Dưới áp lực của làn sóng Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Thêm vào đó là chi phí vận chuyển tăng đột biến dẫn đến tình trạng khan hiếm trứng gia cầm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trứng buộc tăng giá bán từ 2.000 - 2.400 đồng/một chục trứng vịt và 1.500 - 2.500 đồng/một chục trứng gà.
Ngày 03/08/2021, tại cuộc họp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng lương thực, thực phẩm của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân vẫn kiên quyết duy trì giá cũ nhằm hỗ trợ cộng đồng vượt qua dịch bệnh. Nữ doanh nhân khẳng định: “Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay”
Những ngày đầu gian khó của nghiệp buôn trứng
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân sinh năm 1954 trong một gia đình nông dân có 8 anh chị em ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Nhà đông con lại nghèo khó, bà Ba Huân phải bỏ học từ năm lớp 5 rồi theo mẹ bán trứng gia cầm. Vừa tròn 16 tuổi, bà chính thức kế nghiệp gia đình, kinh doanh buôn bán trứng. Bà Huân kể về những khó khăn lúc ban đầu: “Những hôm trời mưa, đường lầy lội, để giữ gánh trứng trên vai không bị ngã nghiêng rơi vỡ, tui phải bám chặt ngón chân xuống bùn. Một tay tui có thể cầm chắc 5 quả trứng”.
Ban đầu, việc cạnh tranh với các thương lái lâu năm là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, bà Huân phải đi hết ấp này đến ấp khác mua lại trứng của người dân với tiêu chí “mua tận gốc, bán tận ngọn” mới có cơ hội cạnh tranh trên thị trường trứng. Từ các chợ ở Long An, bà Huân tiếp tục mở rộng sang các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Tiền Giang,.... Khi nhu cầu ngày càng lớn, bà đã lên ý tưởng phân phối trứng ở cả thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1970, Ba Huân phải tạm ngưng việc kinh doanh của mình do các chính sách mới không cho tiểu thương buôn bán hàng ra ngoài tỉnh.
Sau đó, bà Ba Huân làm công nhân thu mua trứng tại Công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang. Công việc này giúp bà Huân có thêm được nhiều kinh nghiệm cũng như giúp bà nuôi các em mình ăn học. Năm 1982, với số vốn nho nhỏ tích góp được, bà Huân thành lập vựa chuyên thu mua và phân phối trứng gia cầm ở thành phố Hồ Chí Minh và lấy tên là Ba Huân.
Việc buôn bán của vựa trứng ngày càng thuận lợi, cung cấp khoảng 30% sản lượng trứng của toàn thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2001, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng. Thương hiệu Ba Huân là một cái tên không quá xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Thậm chí sản phẩm trứng còn được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong, Malaysia, Singapore,...
Tạo dựng cơ nghiệp nhờ “kinh doanh bạc lẻ nhưng dám mua dây chuyền bạc tỷ”
Năm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp chăn nuôi trong đó có Công ty TNHH Ba Huân. Trứng không được bán trong một thời gian dài vì dịch bệnh khiến Công ty TNHH Ba Huân thiệt hại gần 6 tỷ đồng và đứng trước bờ vực phá sản. Đứng trước tình cảnh khó khăn ấy, bà Ba Huân đã xuống tận các cánh đồng miền Tây tìm hiểu tình hình, tìm cách cứu lấy nông dân mình.
Sau khi nghiên cứu nhiều đối tác lớn như Mỹ, Úc, Trung Quốc,.. bà Ba Huân đã quyết định ký hợp đồng mua thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan). Để có được hợp đồng này, bà Huân đã phải chấp nhận bán bớt tài sản, vay mượn khắp nơi. Bà Ba chia sẻ: “Lúc đó ai cũng nói tui liều, kinh doanh bạc lẻ mà dám nhập dây chuyền tiền tỷ về làm. Tui thì nghĩ nếu mình không dám làm thì sẽ chẳng bao giờ mong thay đổi được phận nghèo”.
