Team nghiên cứu của chúng tôi tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - CESS brief nhanh một số điểm nổi bật tại báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội lần này.

1.Có một bản báo cáo rút gọn và một bản đầy đủ. Bản rút gọn được trình bày tại đại hội với nhiều sự khác biệt. Ví dụ, tuyên bố “nhà là để ở, chứ không phải để đầu cơ” không xuất hiện ở bản rút gọn nhưng đã xuất hiện trong toàn văn báo cáo. Một điểm khác biệt nữa giữa báo cáo rút gọn của ông Tập và toàn văn báo cáo là sự nhấn mạnh vào việc cải cách hệ thống tài chính và chống độc quyền. Những nội dung như vậy ít được ông Tập nhắc đến khi trình bày báo cáo tại Đại hội, nhưng lại được nhấn mạnh trong toàn văn báo cáo. Điều này có thể được hiểu là để giảm nhẹ mức độ quan ngại của khu vực tư nhân.
2.Báo cáo chính trị năm nay so với báo cáo đại hội khoá trước là việc nó không chỉ tổng kết 5 năm trước đây mà đề cập tới cả một thập kỷ, tức là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Điều này giúp củng cố hình ảnh của ông Tập như vị cứu tinh của Đảng đang gặp khó khăn và hiện tại ông là người duy nhất có thể lãnh đạo Đảng tiến về phía trước.
3.Chuyển trọng tâm từ tăng trưởng kinh tế sang an ninh và ổn định. Trong báo cáo chính trị năm nay, số lần xuất hiện của các từ như “kinh tế”, “cải cách”, “đổi mới” và “mở cửa” đều đã giảm mạnh so với báo cáo chính trị năm 2012 của Hồ Cẩm Đào, trong khi đó, số lượng các từ như “an ninh” và “đấu tranh” tăng lên.
Toàn văn báo cáo của ông Tập đề cập đến cụm từ “an ninh quốc gia” 26 lần, nhiều hơn con số 18 lần trong báo cáo của ông tại Đại hội năm 2017. Trong báo cáo của Hồ Cẩm Đào cách đây một thập kỷ, “an ninh quốc gia” chỉ được đề cập 4 lần.
Ông Tập đã đề cập đến từ “an ninh” tới 91 lần trong báo cáo chính trị tại Đại hội 20, so với con số 55 lần đề cập trong báo cáo chính trị của ông cách đây 5 năm. Từ “kinh tế” xuất hiện 60 lần trong báo cáo năm nay - và lần đầu tiên số lần đề cập tới “kinh tế” ít hơn so với số lượng từ “an ninh” trong văn kiện chính sách quan trọng này của Trung Quốc kể từ năm 1949.
4. Số lần xuất hiện của “cải cách” và “thị trường” cũng tiếp tục giảm trong báo cáo chính trị mới nhất của ông Tập tại Đại hội 20, mặc dù ông tái khẳng định cam kết của Đảng là ưu tiên phát triển kinh tế. Số lần xuất hiện của cả hai từ này đều đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1980, thời điểm mà Đặng Tiểu Bình chấp nhận một số ý tưởng chủ nghĩa tư bản trong khái niệm “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của ông.
Việc không nhấn mạnh vào “phát triển kinh tế” hay “cải cách kinh tế” có thể coi là một thay đổi đáng kể trong báo cáo năm nay so với báo cáo của các kỳ đại hội trước. Các chuyên gia phân tích của Tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura (Nhật Bản) nhận định rằng đây có thể là dấu hiện cho thấy “sự thay đổi về sứ mệnh (mandate) của Đảng”. Hoặc có thể coi đó là chỉ dấu về việc ông Tập ngày càng muốn bước ra khỏi cái bóng của quỹ đạo Đặng Tiểu Bình.
5. Vành đai và con đường. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), từng là chính sách đối ngoại đặc trưng của Trung Quốc, dường như có tầm quan trọng thấp hơn. Mặc dù BRI xuất hiện trong nội dung tổng kết thành tựu của Trung Quốc trong 5 năm qua, song nó chỉ được nhắc đến một cách ngắn gọn để chứng minh cho việc Trung Quốc tiếp tục nỗ lực mở cửa với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu mới hơn đã được nhắc tên trong phần dài hơn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. BRI không xuất hiện trong phần này, và điều này một lần nữa cho thấy nó đang bị hạ xuống vị trí thấp hơn trong hệ thống thứ bậc về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
6. Quân sự. Điểm mới trong toàn văn báo cáo chính trị 2022 là sự xuất hiện của cụm từ “chiến tranh khu vực”, mặc dù cụm từ này không được đề cập trong báo cáo rút gọn mà ông Tập đã trình bày tại Đại hội. Việc nhấn mạnh “các cuộc chiến tranh khu vực” tại báo cáo năm nay khác với nội dung báo cáo tại Đại hội năm 2017 và nghị quyết lịch sử hồi năm ngoái, trong đó ông Tập tuyên bố rằng PLA phải giành chiến thắng trong các cuộc chiến dưới sự giám sát của ông, song không đề cập tới phạm vi (quy mô) của những cuộc chiến này. Trước đây, “chiến tranh khu vực” từng xuất hiện trong tất cả các sách trắng quốc phòng của Trung Quốc, nhưng đến năm 2019 thì cụm từ này đã bị loại bỏ. Theo nhận định của các chuyên gia, sự trở lại của “chiến tranh khu vực” trong các tài liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ tập trung vào chiến tranh quy mô nhỏ hơn so với trước đây.
7. Chính sách “thịnh vượng chung” chắc chắn sẽ được duy trì nhưng ba loại thuế quan trọng ít không được nhắc đến như cách thức để thực hiện xoá bỏ hố ngăn cách giàu nghèo, thay vào đó là sự nhấn mạnh về tạo việc làm.