Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 19/8, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) cho biết, đã đóng tổng cộng 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) so với đầu năm và hoàn tất việc thay đổi layout mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. Cuối tháng 7, công ty có 1.735 cửa hàng BHX, doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt khoảng 1,3 tỷ đồng. Các chi phí liên quan đến đóng cửa hàng BHX sẽ được ghi nhận trong quý III.
Thời gian qua, nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh liên tục treo bảng dừng hoạt động. Tính riêng tháng 5 và tháng 6, hệ thống này đóng cửa 251 điểm bán.
Động thái trên nằm trong kế hoạch "lấy lại những gì đã mất" mà MWG từng công bố hồi đầu năm. Chuỗi Bách Hóa Xanh dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới và rà soát, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Tiêu chí cân nhắc ngừng hoạt động cửa hàng gồm hạn chế về vị trí và diện tích không thể thay đổi, tỷ lệ chi phí thuê trên doanh thu quá cao khó đạt điểm hòa vốn ngay cả khi doanh thu cửa hàng tiếp tục tăng, không tối ưu về logistics khiến lợi nhuận từ cửa hàng không đủ bù chi phí kho vận do cách xa trung tâm phân phối. Sau quá trình rà soát và xử lý, Bách Hóa Xanh dự kiến vận hành 1.700-1.800 cửa hàng vào cuối quý III.
Trong tháng 7, Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận doanh thu 2.350 tỷ đồng, giảm 45% so với mức đỉnh cùng kỳ năm trước (dịch bệnh khiến nhu cầu trích trữ hàng hóa tăng cao). Lũy kế 7 tháng, doanh thu đạt 15.200 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT cho biết sau đợt tái cấu trúc, trải nghiệm tại BHX đã có sự cải thiện rõ rệt, doanh thu và traffic tăng mạnh. BHX đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn tái cấu trúc và mục tiêu vài tháng tới là tối ưu hóa. Từ nay đến cuối năm BHX sẽ nghiên cứu và mở vài cửa hàng để đánh giá, thử nghiệm mô hình mới. Từ năm 2023, doanh nghiệp sẽ nhân rộng mô hình BHX mới ra toàn quốc, bắt đầu ở một số tỉnh có mật độ cửa hàng BHX còn thưa thớt và tiến tới những tỉnh chưa có cửa hàng BHX.
“Với việc doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí được kiểm soát, tôi kỳ vọng BHX có thể có lời ngay trong quý IV. Qua năm 2023, sự chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi TGDĐ và ĐMX sẽ chấm dứt, BHX thực sự trở thành động lực tăng trưởng của tập đoàn”, ông Tài nói.
Không chỉ tinh gọn Bách Hóa Xanh, thời gian qua MWG cũng dừng kinh doanh chuỗi bán lẻ thời trang AVAFashion và chuỗi bán lẻ trang sức AVAJi. Doanh nghiệp này cho biết, động thái trên giúp tránh phân tán sự tập trung khi đang có nhiều mảng kinh doanh lớn hơn cần quan tâm.
Ngược lại, một số đơn vị mới của "đế chế bán lẻ" ghi nhận tăng trưởng tốt. 50 cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple chính hãng - Topzone - đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng doanh số trong 6 tháng đầu năm. Mô hình cửa hàng điện máy siêu nhỏ, chủ yếu phục vụ khu vực nông thôn - Điện Máy Xanh supermini - có doanh thu lũy kế gấp 1,8 lần so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc An Khang cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu lũy kế tích cực, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ sau khi có được mạng lưới 365 nhà thuốc.
Thế giới di động sở hữu 49% cổ phần của chuỗi An Khang từ năm 2018 nhưng phải đến cuối năm 2021 mới mua lại nốt số cổ phần còn lại, sở hữu 100% chuỗi nhà thuốc. Sau khi chính thức sở hữu An Khang, MWG mới dồn lực cho An Khang bằng cách ồ ạt mở các cửa hàng mới tại các thành phố lớn. Ông Tài nói, sau covid, đây là thời điểm để đầu tư cho chuỗi nhà thuốc.