Dây chuyền công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Moba được áp dụng tại Công ty TNHH Ba Huân gồm có: hai lần rửa bằng nước sạch rồi sấy khô, tiếp đến là soi để loại bỏ trứng hỏng. Những quả trứng đạt tiêu chuẩn sẽ được chiếu tia UV để diệt khuẩn 99% và được phủ lên một lớp dầu bảo vệ. Ngoài ra, những quả trứng còn được in số hiệu để có thể truy xuất nguồn gốc và thời gian đóng hộp.
Việc đầu tư vào hệ thống dây chuyền tiên tiến, đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm đã giúp Công ty TNHH Ba Huân vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn và ngày càng phát triển. Công ty ngày càng tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, sản phẩm trứng có mặt ngày càng nhiều tại nhiều siêu thị lớn qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Năm 2006, Công ty TNHH Ba Huân đã xây dựng nhà máy tự động hóa 100% với quy trình khép kín đầu tiên của mình tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà máy có vốn đầu tư 100 tỷ đồng với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Đến năm 2009, doanh nghiệp này đã đầu tư 70 tỷ đồng để mua thêm dây chuyền thứ hai với công suất 120.000 trứng/ giờ, nâng tổng công suất của nhà máy lên 185.000 trứng/giờ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Việc kinh doanh ngày càng phát triển, bà Ba Huân đã đầu tư thêm 320 tỷ đồng để mở trang trại chăn nuôi gia cầm với diện tích trên 18 ha ở Bình Dương. Tiếp theo đó, bà cho xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tháng 04/2017, sau 4 năm khảo sát lên kế hoạch mở rộng thị trường ở phía Bắc, nhà máy Ba Huân miền Bắc chính thức được khánh thành. Nhà máy này với quy mô 2 ha, tổng số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất 65.000 trứng/giờ và là nguồn cung cấp trứng gia cầm trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận.
Hiện nay, công ty Ba Huân có 12 đơn vị trực thuộc, 2 trang trại chăn nuôi, 4 nhà máy. Ngoài trứng, công ty còn cung cấp lạp xưởng, thịt gà tươi, bột trứng, bánh flan và một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà. Sản phẩm của công ty đã và đang có mặt trên kệ của hơn 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc.
Đằng sau bản hợp đồng “khủng” với VinaCapital
Đầu năm 2018, quỹ đầu tư VinaCapital quyết định rót vốn 32,5 triệu USD cho công ty Ba Huân nhưng đến tháng 8, thương vụ này đã bị đổ vỡ. Nhiều nghi vấn được đặt ra về những con số trong bản hợp đồng. Bà Phạm Thị Huân thành thật chia sẻ: VinaCapital là một quỹ lớn, họ sẽ hướng dẫn một công ty gia đình như Ba Huân tốt hơn về thị trường, công nghệ, quản trị,... Nhưng khi đối chiếu lại giữa hợp đồng bản tiếng anh và bản tiếng việt có nhiều điểm không phù hợp với nhau.
Điểm chính yếu làm cho thương vụ này đổ vỡ đó chính là sau 3 năm đầu tư, VinaCapital sẽ bán Ba Huân cho bên đối tác thứ ba. Các anh em trong gia đình Ba Huân không đồng ý với điều này và bà Huân cũng chưa chuẩn bị đến tình huống đấy. Bà tâm sự: "Cả nhà tôi gầy dựng nghề bán trứng đã nửa thế kỷ tâm huyết. Nếu bán đi, gia đình và nhiều người nữa sẽ mất đi một thương hiệu. Làm sao tôi đành lòng ôm cục tiền mà nhìn cảnh anh chị em tan rã"
Sau ba năm nhìn lại về thương vụ này nữ chủ nhân của Ba Huân chia sẻ rằng bà không bao giờ hối tiếc về những việc mà mình đã làm: “Một mình tôi lèo lái cả cơ nghiệp. Nếu lúc đó tôi quyết định hợp tác với họ thì bây giờ có lẽ tôi sướng cái thân hơn bây giờ. Quyết định nào cũng có cái giá phải trả. Nhưng gia đình vẫn có một ý nghĩa lớn lao. Gia đình là điểm tựa để tôi níu giữ lại một thương hiệu cho ngành gia cầm trong nước vậy”
Những thành tựu vinh danh cho sự cống hiến của nữ chủ nhân doanh nghiệp Ba Huân
Ngày 19/10/2012, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân lọt vào top 100 phụ nữ nổi bật vì những đóng góp tích cực cho xã hội đặc biệt là người phụ nữ do tổ chức liên minh phụ nữ thế giới (The International Alliance for Women) bình chọn. Đây là năm đầu tiên Việt Nam được đưa vào danh sách này. Năm 2014, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trao cho bà Phạm Thị Huân bằng khen “Doanh nhân tiêu biểu năm 2014”.
