Theo thống kê vào năm 2018, Burger King có hơn 16.000 cửa hàng và  Mcdonald's có 36.000 cửa hàng tại hơn 100 quốc gia. Thức ăn nhanh là một lĩnh vực kinh doanh có giá trị hơn 500 tỷ một năm. Đây cũng là lý do tại sao mà các ông lớn burger ngày càng muốn bành trướng và mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia. 

Vào năm 2014, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên thương hiệu burger nổi tiếng Mcdonald's có mặt tại Việt Nam. Dường như, đã có rất nhiều câu chuyện cường điệu thổi phồng về sự kiện này rằng, vào ngày đầu ra mắt của McDonald’s đã thu hút rất nhiều khách hàng địa phương, thậm chí họ có thể phải chờ vài tiếng đồng hồ để có cầm trên tay chiếc bánh Big Mac. 
Nhưng ngày nay thời thế thay đổi và “sự cường điệu” đã giảm xuống. Mặc dù McDonald’s được ra mắt vào năm 2014 và đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng trong vòng 10 năm nhưng tính đến năm 2018 mới chỉ có 17 cửa hàng. Có vẻ, con số 17 là quá nhỏ so với mục tiêu 100 cửa hàng. Bên cạnh đó, thì Burger King gia nhập thị trường  Việt Nam vào năm 2011 và quyết định đầu tư 40 triệu USD vào năm 2012 với mục tiêu mở 60 cửa hàng vào năm 2016. Tuy nhiên, tính đến năm 2018, Burger King mới chỉ có 13 cửa hàng và McDonald’s có 17 cửa hàng tại Việt Nam. 

Nhìn lại những thành công mà các ông lớn burger đã từng đạt được ở thị trường các nước Châu Á mới thấy những con số ở thị trường Việt Nam là “vô cùng khiêm tốn”. McDonald’s đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, nơi mà McDonald's có rất nhiều cửa hàng ở vị trí trung tâm. Còn Burger King đã mở rộng các cửa hàng nhượng quyền tại Nhật Bản, từ 12 cửa hàng vào năm 2008 cho đến 98 cửa hàng vào năm 2017. Tại đây, McDonald’s xếp vị trí thứ 2 trong các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, và Burger King ở vị trí thứ 4. 
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại này là do 2 ông lớn burger đã đánh giá quá thấp những đối thủ địa phương. Bởi người dân Việt Nam đã quen thuộc với sự đa dạng và phong phú của nền ẩm thực nước nhà.



"Ở Việt Nam, chúng tôi có bánh mì bán ngoài đường. Bánh mì có giá thấp hơn quá nhiều so với Burger King hay McDonald's." - Trích lời cô Andrea Nguyen, một nhân vật được phỏng vấn trong đoạn clip của CNBC.

Theo thống kê từ Ủy Ban Châu Âu, người Việt Nam chi một khoản đáng kể thu nhập của họ cho tiền ăn uống, trong đó, 78% chi cho các hàng quán địa phương, các sạp thực phẩm và chỉ có 1% chảy vào túi các thương hiệu đồ ăn nhanh. 
Có khoảng 540.000 cửa hàng bán thực phẩm và đồ ăn ở Việt Nam; 430.000 trong số đó nằm ở chợ và các các sạp thực phẩm. Có gần 80.000 cửa hàng ăn ở Việt Nam, gần 22.000 quán cafe và bar, thế nhưng chỉ có khoảng 7000 cửa hàng thức ăn nhanh tại Việt Nam. Qua đó, ta thấy được sự chênh lệch và thua kém rõ rệt.

Ngoài ra, còn phụ thuộc vào yếu tố giá thành. Hiện nay, so với thu nhập của người Việt Nam thì mức giá ở McDonald’s hay Burger King là khá cao, đặc biệt so với các món ăn đường phố địa phương. Trong khi đó, các món ăn đường phố đa dạng, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam và hơn thế nữa là cung cấp gấp đôi đồ ăn mà giả thành chỉ bằng một nửa. 



Bên cạnh đó thì đôi khi thực khách không chỉ quan tâm đến món ăn, mà con quan tâm đến không gian, không khí nhộn nhịp, mang đậm chất Việt Nam. Mỗi khi người ta muốn hẹn nhau, rủ rê nhau đi nhậu, đi làm vài ba cốc bia anh em câu chuyện, họ thường lui tới các quán xá vỉa hè bình dân hơn là các quán ăn “sang chảnh”. 

Chính những điều đó đã tạo nên nét hấp dẫn và sức hút cho ẩm thực đường phố Việt Nam.  Mặc dù sự phổ biến của các chuỗi thức ăn nhanh đang có xu hướng giảm tại Việt Nam, nhưng hai ông lớn burger chưa dễ dàng từ bỏ thị trường Việt Nam và để cạnh tranh được với ẩm thực địa phương thì vẫn là một bài toán khó đặt ra nhiều thách thức. 

Theo CNBC