Nguồn tin giấu tên nói với Reuters, đã có khoảng 30 phi công nước ngoài xin nghỉ, chiếm hơn 10% tổng số phi công của hãng bay này trong tháng 6. Một nguồn tin khác cho biết một số phi công xin nghỉ còn một số khác bị sa thải.
Hãng hàng không lớn thứ ba tại Việt Nam mới đây đã chia sẻ với Reuters rằng công ty đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ, trong đó bao gồm mạng lưới đường bay, đội bay và nguồn nhân lực. Hãng cũng cắt giảm một số nhân sự là phi công. Tuy nhiên, con số cụ thể không được tiết lộ.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, nhiều nhân viên tại Bamboo Airways đang đối mặt với tình trạng chậm trả lương. Điều này còn xảy ra cả với các phi công nước ngoài, những người chiếm phần lớn trong đội ngũ phi công của hãng.
Một tin nhắn ngày 21/8 từ đại diện của công ty nói với các phi công nước ngoài rằng họ sẽ nhận 35% lương vào ngày hôm đó khi đã quá hạn trả một tuần. Phần còn lại sẽ được thanh toán khi có thêm những thông tin khác.
Reuters cho biết một tin nhắn tương tự như vậy cũng đã được gửi vào tháng trước đó. Số tiền này sau đó đã được thanh toán đầy đủ nhưng các phi công nước ngoài vẫn chưa nhận được lương của tháng 8 vốn đến hạn trả vào ngày 15/9.
Bamboo cũng cho biết trong thông báo với Reuters rằng họ đang hoạt động ổn định và đang có kế hoạch huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Họ cho biết một trong những chủ nợ lớn nhất của họ là Sacombank đã bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn và mong muốn tăng cường đầu tư vào hãng hàng không này. Tuy nhiên, phía Sacombank chưa đưa ra bình luận về vấn đề chậm lương của Bamboo Airways.
Thời gian vừa qua, Bamboo Airways liên tục có những động thái thay đổi lãnh đạo, lần gần nhất, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần thứ 3 năm 2023, ĐHĐCĐ Bamboo Airways đã thông qua miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT đối với ông Hideki Oshima, ông Trần Hoà Bình và ông Doãn Hữu Đoàn kể từ ngày 15/9. Đồng thời, chỉ bầu bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh vào HĐQT. Với thay đổi này, chỉ trong vòng 3 tháng gần nhất Bamboo Airways đã có 3 lần thay đổi cơ cấu HĐQT.
Nói về lý do thay đổi số lượng Thành viên HĐQT, ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT Bamboo Airways từng cho biết, hãng hàng không này đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, cần tái cấu trúc mạnh mẽ.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc Sacombank có kế hoạch tham gia làm cổ đông của Bamboo Airways hay không, ông Phan Đình Tuệ cho biết, Sacombank hiện là đối tác tài chính lớn cho Bamboo Airways. Với tư cách là đơn vị cấp tín dụng và tài trợ, Sacombank quan tâm đến quá trình tái cấu trúc của Bamboo và mong muốn Bamboo phát triển ổn định.
"Ban lãnh đạo Sacombank có chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways. Tuy nhiên Sacombank là định chế tài chính, cấp tín dụng, nên việc đầu tư ngoài ngành cần tuân thủ quy định. Hiện Sacombank đang xúc tiến các thủ tục, triển khai các bước theo quy định của pháp luật. Chủ trương của Sacombank là có, nhưng cần triển khai các thủ tục và được phê duyệt", ông Tuệ nói.
Bảo Vy/Theo Reuters