Vụ 2 khách hàng mất mấy chục tỷ ở ngân hàng MSB, giám đốc chi nhánh bị bắt về hành vi lừa đảo mấy trăm tỷ. 

Giờ xác định ngân hàng hay khách hàng là bị hại sẽ là vấn đề rối não.

Bởi, nếu xác định khách hàng là bị hại, thì khách hàng chỉ có thể khởi kiện đòi bà giám đốc vừa bị bắt lấy lại tiền. Nếu thế, đến mùa quýt sang năm cũng không đòi được tiền.

Nếu xác định ngân hàng là bị hại, thì ngân hàng sẽ phải trả tiền cho khách hàng, và ngân hàng sẽ khởi kiện đòi lại tiền từ bà giám đốc đã bị bắt. Như vậy, khách hàng sẽ không bị mất trắng khoản tiền đã gửi ngân hàng.

Về đạo lý, khách hàng mang tiền đến gửi ở ngân hàng thì xảy ra mất tiền không phải do lỗi của khách hàng, ngân hàng sẽ phải bồi thường.

Về pháp lý, không đơn giản như vậy. Nếu bà giám đốc bị khởi tố tội tham ô (chiếm đoạt tiền do mìn có trách nhiệm quản lý) thì bị hại là ngân hàng. 

Còn lừa đảo thì khác. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định bà giám đốc kia lừa đảo ai. Nếu bà ta lừa ngân hàng thì ngân hàng là bị hại, còn bà ta lừa khách hàng, khách hàng là bị hại.

(Từng có vụ án Huyền Như, ngân hàng Vietinbank, ai quan tâm sâu có thể tìm đọc lại)

Nhân vụ này, mình nhớ lại hồi mới học luật xong, tiết kiệm được mấy triệu còi, mang đi gửi tiết kiệm. Nhân viên điểm giao dịch đưa mình tờ giấy chứng nhận gửi tiền có đóng dấu vuông, mình đã cãi nhau với họ, nói dấu vuông làm quái gì có giá trị pháp lý. Nên mình đã không gửi tiền nữa, mang đi nhậu mấy bữa thì tiền cũng hết sạch.

Mới đây thì tại TP Bank, người thân mình đi gửi tiền, chụp gửi mình cái chứng chỉ tiền gửi có đóng dấu treo, chữ ký của nhân viên tín dụng. Mình đã đưa người thân quay lại yêu cầu họ cung cấp bản đóng dấu vào chữ ký của người đại diện theo pháp luật, hoặc người được uỷ quyền. Họ không đáp ứng được nên mình bảo người nhà rút tiền, qua gửi nơi khác.

Mình có bảo với mấy bạn ở ngân hàng là cho người nhà anh cái giấy dấu tròn xịn đi, sau nhỡ mất tiền anh còn có cái để đòi ngân hàng, chứ nhỡ tranh chấp, họ đâu tìm được em mà đòi.

‐----'------

Theo Trần Trọng An