305768862-10222479941613237-8355559137419809828-n-1662714880.jpg
Hình vẽ minh họa của Freepik.

Mùa giải năm nay, Việt Nam bội thu tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) khu vực châu Á – Châu Đại dương tổ chức tại TP.HCM.

Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đoạt hai giải: Điểm đến hàng đầu châu Á 2022 và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2022. Trước đó, Việt Nam đạt giải điểm đến hàng đầu các năm 2018, 2019 và 2021.

Tổng cục Du lịch đạt danh hiệu Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2022. Hai lần trước đoạt giải là 2017 và 2021.

Sở Du lịch TP.HCM là Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á 2022. TP.HCM thắng thêm giải Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2022.

Hội An là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2022.

Hà Nội được chọn là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2022.

Đà Nẵng đạt giải Điển đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2022.

Mộc Châu lần đầu tiên rinh giải Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á.

Vườn quốc gia Cúc Phương lãnh giải Vườn quốc gia hàng đầu châu Á 2022.

Vietnam Airlines lãnh đến hai giải Hãng hàng không dẫn đầu về thương hiệu và Hãng hàng không dẫn đầu về hạng phổ thông.

11 giải rồi. Đọc đến đây bạn mệt chưa? Chưa mệt thì ráng tìm hiểu thêm: gần 30 khách sạn, resort lãnh giải hàng đầu châu Á, hàng loạt các công ty du lịch, lữ hành và cả các hãng hàng không nhỏ bé của Việt Nam.

Tám tháng đầu năm nay là sự hồi phục kỳ diệu của du lịch và hàng không nội địa tại Việt Nam, với gần 80 triệu lượt khách nội địa, cao hơn mức dự kiến cả năm 2022 là gần 20 triệu. Ngay cả với mức du khách như vậy, các vấn đề nội tại của du lịch Việt Nam vẫn còn “tồn đọng”, chưa giải quyết được. Đó là nạn chặt chém, xả rác, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường… Hic mà Việt Nam lại được trao giải Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á!!!

Những vấn đề mới phát sinh là các điểm du lịch “mài dao cả năm, chém khách vài ngày” ở các điểm nóng du lịch như Đà Lạt trước đây, khiến khách ngày càng ế trong lễ 30-4 vừa qua (công suất phòng 30%), hay kỳ 2-9 vừa rồi (công suất phòng 60-70%). Bởi trước đó Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán rồi lễ Giổ Tổ khách sạn đầy ắp, không đủ đón, khách ngủ bờ ngủ bụi. Rồi trước 30-4, “cò” đồn thổi Đà Lạt cháy phòng, khiến người Sài Gòn và các tỉnh khác như chim phải tên sợ cành cây cong tản đi chỗ khác. Thế là ế vêu mỏ…

Và không chỉ Đà Lạt, nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang vừa rồi phải chịu cảnh đó.

Trong khi đó, lượng khách nước ngoài trong tám tháng đầu năm đạt hơn 1,44 triệu lượt khách. Ngành du lịch khấp khởi loan báo “tăng gấp 13,7 lần so với cùng kỳ 2021, nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi dịch Covid bùng nổ”. Chữ “nhưng” kia mới là đáng giá làm sao.

Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Đến giờ đi được 2/3 đoạn đường nhưng chưa được 1/3 khách dự kiến. Đó mới chính là vấn đề. Ngành du lịch bèn ước ao “mỗi tháng đón 890.000 lượt khách thì đạt mục tiêu”.

Nhưng giăng bẫy là một chuyện, con mồi sập bẫy hay không lại là chuyện khác. Vẫn chữ “nhưng” thôi.

Với trung bình một triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng trong ba tháng gần đây, Singapore và Thái Lan vẫn đang mong mỏi chờ khách nước ngoài, cũng như Việt Nam và các nước ASEAN khác. Họ cũng đạt giải WTA, nhưng những dòng tin không ào ạt, khoa trương, xảo ngôn hay lộng ngữ như Việt Nam. Chẳng hạn, báo chí Malaysia khiêm tốn chạy dòng tin “Malaysia bỏ túi sáu giải thưởng WTA”.

WTA từng được xem là giải Oscar của ngành du lịch thế giới. Nhưng với kiểu trao giải thưởng rất đại trà và lạm phát như hiện nay thì giải Oscar này cần xem lại.

Hồi tháng 7-2022, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập giải WTA Graham Cooke khi đến Việt Nam đã ca ngợi rằng: Việc nhà nước tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân đã góp phần làm nên thành công của ngành du lịch Việt Nam trong 10 năm qua. Ông khẳng định đây là “công thức chiến thắng” của ngành du lịch Việt Nam.

Ông không ngần ngại gọi Hotel de la Coupole Mgallery (không gian kiến trúc giả cổ kiểu Pháp ở Sa Pa) và InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (khu nghỉ dưỡng đang phong đến 6 sao tại Đà Nẵng) là thành công mẫu mực. Đây là tài sản của Sun Group do các đối tác nước ngoài điều hành và khai thác. Khách sạn ở Sa Pa không giành giải, còn resort Đà Nẵng giành tới hai giải WTA 2022.

Không thể phủ nhận 100% bề dày thời gian của giải thưởng 30 năm tuổi như WTA (thành lập năm 1993). Nhưng kiểu trao giải thưởng “đầy tác động” hoặc đầy mâu thuẫn lợi ích như WTA buộc người đọc tỉnh tảo đặt câu hỏi.

Hai ngày qua những người tổ chức WTA, hội chợ du lịch quốc tế tại TP.HCM – sự kiện song hành với WTA, và đội ngũ truyền thông của các mấy chục cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam rất ư là mệt với đợt truyền thông dồn dập và khủng khiếp kiểu vậy. Dĩ nhiên, người đọc cũng ngợp.

Nhưng liệu các giải thưởng WTA kia, những danh hiệu kia có “ăn được” hay không, hay góp phần hình thành sức mạnh thương hiệu du lịch Việt Nam đủ sức thu hút vài chục triệu du khách nước ngoài như trước.

Nhà chức trách, cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt vẫn như kỳ lân say pháo. Gần 30 năm trước, khi các giải thướng kinh doanh quốc tế ở Tây Ban Nha và châu Âu bắt đầu tìm cách mời gọi doanh nghiệp Việt trả tiền để nhận giải thưởng, tôi đã viết thế này: “Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn say mê lao vào các giải thưởng. Nhưng các giải này có làm nên thương hiệu hay tăng sức mua hay không, hay cứ như là tấm vải đỏ của các dũng sĩ đấu bò matador thúc giục các con bò lao tới?”

Gần 30 năm sau, sức hút tấm vải đỏ vẫn là bí ẩn và các đấu sĩ matador ngày càng nhiều hơn. Mà ôi thôi, bầy đàn ngoài kia đông quá.