Công ty cổ phần Chứng khoán APG vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường vào đầu tháng tới với 3 nội dung chính sẽ được đưa ra nghị sự gồm: điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, miễn nhiệm thành viên HĐQT và phương án tăng vốn điều lệ.
Theo ban lãnh đạo công ty, kết quả kinh doanh tính đến cuối tháng 8 đã đạt gần 100% kế hoạch đề ra trong đại hội cổ đông thường niên 2021. Nhằm mục đích đem lại hiệu quả tốt nhất, công ty điều chỉnh tăng kế hoạch doanh thu năm 2020 từ 79 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng từ 70 tỷ lên 100 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, lợi nhuận APG sẽ gấp khoảng 4 lần năm ngoái và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, Chứng khoán APG cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm hơn 2.000 tỷ đồng thông qua 2 đợt. Đợt 1, APG sẽ chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 15.000 đồng; tương ứng tổng giá trị tiền dự kiến huy động 1.125 tỷ đồng.
Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021 hoặc 2022 sau khi công ty hoàn tất các thủ tục.
Phương án thứ hai là phát hành hơn 73,15 triệu cổ phiếu ra công chúng, tương ứng tỷ lệ phát hành 100%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới.
Giá phát hành được ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 878 tỷ đồng. Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021 hoặc 2022.
Tính chung sau 2 đợt phát hành, APG sẽ phát hành tối thiểu hơn 148 triệu cổ phiếu, thu về tối thiểu 2.000 tỷ đồng và tăng vốn lên gấp 3,7 lần hiện tại. Công ty dự kiến dành gần 700 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ, 500 tỷ đồng tự doanh chứng khoán. Phần còn lại để đầu tư các loại giấy tờ có giá, bảo lãnh phát hành chứng khoán và bổ sung vốn lưu động.
Cũng tại đại hội bất thường sắp tới, APG sẽ trình cổ đông xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Mai Thanh Phương sau khi nhận được đơn xin từ nhiệm của vị này.
Các động thái trên của APG diễn ra trong bối cảnh CTCP Louis Capital liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân đã chi 75 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn tại công ty chứng khoán này (5,06% vốn).
Dự kiến thời gian tới, nhóm cổ đông liến quan đến nhóm Louis Holdings có thể tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại APG khi theo phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu, Louis Capital sẽ dành 200 tỷ đồng để mua thêm cổ phần tại APG.
Ngoài mối quan hệ cổ đông lớn, ông Nguyễn Hồ Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Louis Capital đang đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn nắm 9,54% tại APG. Bên cạnh đó, ông Đỗ Thành Nhân, Thành viên HĐQT TGG cũng đang sở hữu 0,32% vốn APG. Lượng cổ phiếu do Louis Capital và người liên quan nắm giữ tại APG xấp xỉ 15% vốn điều lệ.
Trước APG, Louis Capital đã thực hiện một loạt các thương vụ rót vốn khác vào các doanh nghiệp trên sàn.
Cụ thể, ngày 26/8, Louis Capital đã hoàn tất mua vào gần 1,25 triệu cổ phiếu của SMT của Sametel - công ty chuyên về điện và viễn thông, qua đó sở hữu 22,8% cổ phần của công ty này. Đến tháng 9, Louis Capital tiếp tục thông báo đã hoàn tất mua vào 7,35 triệu cổ phiếu của DDV của DAP – Vinachem, đồng thời Đại hội cổ đông Louis Capital cũng thông qua việc sẽ góp 35% vốn điều lệ vào chứng khoán APG.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu APG đang giảm sàn 2 phiên liên tiếp 16-17/9/2021 sau hàng loạt phiên tăng trần đẩy thị giá từ 11.500 đồng lên 28.600 đồng.