng. Đâu đó các khóa học họ sẽ sử dụng các chiến thuật Marketing như tạo ham muốn, lòng tin, các đòn tâm lý, Seeding … để kích thích người khác mua hàng giống như việc tôi đã phân tích ở trên. Nhưng quan trọng nhất là giá trị cốt lõi mà khóa học đó có thể mang lại đến đâu (kiến thức, kỹ năng).
Phi thương bất phú – muốn làm giàu thì cần phải biết làm kinh doanh và trang bị cho mình kỹ thuật bán hàng đỉnh cao. Vậy làm sao mà các thầy bà đó có thể dạy cho bạn được nếu họ không biết cách làm giàu nhờ việc bán sản phẩm của chính mình đến cho bạn?
Tôi cũng không mấy bất ngờ khi mà nhiều người họ gọi chung các khóa học làm giàu, khóa học kiếm tiền là các khóa học lùa gà, bởi vì họ trông đợi kết quả tươi đẹp từ khóa học đó quá nhiều. Đồng tiền có thể nói là thước đo cho giá trị. Cho nên muốn kiếm được tiền, bắt buộc bản thân chúng ta phải là người có giá trị; có thể là kiến thức, có thể là kỹ năng, hay là những tác động tích cực đến người khác. Và hơn hết, sự thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, đặc biệt nhất là yếu tố cá nhân của mỗi người.
Cũng giống như nhà trường hay các trung tâm đào tạo khác, chúng ta vào đó để học kỹ năng, để nâng cấp giá trị bản thân. Chả ai có thể đảm bảo rằng bạn có thể thành công, làm giàu sau khi hoàn thành khóa học hay chương trình giảng dạy sau 3 - 4 năm cả. Tất cả phụ thuộc vào cá nhân bạn rất nhiều.
Cho nên các bạn khi đăng ký khóa học làm giàu hay kiếm tiền nào đó thì cũng nên nhận định đúng về kết quả đầu ra của khóa học đó. Với tôi, mục tiêu tôi đặt ra khi mua một khóa học nào đấy cũng khá là đơn giản: (1) Xem cách người ta làm giàu, làm như thế nào, hành trình của người ta; (2) Tự vấn bản thân liệu cách làm này có phù hợp cho bản thân mình hay không.
Thì ở đây, tôi đề cao cái việc cá nhân hóa kỹ năng lẫn kiến thức, tư duy của người dạy lẫn người học. Còn nếu bạn cần kiến thức đơn thuần, trên Google hay sách vở đầy cho bạn luôn. Vấn đề là bạn lười tìm hiểu mà thôi.
8, LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH BỊ LÙA GÀ
Trước tiên, nói gì thì nói, phải hiểu bản thân trước cái đã. Trước đây khi tôi chưa biết những cái này, tôi cứ làm cái này cái nọ, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia, nên lúc nào cũng là con gà trong mắt người khác. Bạn có thể xài các công cụ như sinh trắc vân tay, thần số học tại đây để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu bản thân, từ đó đưa ra định hướng cho cuộc đời mình.
Định hướng, để xác định được định hướng, bạn cần dung hòa 4 yếu tố: Điểm mạnh bản thân + điều bạn thích làm + điều xã hội cần + khả năng kiếm ra tiền. Nói vậy nghe có vẻ thuận tai nhưng để thực sự tìm được điểm dung hòa đấy thì bạn cũng cần có kiến thức và độ trải nghiệm nhất định. Tôi mong bạn sẽ tìm được định hướng sớm, chứ đừng như tui trước kia, cứ chui ra chui vào lĩnh vực mới là lại trở thành gà tơ cho người ta thịt)
Kiến thức là sức mạnh. Nhân gian có câu: Ngu thì chết chứ bệnh tật chi! Cho nên, muốn sống tốt thì cần phải biết mình ngu và không ngừng trau dồi phát triển bản thân.
Dấn thân có chủ đích: Cách để không bị người ta lùa đó chính là chủ động chạy vào bẫy của người ta. Nói nghe thật hoang đường nhưng tôi nghĩ cái này là thực tế nhất. Một khi bạn chủ động, bạn có thể kiểm soát được ngân sách, học hỏi được nhiều cái hay ho từ người ta. Còn không, bạn sẽ bị bào mòn đến tận xương tủy mà vẫn chẳng thấy kết quả ở đâu.
