Ahmed Zaki Yamani, Bộ trưởng Bộ dầu mỏ Ả Rập Xê Út tại nhiệm lâu năm, người chủ mưu lệnh cấm vận của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ) cho nền kinh tế phương Tây rơi vào suy thoái năm 1973 đã qua đời ở tuổi 90.
Yamani đã trở thành bộ trưởng bộ dầu mỏ của Ả Rập Xê Út vào năm 1962. Ông là người đầu tiên ngoài hoàng tộc nước này được phong chức vụ có tầm ảnh hưởng lớn như vậy.
Vào những năm 1970, ông trở thành một nhân vật "tầm cỡ quốc tế", khi bị chỉ trích ở phương Tây vì chủ mưu một lệnh cấm vận dầu mỏ sau cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1973. Các thành viên Ả Rập của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cắt nguồn cung dầu thô cho Hoa Kỳ. Chỉ trong vài tháng, giá dầu thô tăng gấp 4 lần từ 3 đô la/thùng lên 12 đô la Mỹ, khiến cho Mỹ phải đặt lệnh giới hạn tốc độ trên đường bộ toàn quốc ở mức 80km/h, nhằm mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu.
Tại các trạm xăng của tất cả các nước phương Tây, xe cộ xếp hàng dài nhiều km để chờ đổ xăng; một số quốc gia đưa ra định mức hạn chế tiêu thụ xăng dầu hàng ngày của phương tiện cá nhân. Ngành công nghiệp ô tô đã phản ứng gần như ngay lập tức và tung ra thị trường dòng xe hơi nhỏ gọn ít tốn xăng. Chính cuộc khủng hoảng dầu mỏ này cũng được cho là góp phần khiến Liên Xô sụp đổ trong hai thập kỷ sau đó.
Những "quan lớn" dầu mỏ bao gồm Yamani (thứ 3 từ trái sang) công bố lệnh cấm vận dầu đối với Hoa Kỳ.
Vào thời điểm đó, OPEC kiểm soát khoảng 80% sản lượng dầu toàn cầu, khác xa so với tình hình hiện nay. (Dựa trên các dự báo của chính họ cho năm 2021, thị phần của OPEC đã giảm xuống còn khoảng 30%). Cuộc khủng hoảng năm 1973 "đã kích hoạt hàng loạt nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giải quyết những thách thức chính sách đối ngoại xuất phát từ sự phụ thuộc lâu dài vào việc nhập dầu từ nước ngoài". Những nỗ lực đó bao gồm việc thúc đẩy nguồn cung trong nước, và vào năm 2019, Hoa Kỳ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Là một "quý ông" thông thạo tiếng Anh, Yamani theo học Trường Luật Harvard trước khi vinh dự được đức vua Faisal "đăng quang" cho làm lãnh đạo Bộ dầu mỏ Ả Rập Xê Út. Vào thời điểm đó, Ả Rập Xê Út chỉ là một nhà sản xuất dầu hạng trung.
Năm 1975, Yamani chứng kiến vụ ám sát người cố vấn của mình - vua Faisal, bởi một hoàng tử bất hiếu.
Đó là một năm đầy đau thương đối với vị bộ trưởng trẻ tuổi. Vào ngày 21 tháng 12 năm 1975, ông và các bộ trưởng dầu mỏ khác của OPEC bị bắt làm con tin tại Vienna bởi một nhóm do Carlos the Jackal - trùm khủng bố quốc tế khét tiếng nhất thời đại.
Những kẻ khủng bố đã yêu cầu chính phủ Áo cung cấp một máy bay để đưa chúng và các vị bộ trưởng đến Algiers. Carlos đã lên kế hoạch giết cả Yamani và Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Jamshid Amuzegar nhưng cuối cùng hắn ta đồng ý thả họ sau khi Algeria hòa giải.
Các con tin lên chiếc DC-9 ở Vienna trước khi họ được đưa đến Algiers bởi sáu kẻ khủng bố, vào ngày 22 tháng 12 năm 1975.
Sự sụp đổ đế chế dầu mỏ của Yamani xuất phát từ yêu cầu của Quốc vương Fahd vào năm 1986 rằng ông đảm bảo tăng hạn ngạch xuất khẩu của Ả Rập Xê Út trong OPEC - và yêu cầu các nhà phân phối đặt mức giá 18 USD/thùng.
Trong những năm cuối đời, Yamani cho biết giá dầu đã bị bóp méo bởi đầu cơ, dẫn đến biến động bất ổn. Và đó không chỉ là đầu cơ. Ông chia sẻ: "Đừng quên rằng yếu tố chính trị rất rất quan trọng. Bất cứ điều gì có thể xảy ra và nó có thể hoặc hủy hoại ngành kinh doanh dầu mỏ hoặc đưa nó đi lên."
Trong khi vẫn tham gia vào thế giới năng lượng, Yamani cũng có niềm đam mê với đồng hồ, thơ ca và bảo tồn các văn bản Hồi giáo. Ông là một con chiên ngoan đạo và là con trai của một học giả tôn giáo nổi tiếng.
Yamani đã khai thác nhiều cơ hội từ vị thế độc tôn của Ả Rập Xê-út với tư cách là nhà sản xuất năng lượng chiếm vị thế vào thời điểm mà Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đều có nhui cầu lớn đối với mặt hàng dầu. Trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2010, ông cho biết dầu sẽ vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng cho dù các nguồn năng lượng tái tạo khác có phổ biến đến đâu đi chăng nữa, nhưng rồi cũng sẽ biến mất trong tương lai.
"Thời kỳ đồ đá kết thúc không phải vì thiếu đá, và thời đại dầu sẽ kết thúc không phải do thiếu dầu."
Tham khảo: CNN