Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 mới được Vietcombank công bố cho thấy, tại thời điểm 31/12/2023, ngân hàng này ghi nhận khoản nợ có khả năng mất vốn 6.200 tỷ đồng từ hoạt động cho vay các tổ chức tín dụng khác. Con số này dù đã giảm mạnh so với cuối năm 2022 là 11.000 tỷ đồng, song vẫn chiếm tới 2,6% tổng dư nợ cho vay trên thị trường liên ngân hàng của nhà băng này.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2023 sau kiếm toán

Vietcombank không thuyết minh về danh tính tổ chức tín dụng nợ xấu tại ngân hàng này, song một số nguồn tin thạo tin trên thị trường cho biết, một trong những “chủ nhân” của khoản nợ xấu này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Thực tế, nợ xấu từ hoạt động cho vay các tổ chức tín dụng khác của Vietcombank đã tăng vọt vào nửa cuối năm 2022 – sau khi xảy ra sự cố tại SCB. Theo đó, Vietcombank chỉ ghi nhận 4.000 tỷ nợ có khả năng mất vốn vào đầu năm 2022 và theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến, đây là khoản nợ xấu liên quan đến Ngân hàng Xây dựng (CBBank), nhưng đến cuối năm 2022, số dư này đã tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng.

Với con số trên, nợ có khả năng mất vốn của các tổ chức tín dụng tại Vietcombank vào cuối năm 2022 còn cao hơn gấp rưỡi nợ có khả năng mất vốn trong hoạt động cho vay khách hàng trên thị trường 1. Diễn biến này khiến Vietcombank phải chi tới gần 6.900 tỷ đồng trong năm 2022 để dự phòng rủi ro cho hoạt động cho vay liên ngân hàng, ảnh hưởng không ít tới kết quả lợi nhuận cả năm.

Bên phía SCB, theo kết luận điều tra của cơ quan công an, trên hệ thống sổ sách kế toán của nhà băng này thể hiện tại thời điểm ngày 17/10/2022 (ngày khởi tố vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng), SCB đang nhận 12.693 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác và 6.756 tỷ đồng vay các tổ chức tín dụng khác.

Số liệu trên báo cáo tài chính của 2 ngân hàng cho thấy thông tin về việc SCB nợ xấu tại Vietcombank là có cơ sở, nhất là khi Vietcombank luôn đóng vai trò là nhà cho vay lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng.

Trở lại với tình hình kinh doanh của Vietcombank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2023 của ngân hàng này đạt 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022.

Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục bỏ xa các "ông lớn" khác như BIDV (27.650 tỷ đồng), MB (26.306 tỷ đồng), Agribank (25.400 tỷ đồng), VietinBank (25.100 tỷ đồng), đồng thời xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank năm 2023  đến từ việc giảm được chi phí dự phòng rủi ro. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro đã giảm hơn một nửa so với năm 2022. Thậm chí, trong quý 4, nhà băng này còn được hoàn nhập gần 1.500 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trái ngược lại mức trích lập hơn 1.679 tỷ đồng của quý 4/2022.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, Vietcombank đã được hoàn nhập hơn 5.131 tỷ đồng dự phòng cụ thể rủi ro cho vay tổ chức tín dụng khác trong năm 2023. Trước đó, ngân hàng đã phải trích lập tới hơn 6.887 tỷ đồng cho các khoản cho vay liên ngân hàng trong năm 2022. Sự thay đổi này giúp tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank giảm từ 9.464 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 4.565 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng giảm là yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 giảm 2,2% so với năm 2022. Điều này cũng cho thấy gánh nặng từ khoản nợ xấu từ cho vay TCTD khác của Vietcombank đã giảm dần.