Cuối cùng, tìm mentor hay tham gia vào các cộng đồng mang lại giá trị thật trong một lĩnh vực nào đấy. Trước đây thì định hướng của tôi khá loạn nên tôi tham gia tùm lum nhóm, theo dõi tùm lum người. Nhưng sau khi đã xác định ra định hướng và mục tiêu, tôi thu hẹp lại các biến số trên để tập trung phát triển giá trị của bản thân theo chiều sâu. Tôi ước tôi có 1 mentor lúc trẻ để được hướng dẫn một cách bài bản và tránh các sai lầm không đáng có. Nhưng cái định mệnh của tôi hình như không cho phép tôi làm điều đó, khi mà thần số học số 6 (33) bảo rằng tôi cần trải nghiệm để mà tổng hợp các kiến thức thực tế. Bởi thế nên, lời văn của tôi nó cứ nói hoài không hết ý. @@
9, ỨNG DỤNG “LÙA GÀ” ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN & KIẾM TIỀN
Thay vì gọi các thầy bà lùa gà với thái độ khinh bỉ thì chúng ta có thể gọi với cái tên kính trọng hơn bậc thầy Marketing hay phù thủy Marketing đi. Tôi lấy cái cụm từ bậc thầy Marketing này từ một cuốn sách với tựa đề “Bí mật dot com” . Tôi phải nói rằng cuốn sách này mở mang tâm trí của tôi thực sự. Nó giúp tôi hiểu sâu về các mô hình bán hàng, chiến lược bán sản phẩm giá cao, chiến lược tiếp cận khách hàng,…
Nên nếu bạn biết cách sử dụng nó, đó là một nghệ thuật để nâng giá trị bản thân của bạn lên một tầm cao mới. Cũng như một con dao, chúng ta không thể nói nó là xấu nếu có ai đó dùng dao để giết người được. Tốt hay xấu đều do cách chúng ta tiếp thu và sử dụng.
Với tôi, tôi học được rất nhiều thứ từ mô hình lùa gà tưởng chừng như là xấu xa này:
9.1, Phát triển kỹ năng mềm & kỹ năng bán hàng
Với một đứa hướng nội như tôi thì tôi thấy các vụ lùa gà, hay các mô hình đa cấp nó giá trị làm sao. Tôi có năng lượng, nội lực bên trong nhưng tôi không biết cách thể hiện chúng. Và những cái này đã chỉ cho tôi tất cả. Từ các buổi đào tạo tư duy đến các buổi hô hào “a hô a hô” tôi thấy năng lượng của tôi cứ cháy lên như một ngọn lửa được đổ thêm xăng.
9.2, PR bản thân và phát triển thương hiệu
Nếu tôi không tự tin nói tôi là người chuyên tư vấn và đồng hành để phát triển các mô hình kinh doanh và kiếm tiền online trên nền tảng Website thì chắc đếch ai biết tôi đang làm gì. Nói một cách dễ hiểu và công nghiệp hơn một chút thì: Cách tôi kiếm 1000$/ ngày bằng việc Kinh Doanh Online (bằng việc bán cái laptop của tôi trên chợ tốt – đùa!)
Với những người trong ngành có nhiều kiến thức thì tôi không nói làm gì. Nhưng với các bạn Newbie thì tôi cũng cần phải quảng bá, PR một chút để các bạn biết đến. Ít nhất là tôi tự tin khoe ra giá trị dịch vụ của tôi khi các bạn cần đến. Ví dụ quá ư là thực tế và có ích cho tôi.
Các bạn cũng vậy, nếu các bạn có một giá trị nào đấy, các bạn không tự tin PR nó lên thì bố con thằng nào mà biết đến.
9.3, Rèn luyện bản lĩnh & trí tuệ
Bản lĩnh ở đây bao gồm cả tư duy và kiến thức. Tôi là một kẻ thất bại khá sớm, từ lúc 23 tuổi khi đi theo phong trào khởi nghiệp một cách mù quáng, đổ biết bao nhiêu là công sức, tiền bạc và cả thanh xuân chỉ để trải nghiệm một bài học đắt giá.
