
1/ Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của Việt Nam năm ngoái đạt 55,5 tấn, giảm 6% so với mức 59,1 tấn của năm 2022. Trong đó, nhu cầu vàng miếng và vàng xu đạt 40 tấn, giảm 2%, vàng trang sức ớ mức 15 tấn, giảm 16%.
Nhu cầu vàng đã giảm bốn quý liên tiếp so với cùng kỳ năm trước đó do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và lạm phát tương đối cao.
Shaokai Fan, người phụ trách mảng ngân hàng trung ương tại WGC, nói rằng trong quý 4-2023, người Việt gia tăng đầu tư vào vàng, gây biến động giá. Nhu cầu gia tăng và hạn chế về lựa chọn đầu tư vàng đã khiến giá vàng miếng SJC có sự chênh lệch đáng kể [so với giá thị trường quốc tế]. Giá trị tiền đồng giảm liên tục trong suốt năm 2023 cùng với khó khăn kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu vàng tăng cao.
Việt Nam là thị trường vàng lớn nhất Đông Nam Á, theo một khảo sát của WGC năm 2021. Việt Nam cũng nằm trong số 10 thị trường hàng đầu thế giới, với mức tiêu dùng đạt 39,8 tấn trong năm 2020, cao hơn nhu cầu 37,6 tấn ở Indonesia và 9,4 tấn ở Singapore.
Khảo sát của WGC với trên 2.000 nhà đầu tư trong nước vào tháng 3-2020 cho thấy: 68% nhà đầu tư Việt Nam nói vàng là tài sản hàng đầu, nhận thấy triển vọng tích cực của kim loại quý này 81% nói cân mua thêm. Tỷ lệ trung bình muốn mua thêm vàng trên toàn cầu là 45%.
Theo WGC, nhu cầu vàng ở Việt Nam vẫn rất cao do người dân Việt Nam tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư yên tâm về lâu dài. Đồng thời, nhu cầu vàng mới cũng phát sinh thông qua việc mua vàng trên nền tảng kỹ thuật số hoặc thông qua các kênh sẵn có như ngân hàng. Khoảng 76% số người được hỏi ủng hộ việc mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng để hỗ trợ và chính thức hóa thị trường vàng.
Andrew Naylor, Giám đốc phụ trách ASEAN tại WGC, cho rằng: “Khảo sát cho thấy nhu cầu vàng ở Việt Nam rất mạnh, có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm đầu tư mới như mua vàng thông qua nền tảng kỹ thuật số hay mở tài khoản đầu tư vàng”.
2/ Dự trữ vàng của Việt Nam hiện khá thấp, theo trang dữ liệu CEIC và IMF.
Dữ liệu của CEIC nói dự trữ vàng của Việt Nam đạt giá trị 649,450 triệu USD vào tháng 10-2023, tăng so với tháng 9 trước đó là 607,370 triệu USD.
Dữ liệu dự trữ vàng Việt Nam được cập nhật hàng tháng, trung bình đạt 348,215 triệu USD từ tháng 1-1995 đến tháng 10-2023, với việc CEIC kiểm tra các dữ liệu đến 334 lần. Mức cao nhất là tháng 10-2023 và mức thấp kỷ lục là 34,790 triệu USD vào tháng 1-1995.
CEIC vẫn cập nhật đều đặn hàng tháng dữ liệu dự trữ vàng của Việt Nam. Các dữ liệu này được phân loại theo giám sát kinh tế toàn cầu của World Trend Plus.
Trong khi đó, Fitch Rating nói dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm ngoái là 89 tỉ đô la. CEIC nói, theo đánh giá của IMF, dự trữ ngoại hối có quy mô tương đương 12 đến 14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối. Trong trường hợp của Việt Nam thì vừa đủ 12 tuần nhập khẩu.
Trở lại với trường hợp dữ liệu dự trữ vàng của Việt Nam, khi vào trang dữ liệu của WGC và vào đến tận các ô lãnh địa Đông Nam Á thì đều vắng số liệu của Việt Nam. Nhưng chỉ cần bạn bỏ ra 9,9 USD thì có thể đọc dữ liệu trên CEIC và chịu khó đăng ký xin dữ liệu từ WGC. [Dạ, bài này không có nhuận bút, nên "em" không có tiền mua vàng, à quên dữ liệu ạ.]
Có nghĩa là dữ liệu vàng ở Việt Nam đang nằm trong diện mật, không phải ai cũng có thể có được, đọc được và hiểu được là thực sự chúng ta đang có còn cái gì.
3/ Tuần rồi, các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhao nhao hay sốt ruột về 400 tấn vàng còn ở trong dân. Các chuyên gia kinh tế nương theo hướng gió mà đoán đã không đưa ra cứ liệu hay dữ liệu gì cả, ước đoán khơi khơi kiểu sau.
Giả dụ mỗi người dân Việt có được 1 chỉ vàng, dân số khoảng 100 triệu thì chúng ta có 100 triệu chỉ vàng, tức là 10 triệu cây vàng. Khoảng 25 cây vàng thì 1 ký. 10 triệu cây thì tương đương 400 tấn vàng. Thật là vi diệu!
Mà thật ra, 1 ký vàng sẽ tương đương 26 cây 6 chỉ 6 phân = 997,5 gam vàng. Vẫn còn 2,5 gram vàng kia. Thôi thì xí xóa cho công người tính.
Tự nhiên mỗi người Việt, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo rớt mồng tơi, được phát không một chỉ vàng. Mừng húm. Thế là Tết này có gạo ngon, bữa cơm thêm thịt.
Nhưng đừng mừng vội.
Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 cho thấy nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người. Năm 2020, nợ công là 35,1 triệu đồng/người.
Tính nhẩm nhanh mới cho chỉ vàng SJC hôm nay đâu cũng 7,8 triệu đồng. Khi không bị ấn cái nợ gần tòm tèm 30 triệu đồng.
Thôi thì phen này, ai cũng làm chuyên gia kinh tế đi tìm vàng trong dân được nà.
Đành phải nhại Tú Xương:
Phen này ông quyết đi ăn cướp
Cướp cái trong dân thế mới tài!