"Tiền không mua được hạnh phúc. Nhưng không có tiền thì không mua được gì cả". Đúng, không có tiền thì rất nhiều thứ không mua được, nhưng có thật là tiền không mua nổi hạnh phúc như nhiều người vẫn nói? Hay đó là do chúng ta đã tự định nghĩa hạnh phúc là một điều gì đó xa vời?
Trong cuốn Sapiens: Lược sử loài người của tác giả Yuval Noah Harari - một nhà sử học người Isarel và là giáo sư Khoa học lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem, ông có viết: "Cầm lấy một tờ tiền giấy đô la và nhìn vào nó một cách cẩn thận. Bạn sẽ thấy rằng nó chỉ là một mảnh giấy có màu sắc với chữ ký của Bộ trưởng tài chính Chính phủ nước Mỹ ở một bên, và khẩu hiệu "Chúng ta tin vào Gót" ở bên kia. Chúng ta chấp nhận đồng đô la Mỹ trong thanh toán, vì chúng ta tin vào Gót và Bộ trưởng tài chính của Chính phủ nước Mỹ." Đúng thế, tiền chẳng qua chỉ là những tờ giấy bình thường. Thứ khiến nó trở nên có giá trị, thậm chí cho nó quyền lực đối với toàn bộ sự phát triển của nhân loại chính là lòng tin và sự công nhận của con người đối với chúng. Tác giả cũng viết thêm: "Trong hàng nghìn năm, những triết gia, những nhà tư tưởng và những tiên tri tôn giáo đã nói xấu tiền, và gọi nó là gốc của mọi tội lỗi. Có thể nó là như thế, nhưng tiền cũng là đỉnh cao của sự khoan dung con người. Tiền thì cởi mở hơn so với ngôn ngữ, pháp luật nhà nước, quy định văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo và thói quen xã hội. Tiền là hệ thống tin tưởng duy nhất, đã được con người tạo ra mà có thể bắc cầu nối qua gần như bất kỳ khoảng cách văn hóa nào, và rằng nó không kỳ thị trên cơ sở tôn giáo, phái tính, chủng tộc, tuổi tác hoặc khuynh hướng tình dục. Nhờ tiền, ngay cả những người không quen biết nhau và không tin tưởng lẫn nhau vẫn có thể hiệu quả hợp tác với nhau."

Dù mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, song sự tồn tại thiết yếu của nó trong cuộc đời của chúng ta là không thể phủi bỏ. Người ta bảo tiền không mua được hạnh phúc. Tôi cho rằng đó là vì người ta đã định nghĩa hạnh phúc trong một phạm vi hẹp quá, và cũng xa xôi quá. Hạnh phúc có rất nhiều loại, nhiều cung bậc. Lắm khi chỉ cần được ăn một bữa ăn ngon, được mua một món quà cho người mình yêu quý, được tham dự một buổi hòa nhạc của thần tượng, thế là hạnh phúc. Để làm được những điều ấy có cần đến tiền không? Tất nhiên. Có thể tôi vẫn còn quá trẻ để hiểu hết những thăng trầm và khía cạnh khác nhau của cuộc sống này, nhưng ở quá khứ và hiện tại, tôi cảm thấy ít nhất tiền có thể mua được sự vui vẻ, bình an cho chính mình và cả những người xung quanh. Điều quan trọng nằm ở chỗ là cách chúng ta sử dụng chúng như thế nào.
Trong một xã hội hiện đại với vòng quay chóng mặt và đủ thứ phải lo lắng, tiền không chỉ mang lại niềm vui, nó còn có thể mang lại sự an tâm mỗi ngày. Tiền giúp ta có thể đến bệnh viện khi đau ốm, mua những loại thuốc hay thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe. Thử tưởng tượng nếu bạn phải đi làm xa và bỗng nhiên gia đình có việc gấp nhưng lại chẳng đủ tiền mua một chiếc vé máy bay để về ngay trong đêm, đành phải thay thế bằng chuyến bay của hôm sau nhưng khi đến nơi thì mọi việc đã rồi? Thử tưởng tượng sau này nếu có con cái, bạn không thể mua nổi cho con một chiếc xe đạp mà nó rất thích, không thể đưa con đi du lịch, cho con học một trường đại học với chất lượng đào tạo hàng đầu, bạn có buồn không?
Nhiều người khi nhắc đến tiền luôn cảm thấy nó là một thứ xấu xa và khiến con người thấp hèn đi. Nhưng như đã nói, bản thân tiền chỉ là những tờ giấy, đồng xu vô giá trị, chính chúng ta đã tạo nên giá trị cho nó, cũng chính chúng ta chụp lên nó chiếc nón phân loại tốt đẹp hay hèn kém. Nhiều người coi tiền là đích đến, phấn đấu cả đời để có được khối tài sản kếch xù, ôm chúng khư khư trong tay để rồi cứ phải sợ mất đi. Nhưng cũng có người, coi chúng chỉ là công cụ để phục vụ cho đam mê và khát vọng của bản thân, phụng sự đất nước. Họ làm ra nhiều tiền nhưng cũng cho đi rất nhiều.
Mark Zuckerberg đã trao tặng 99% tài sản của mình tại Facebook vào cuối năm 2015 cho hoạt động từ thiện. Quỹ Biil & Melinda Gates là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới được lập nên với sự góp vốn của Bill Gates và vợ của ông đã trao tặng hàng chục tỷ đô la Mỹ cho các dịch vụ chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu, đồng thời giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin cho những ai cần giúp đỡ. Warren Buffet, Chủ tịch và CEO của Berkshire Hathaway Inc, khi ông 75 tuổi cũng đã đóng góp hầu hết cổ phiếu tại Berkshire cho quỹ từ thiện này. Những ngày qua lướt Facebook, tôi thực sự bị ấn tượng bởi đọc được dòng tâm sự của bác Phạm Nhật Vượng: "Tôi đã có tiền. Nếu tôi đầu tư và không thể kiếm lời, thì ít nhất thành phố cũng sẽ có những tòa nhà lớn, đẹp đẽ."
Vậy đó, ai cũng đang nỗ lực từng ngày, thậm chí từng giây phút để kiếm tiền, chỉ là mục đích và cách sử dụng của chúng ta khác nhau. Nếu sử dụng nó với tấm lòng chân thành và cái đầu thông minh, nó hoàn toàn có thể mua được hạnh phúc, cho chúng ta và cho rất nhiều người.