Nhưng tôi cảm thấy đó là một bài học giá trị để tôi đỡ phạm phải các sai lầm lớn hơn trong hiện tại và tương lai. Chứ như tôi thấy, trong lĩnh vực tiền ảo nói riêng, nhiều người mất trắng mất sạch tài sản tích cóp cả đời chỉ với 1 vố tất tay.
Không vượt qua được con sóng nhỏ, thì đừng mong sóng sót trong cơn bão giông!
9.4, Xây dựng hệ thống
Đây, đây chính là thứ mà được khác khóa học “lùa gà” cố gắng truyền tải đến cho bạn. Này thì hệ thống kiếm tiền thụ động, ngay cả lúc ngủ; này thì hệ thống bán hàng tự động; này thì hệ thống tìm kiếm và chuyển đổi khách hàng tiềm năng; …
Tôi khẳng định họ không nói láo đâu vì đó là điều họ đang áp dụng cho bạn đấy! Nên nếu bạn muốn học được những thứ giá trị này, bạn nên nhìn nhận lại thái độ và mục tiêu của mình khi tham gia các khóa học, mô hình ấy.
Hay các bạn có để ý rằng các mô hình bán hàng đa cấp hiện nay nó tồn tại và phát triển như một phần của xã hội hay không. Từ việc bán sản phẩm, dịch vụ đến việc xây dựng lối sống, tôi thấy các hệ thống đó đều hoạt động trơn tru và mang lại khá nhiều ý nghĩa cho xã hội.
Ví dụ về muối đá Hàn Quốc mà mẹ tôi đang dùng đi, đó là sản phẩm mới du nhập về Việt Nam cũng vài năm trở lại đây thôi. Tôi không biết giá trị dinh dưỡng thực sự của muối đá như thế nào đến sức khỏe nhưng tôi thấy mẹ tôi cứ đều đặn sinh hoạt ca múa hát tập thể tại cửa hàng đó. Rồi hằng ngày được các nhân viên chăm sóc sức khỏe nhắc nhở làm việc này việc kia.
Và sức khỏe của mẹ tôi cứ thế tốt lên thật. Bản thân tôi thì tôi chả tin chất lượng của loại muối đá kia lắm. Nhưng tôi thấy sức khỏe của mẹ tôi cứ tốt dần lên thì tôi cũng vui và ủng hộ bà tiếp tục tham gia.
Đó chính là ý nghĩa và giá trị mà hệ thống kia mang lại. Miễn sao sản phẩm, dịch vụ của mình mang đến giá trị cho xã hội và cho bản thân mình thì tại sao lại không tận dụng nó cơ chứ?
KẾT LUẬN
Lùa gà – một trong số các từ bị nhiều người căm ghét và khinh bỉ nhất. Nhưng nó vẫn đang tồn tại và hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống. Từ tài chính, đào tạo, tuyển dụng, đến làm đẹp, sức khỏe, tôn giáo, yêu đương,…. Thay vì miệt thị và khinh bỉ những người đi lùa gà, tôi gọi họ với cái tên thân mật hơn “phù thủy marketing” hay “chiến thần sale”. Và thay vì nói lùa gà là lừa đảo, tôi gọi nó là “nghệ thuật lùa gà” – đỉnh cao của marketing và bán hàng kết hợp. Với phương diện là một người làm Marketing và MMO, tôi thực sự ngã mủ nể phục những phù thủy Marketing ấy. Đặc biệt là những người có thể lùa gà từ những thứ tưởng chừng như vô giá trị.
Nói thì cũng đã nói rồi, nhưng nghe , tin, ngộ được hay không là vấn đề của bạn. Tôi không có ý tranh luận hay khuyên nhủ ai cả. Chỉ muốn chia sẻ 1 chút trải nghiệm cá nhân và đâu đó quảng cáo bản thân tôi một chút đến những đọc giả yêu quý của tôi mà thôi. Tôi hi vọng, những thất bại, sai lầm lúc trẻ của tôi sẽ cho bạn một phần nào đó bài học để bạn tiết kiệm chút thời gian, công sức, tiền bạc trên hành trình xây dựng sự nghiệp của mình.
Tóm lại, bạn đã bị thịt lần nào chưa và bài học rút ra của bạn là gì?
From: Duke Phung - Dân Đen Khởi Nghiệp
https://www.facebook.com/groups/dandenkhoinghiep/posts/622917816155991/