Ngày 17/10/2016, Phạm Thị Huân được tổ chức lương thực và nông nghiệp liên hợp quốc FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FAO/RAP) trao tặng giải thưởng “Nông dân điển hình”. Giải thưởng được trao cho 5 nông dân lựa chọn từ 45 quốc gia khác nhau và bà Huân là nữ “nông dân” Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng này. Bà đã có những nỗ lực giúp cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó và giảm thiểu tác hại do biến đổi khí hậu.
Năm 2017, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam trong đó có nữ chủ nhân của Công ty Ba Huân. Cùng năm đó, bà cũng được Trung ương hội nông dân bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới.
Năm 2020, bà Phạm Thị Huân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Bà Huân chia sẻ khi nhận được danh hiệu này: “Đó là niềm vinh dự quá lớn với cá nhân và công ty! Tôi cảm ơn cha mẹ truyền nghề, cảm ơn người chăn nuôi và người tiêu dùng đã tin tưởng. Nông dân và người tiêu dùng chính là động lực lớn nhất giúp tôi gắn bó với ngành gia cầm gần trọn cả một đời.”
Cuộc sống giản dị đúng chất một “nông dân” của người đứng đầu Ba Huân
Ở tuổi 67, bà Huân vẫn thức dậy vào lúc 4h sáng sau đó tập thể dục rồi bắt đầu công việc của mình. Một ngày bà dành 14-15 tiếng đồng hồ để làm việc, bà thường xuống kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Một tháng hai lần bà Huân bay ra Hà Nội để đôn đốc thị trường phía Bắc. Bà chia sẻ niềm vui giải trí duy nhất của mình có lẽ là làm từ thiện và đi chùa.
Dù được gọi với nhiều danh xưng khác nhau như “nữ hoàng hột vịt”, “vua trứng”, “cô ba trứng sạch”,... nhưng bà vẫn thích nhất là cái tên Ba Huân vì nó rất thân thuộc và đã gắn bó với bà từ rất lâu.
Bà Huân chia sẻ rằng mình rất may mắn khi có một gia đình rất đồng lòng và yêu thương nhau: "Các quyết định về sau của tôi đều được mọi người đều ủng hộ. Có lẽ họ cảm nhận được cái tâm, và tư duy dám đổi mới nên lại cùng tôi giữ nghiệp gia đình suốt 50 năm qua". Nhà có 8 anh chị em thì có 5 người đang cùng bà phụ giúp công việc: người thì quản lý kho, người thì lo việc vận tải, người thì điều hành sản xuất, người phụ giúp công việc hậu cần,...
Nói về dự tính của Ba Huân trong tương lai, bà khẳng định rằng mọi nỗ lực của bà ngoài giúp công ty lớn mạnh hơn, bà còn muốn chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn nữa đặc biệt là người phụ nữ. Bởi vì bà cũng xuất thân từ nông dân sau đó mới trở thành doanh nhân nên bà mong muốn phụ nữ cần tự tin hơn, đi lên từ cách làm bền vững. Bà chia sẻ thêm: “Phụ nữ nông thôn rất cần việc làm, nhưng nhiều chị em chưa tự tin, và rất cần những người giúp đỡ họ. Mình phải tạo điểm tựa cho họ vươn lên. Tui đương kỳ vọng một tương lai xán lạn của phụ nữ thời đổi mới”
Bà Ba Huân là người có công rất lớn trong việc ổn định giá trứng suốt nhiều năm liền. Suốt cuộc đời bà gắn liền với những quả trứng, dành hết tất cả tâm huyết cho nó. Bà tâm sự: “Cả đời tôi gắn bó với con gà, tâm huyết với quả trứng. Tôi cố gắng làm điều tốt cho cộng đồng. Sau này, khi nằm xuống, tôi mong thế hệ con em mình cũng nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng”.
*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.
Nguyên Thảo