Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) mới đây đã thông báo về việc bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Phượng – Phó Tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc tại ngân hàng này, thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023. Ông Nguyễn Mạnh Quân thôi đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ABBANK theo nguyện vọng cá nhân nhưng sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực ABBANK.

Bà Lê Thị Bích Phượng

Như vậy, với việc bổ nhiệm này, trong vòng 5 năm qua, "ghế nóng" Tổng giám đốc của ABBANK đã thay đổi tới 6 lần – tính cả trường hợp bà Lê Thị Bích Phượng vừa được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc.

Trước đó, vị trí này đã từng kinh qua dưới thời của ông  Cù Anh Tuấn, ông Nguyễn Mạnh Quân, bà Dương Thị Mai Hoa, ông Phạm Duy Hiếu và cuối cùng lại trở về ông Nguyễn Mạnh Quân.

"Ông lớn" nào đang sở hữu ABBANK?

ABBANK được thành lập từ năm 1993. Ngân hàng có trụ sở chính đặt tại tầng 1,2,3 Tòa nhà Geleximco, số 36 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. 

Vào ngày 31/12/2022, Ngân hàng có 1 Hội sở chính, 35 chi nhánh và 130 phòng giao dịch tại các tỉnh và thành phố trên cả nước, phục vụ 1 triệu khách hàng. 

Các công ty con và công ty liên kết của ABBANK gồm: Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (gọi tắt là “ABBA”) được thành lập năm 2010 và vốn điều lệ là 260 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ ABBA (là công ty con của Ngân hàng được đầu tư gián tiếp qua ABBA) thành lập năm 2013 với vốn điều lệ là 2 tỷ đồng.

Tổng số cán bộ công nhân viên của Ngân hàng và công ty con vào ngày 31/12/2022 là 4.726 người (tại ngày 31 tháng 12 năm 2021 là 4.490 người).Vốn điều lệ của ngân hàng là 9.409 tỷ đồng.

Theo thông tin đăng tải trên website của ngân hàng, các cổ đông chiến lược của ngân hàng gồm Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần, Ngân hàng Malaysia Berhad (MayBank) - Ngân hàng lớn nhất Malaysia và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Trong cơ cấu sở hữu của ngân hàng này, Malayan Banking Berhad (Maybank) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 19,67%. 

CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - doanh nghiệp thuộc Tập đoàn GELEXIMCO sở hữu 12,78%. Trên website chính thức của GELEXIMCO, doanh nghiệp này cho biết, GELEXIMCO là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình. Với chủ trương phát triển theo mô hình một tập đoàn tài chính - ngân hàng có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, GELEXIMCO đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Các cổ đông lớn khác của công ty còn phải kể đến International Finance Corporation (World Bank) 9,84%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Công ty TNHH MTV 8,53%, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT 3,3%, còn lại là các cổ đông khác.

ABBANK kinh doanh ra sao trong năm 2022? 

Theo báo cáo Kết quả Kinh doanh cuối năm 2022, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ABBANK đạt 130.080 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng ghi nhận con số 88.529 tỷ đồng, tương đương tăng 12,6% so với cùng kỳ; Huy động từ khách hàng đạt 91.837 tỷ đồng, tăng 15,9% với năm 2021.

Thu nhập thuần từ lãi đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 232 tỷ đồng, giảm 33,7%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 192,8 tỷ đồng, giảm 53,1%; lãi từ hoạt động khác đạt 415,1 tỷ đồng, tăng 61,6%.

Số dư CASA (Current Account Savings Account - tiền gửi không kỳ hạn) cũng tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 12.614 tỷ đồng. 

Việc kiểm soát nợ xấu trong năm 2022 của ABBANK, ngân hàng duy trì tỉ lệ nợ xấu trên tổng dự nợ ổn định dưới mức 3% theo đúng quy định của NHNN và trích lập dự phòng cho các khoản vay. nợ xấu nội bảng của ABBank tăng đến 46,3% so với đầu năm do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 63% trong kỳ. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,34% lên 2,88%.

Chỉ số an toàn vốn (CAR) cũng vẫn được đảm bảo ở mức 11,6%, cao hơn so khuyến cáo của NHNN. Năm 2022, ABBANK cũng đã hoàn thành việc tất toán mua lại toàn bộ số trái phiếu VAMC. Năm 2022, ABBANK đạt 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 

Trong năm, ngân hàng là từng bước áp dụng thành công Basel 3, tăng cường năng lực vận hành của hệ thống nội tại và quản trị rủi ro hiệu quả. 

Sắp tới, ABBANK cũng sẽ thực hiện chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu theo văn bản đã được NHNN chấp thuận, nâng vốn điều lệ lên 10.400 tỷ đồng, góp phần không ngừng nâng cao năng lực tài chính và bổ sung ngồn vốn cho hoạt động kinh doanh.