Sầu riêng Thái đã ra đòn, phản ứng nhanh để cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam trên thị trường Trung Quốc (sau đây gọi là SẦU, như cách người kinh doanh gọi). Thực tế là lượng sầu Việt bán qua TQ gần đây tăng nhanh chóng mặt. Chỉ có mấy tháng, từ tháng 10/2022 đến nay, đã tăng tới 4.120% so cùng kỳ năm 2021. Sầu Thái quật ngược bằng đòn gì?
Xin thưa, TIÊU CHUẨN.
Bộ Nông nghiệp Thái mới công bố: từ nay, độ khô tối thiểu của cơm sầu phải đạt 35% thay vì 32%. Cùng lúc, thúc đẩy xuất bằng đường bộ, đường sắt thay vì đường biển. Sầu Việt hiện chẳng có tiêu chuẩn gì cả, chỉ có những kiểu tự tung hô mơ hồ: Sầu Việt ngon nhất, người Trung Quốc ưa chuộng sầu Việt nhất.
Cũng sáng qua, tỉnh Đồng Nai làm lễ xuất những “công” chuối tươi đầu tiên. Trong video mở đầu, ở phút thứ 6 (link xem: https://youtu.be/yQrATxyZdNY). Một người nông dân nêu ý kiến, cần có một tổ chức tiêu chuẩn cho ngành để nông dân tuân thủ và khách hàng tin tưởng.
Hai câu chuyện nóng hổi diễn ra đúng lúc Hội DN.HVNCLC tổ chức tổng kết 6 năm hoạt động và bắt đầu hành trình mới cho TIÊU CHUẨN VIỆT của chương trình HVNCLC- Chuẩn Hội Nhập.
Một cuộc tham khảo sâu với 197 doanh nghiệp đã đạt Chuẩn hội nhập 6 năm qua cho thấy, hầu hết doanh nghiệp nêu 2 nhu cầu bức bách nhất: tư vấn giúp họ chọn tiêu chuẩn phù hợp để được chứng nhận và giúp họ tham gia và bán hàng tốt trên thị trường trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp Phương Nam, thương hiệu gia vị Barona yêu cầu trong phiều tham khảo trước hội nghị: phải “hô biến” sao cho logo HVNCLC-Chuẩn hội nhập (logo xanh) được ưa chuộng & chọn mua như HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn (logo đỏ). Thật khó, khi logo đỏ đã 27 năm còn logo xanh chỉ mới 6 năm.
Hiện nay, logo xanh được nhận diện ngày càng rõ và tốt hơn trong sự lựa chọn của người tiêu dùng. Và điều rõ nhất mà logo xanh mang lại chính là: giúp DN hiểu vai trò tiêu chuẩn torng sản xuất kinh doanh, từ đó xây dựng tiêu chuẩn và tuân thủ tốt để qua đó, tự đảm bảo chất lượng luôn ổn định. Đó mới là yếu tố bền vững nhất chinh phục người tiêu dùng.
Và qua hai ví dụ trên, càng thấy vai trò tiêu chuẩn ngày càng trở nên vũ khí sắc bén trong cạnh tranh, ngay cả ở thị trường xuất khẩu.
Và một bí mật được tiết lộ. Với “tiêu chuẩn” đang trở thành yếu tố thiết yếu đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng trong nước cũng là niềm tin của nhà nhập khẩu các nước.
Hiện nay, Hội doanh nghiệp HVNCLC đang hợp tác với hệ thống Coop Mart xây dựng tiêu chuẩn “BÀN ĂN XANH” cho nông sản, thực phẩm Việt, những món thiết yếu trên bàn ăn mỗi gia đình. Với 700 điểm bán trên toàn quốc, Coop Mart qua nhấn mạnh vai trò Tiêu Chuẩn mà cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trong chọn mua nông sản, thực phẩm.
Tất cả sản phẩm có dán nhãn “Bàn Ăn Xanh” là đã được nhà sản xuất và phân phối kiểm định thường xuyên với giá hợp lý để đồng hành cùng người tiêu dùng.
Trong lúc đó, một hệ thống siêu thị mạnh khác tại VN cũng đang lặng lẽ xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn của mình, để dần hoàn thiện sức cạnh tranh sâu bền của sản phẩm bán tại siêu thị. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt với sự đầu tư lớn, nghiêm túc và có tính chiến lược của một nhà bán lẻ lớn tại VN.
Dễ hình dung, không bao lâu nữa, những sản phẩm không có tiêu chuẩn (cả nội địa lẫn xuất khẩu) sẽ bị loại khỏi kệ siêu thị vì không đạt tiêu chuẩn, mà đối phó không kịp nữa.
Vậy thay vì để chuyện đã rồi không cứu vãn được thì tất cả nhà SX hãy tự xem xét hệ thống tiêu chuẩn đã có (cần hoàn thiện) hay cần có (phải kịp xây dựng) để đàng hoàng, đĩnh đạc đối diện với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm ổn định của mình..
Hòn đá tảng của sức chinh phục của doanh nghiệp Việt cho thị trường bất định đầy khó khăn sắp tới là đây chứ đâu?