Vì sao Vietnam Airlines lại tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử?

Vnamazing là sàn TMĐT chuyên cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến như tour du lịch, combo vé máy bay - khách sạn… với sự hiện diện của nhiều thương hiệu lớn đã ký kết hợp tác toàn diện với Vietnam Airlines với mức giá hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Vnamall được định vị là sàn TMĐT chuyên cung cấp đa dạng các loại hàng hóa, dịch vụ cả hàng không và phi hàng không. Đây cũng là sàn TMĐT đầu tiên ở Việt Nam được vận hành bởi một hãng hàng không. Đặc biệt, lợi thế của Vnamall là tận dụng được mạng lưới logistics đường hàng không rộng lớn và đối tác trên phạm vi toàn cầu.

Trải nghiệm mua sắm trên Vnamall, khách hàng có thể đặt mua hàng hơn 300 sản phẩm từ những nhà cung cấp uy tín, đối tác liên kết của hãng hàng không quốc gia. Từ “ẩm thực trên mây” như rượu vang hạng thương gia, món tráng miệng, món ăn nhẹ trên chuyến bay đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu mang đậm dấu ấn hàng không.

vn-1-1641569737.PNG
Giao diện của sàn TMĐT Vnamall

Chia sẻ về lý do thành lập các sàn TMĐT, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết với mục tiêu trở thành hãng hàng không công nghệ số, phát triển TMĐT là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietnam Airlines. Hiện nay, Vietnam Airlines đang tiến hành tái cơ cấu toàn diện, có những lĩnh vực sẽ được tinh gọn nhưng có những lĩnh vực cần đầu tư thêm. 

Trước đó, tại Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines vào tháng 12/2021 cũng đã thông qua những định hướng lớn trong đề án tái cơ cấu của hãng giai đoạn 2021-2025 với kỳ vọng sẽ giúp Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, dần phục hồi và sẵn sàng nguồn lực phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng chia sẻ thêm Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mở rộng các loại mặt hàng và phạm vi hoạt động của hai sàn TMĐT. Mục tiêu không chỉ nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách hàng, mà còn là kênh bán có sức tiếp cận và kết nối mạnh mẽ hàng hóa, dịch vụ nổi bật của Việt Nam.

Ngoài ra, các sản phẩm được bán trên sàn TMĐT của Vietnam Airlines sẽ được chọn lọc, bảo đảm chất lượng từ khâu cung ứng đến chất lượng sản phẩm, giao hàng nhanh.

"Giá thành sản phẩm hợp lý để khách hàng trải nghiệm, chứ chúng tôi không cạnh tranh với Shopee, Lazada", ông Quang thông tin thêm.

Năm thắng đậm của các sàn TMĐT

Năm 2021 được xem là một năm thắng đậm của các sàn TMĐT. Theo nhận định của các chuyên gia, Covid-19 giúp thúc đẩy quá trình phát triển thương mại điện tử nhanh hơn 2-3 năm so với không có dịch bệnh.

vn-2-1641569783.PNG
Bảng xếp hạng các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu tại Việt Nam. Nguồn: iPrice

Kết thúc dịp sale 11/11/2021, các sàn TMĐT ghi nhận nhiều cột mốc với những con số rất ấn tượng.

Shopee có hơn 2 tỷ mặt hàng đã được bán ra, đồng thời số người dùng truy cập vào nền tảng tăng gấp 5,5 lần so với ngày thường. Lazada cho biết doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Tiki cũng lập kỷ lục với doanh số bán hàng tăng 9 lần, lượng khách mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường.

Ở Việt Nam, sau nhiều quý liên tiếp dẫn đầu, số liệu Quý III/2021 cho thấy Shopee vẫn là đối thủ khó vượt mặt khi chiếm 57% trong tổng số lượt truy cập trên tất cả các sàn TMĐT đa ngành. Lazada Việt Nam và Tiki lần lượt chiếm 16% và 13%. Các nền tảng khác chia đều 14% còn lại trong bảng xếp hạng, theo số liệu từ iPrice Group.

Việt Nam cũng được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026 với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD. Thông tin này được đưa ra trong báo cáo hằng năm "SYNC Southeast Asia" (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ).