Ngành công nghiệp Fintech đang phát triển tương đối ổn định ở Việt Nam, là một phần không thể thiếu trong cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, fintech hiện đang phải đối mặt với một số thách thức gây cản trở sự đầu tư, phát triển của ngành ở nước ta.
Ngành fintech hiện đang ngày càng được thúc đẩy bởi sự thâm nhập của điện thoại thông minh và Internet trong đời sống của người dân, cùng với sự gia tăng dân số trẻ và phát triển của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất của Fintech Map, số lượng những công ty fintech tại Việt Nam đã tăng từ khoảng 40 vào năm 2016 lên hơn 154 vào giữa năm 2019, bao gồm 37 công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử và 25 công ty trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P).
Vốn hoá giao dịch trên thị trường fintech của Việt Nam đạt 4,4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 7,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, theo một nghiên cứu của Solidance - công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp tập trung vào châu Á.
Theo các chuyên gia và nhà quan sát trong ngành fintech, bất chấp những bước tiến lớn của ngành, các công ty fintech và nhiều doanh nhân vẫn phải đối mặt với một số thách thức lớn gây hạn chế tiềm năng tăng trưởng của ngành.
Sự thiếu hụt nhân tài
Việt Nam đang thiếu hụt nhân tài chất lượng cao - một yếu tố được cho là đã hạn chế sự phát triển của ngành trong nước.
Theo Authur Leong - người đứng đầu chiến lược, dự án đặc biệt và đầu tư fintech tại Ngân hàng United Overseas của Singapore (UOB), sự phát triển của một hệ sinh thái fintech lành mạnh đòi hỏi một lực lượng lao động tài năng thông qua hệ giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), đào tạo lại kỹ năng và thu hút nhân tài từ nước ngoài, bên cạnh các yếu tố khác như về khuôn khổ quy định, cơ sở hạ tầng thanh toán và các loại cơ chế bảo mật.
"Con người vẫn là yếu tố cốt lõi", ông nói. "Chúng tôi vẫn thiếu các chuyên gia và nhà quản lý chuyên nghiệp trong lĩnh vực fintech."
Về vấn đề này, Brian Thung - đối tác quản lý tại EY ASEAN Financial Services, đã nói vào năm ngoái rằng chính phủ mỗi quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một hệ sinh thái fintech lành mạnh. Cho nên, chính phủ mỗi quốc gia cần phải tập trung vào việc thu hút và phát triển đội ngũ nhân tài phù hợp, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Một số công ty khởi nghiệp fintech cũng nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà quản lý sản phẩm và tiếp thị, vì có một cuộc chạy đua tìm kiếm nhân tài. Và với tư cách là một doanh nghiệp fintech non trẻ, thật khó để có thể thu hút nhân tài.
Hạn chế về mặt pháp lý
Một trong những thách thức lớn mà các công ty khởi nghiệp fintech ở Việt Nam phải đối mặt hiện nay là sự thiếu hụt về các chính sách và quy định hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái fintech của chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia đã vận động thành lập một "hộp cát" (sandbox) - các khung pháp lý trong lĩnh vực fintech. Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM (HCA), chỉ ra rằng Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đều có những chế độ đặc biệt của chính phủ cho phép thử nghiệm quy mô nhỏ trực tiếp các giải pháp sáng tạo, trong khi Philippines và Việt Nam thì hoàn toàn không có những chính sách đãi ngộ này.
Ông cũng kêu gọi các nhà chức trách nhanh chóng xây dựng khung pháp lý và đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ lớn nhắm mục đích phát triển nền tảng fintech.
Nhưng theo ông Hàn Ngọc Tuấn Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thung lũng Silicon Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu làm việc với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập một nhóm nghiên cứu, góp phần tạo ra các khung pháp lý đó.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tốt
Từ quan điểm kỹ thuật, một thách thức khác đối với việc áp dụng fintech ở Việt Nam nảy sinh từ vấn đề tích hợp các giải pháp sáng tạo mới vào hệ thống ngân hàng truyền thống. Hầu hết các hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đều bị coi là lạc hậu so với thế giới, từ hệ thống thanh toán kém phát triển, đến vấn đề kiểm soát dữ liệu tín dụng khách hàng, cơ chế thực thi pháp lý đối với nghĩa vụ thanh toán,...
Tuy nhiên, điều này dự kiến sẽ thay đổi. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân địa phương đã cam kết "nâng cấp" thành phố, trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xem xét vận dụng các sáng kiến khởi nghiệp, cải thiện thủ tục hành chính và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, trong số những thứ khác.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích mọi ngân hàng trên toàn quốc triển khai mạng lưới ATM và điểm bán hàng (POS) trên diện rộng, tăng cường hợp tác với các công ty fintech và giới thiệu các phương thức thanh toán hiện đại tới đông đảo người dân, đặc biệt là dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây cũng là một phần trong chiến lược biến Việt Nam thành nền kinh tế không dùng tiền mặt, theo xu hướng hiện đại hoá, góp phần đưa Việt Nam hội nhập nền kinh tế quốc tế.
Theo Fintechnews.sg