
Hôm nay, mình muốn bàn (học) về Authentich leadership. Lãnh đạo chân thực là một khái niệm lần đầu tiên được đưa ra bởi giáo sư Harvard và cựu Giám đốc điều hành Medtronic Bill George. Trong khi một nhà lãnh đạo truyền thống trong một tổ chức có thể coi trọng lợi ích hơn con người, một nhà lãnh đạo chân thực cân bằng những tình huống khó xử về đạo đức với việc tối ưu hóa tài chính.
Bill George cho rằng có năm khía cạnh thiết yếu của một nhà lãnh đạo chân thực: mục đích, giá trị, trái tim, các mối quan hệ và kỷ luật bản thân.
Lãnh đạo truyền thống có thể hành xử theo cách không nhất thiết phải phù hợp với các giá trị cá nhân của họ. Điều này có thể gây nhầm lẫn cho các đồng nghiệp, thuộc cấp; làm tổn hại sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo vì lợi ích chung.
Khi giá trị cá nhân và giá trị của tổ chức không song hành, các lãnh đạo không chân thực hành động thiếu nhất quán, nói một đằng, làm một néo. Lâu dài, họ mất sự tự tin và tin tưởng ở người đối thoại. Khi bạn thường trực phải hóa giải xung đột giữa giá trị tổ chức và cá nhân, bạn sớm muộn cũng sẽ thay đổi giá trị cá nhân của mình theo tổ chức. Ở một tổ chức tha hóa, bạn sẽ tha hóa và suy đồi theo thời gian. Nên rời bỏ tổ chức khi bạn thấy giá trị của bản thân không còn phù hợp (align) với giá trị của tổ chức.
Theo dõi các tin tức, bạn sẽ thấy sự khủng hoảng niềm tin vào xã hội khi các lãnh đạo thường "lời không như đồn". Các phát biểu hướng đến nhân văn, dân chủ, tự do nhưng hành xử khác hẳn.
Tiến sĩ Hannah England khuyến nghị cách để trở thành một lãnh đạo chân thực như sau:
1) Xác định lý tưởng của bạn. Khả năng lãnh đạo chân thực nằm ở việc duy trì các giá trị cá nhân và nghề nghiệp của bạn. Trước khi có thể lãnh đạo thực sự, bạn cần xác định các giá trị đạo đức và lý tưởng lãnh đạo của riêng mình. Mặc dù thông thường sẽ có một mục tiêu của tồ chức, nhưng những giá trị đó vẫn nên phù hợp các giá trị bản thân cho các quyết định của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo.
2) Thực hành phản tư: self-reflection thông qua viết nhật ký, các bài tập nhận thức về bản thân hoặc tìm một coach nghề nghiệp có thể giúp bạn xác định điểm mạnh, điểm yếu và mô hình nhận thức của mình, chẳng hạn như phản ứng có thể xảy ra với một số tình huống nhất định. Nó cũng sẽ giúp bạn phát triển trí tuệ cảm xúc để bạn có thể nhận thức rõ hơn về cảm giác của nhóm và hỗ trợ họ một cách thích hợp.
3) Tăng cường tính minh bạch trong quan hệ. Mọi người có nhiều khả năng thích làm việc với bạn và tôn trọng các quyết định bạn đưa ra nếu bạn minh bạch về quá trình suy nghĩ của mình. Ranh giới giữa cá nhân và nghề nghiệp không cần phải trở nên quá mờ nhạt, nhưng điều quan trọng là đồng nghiệp của bạn không cảm thấy như bạn có một suy nghĩ giấu diếm, hành xử trái với giá trị của bản thân.
---
Tác giả: Đào Trung Thành