Tục ngữ có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Vì vậy, việc chúng ta đôi ba lần mắc lỗi chính tả, ngữ pháp là hết sức bình thường.

Tuy nhiên với một số người, lỗi chính tả khiến họ cảm thấy khó chịu đến bức bối. Dù được trả lương hay không thì họ cũng sẵn sàng gia nhập lực lượng “cảnh sát chính tả” để diệt trừ tận gốc thảm họa này. Bạn có thắc mắc vì sao lỗi chính tả thôi mà họ khó chịu thế? 

fb-img-1654680921595-1654681128.jpg
 

▸ Do biến thể gen

Theo chuyên gia ngôn ngữ Dennis Barron, xu hướng soi lỗi chính tả ở một số người liên quan đến gen ngôn ngữ FOXP2. Gen này khi đột biến sẽ gây ra một số dị tật ngôn ngữ như chứng mất tiếng ở trẻ nhỏ. Một biến thể của gen là FOXP2.1 có thể là nguyên nhân khiến một số người ám ảnh với lỗi chính tả.

Trong một số trường hợp, đây có thể là biểu hiện của hội chứng ám ảnh lỗi ngữ pháp (grammar pedantry syndrome). Người mắc hội chứng này không chấp nhận cả những cách viết tắt được áp dụng rộng rãi (như “VD” thay cho “ví dụ”, “ko” thay cho “không”). Họ cũng sửa lỗi người khác bất kể hoàn cảnh, khiến người bị sửa thấy khó chịu. 

▸ Do đặc trưng tính cách

Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Michigan đã phát hiện những kiểu tính cách nhạy cảm nhất với lỗi sai chính tả. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người hướng ngoại có xu hướng bỏ qua cả lỗi chính tả và ngữ pháp. Trong khi đó, người hướng nội dễ để ý những lỗi này và đánh giá người viết một cách tiêu cực hơn.

Ngoài ra, những người có độ tự chủ cao nhưng cởi mở thấp sẽ “khó ở” với lỗi chính tả, còn người ít hòa đồng lại dễ bực mình với các lỗi ngữ pháp. Đáng chú ý, mức độ bất ổn cảm xúc không ảnh hưởng lắm tới cách những người này đánh giá lỗi sai.

▸ Do cảm giác “hơn người”

Trong nhiều trường hợp, người ta bắt lỗi chính tả chẳng phải vì gen hay tính cách. Theo chia sẻ của giáo sư tâm lý Robert Kurzban, “việc bắt lỗi người khác một cách công khai giống như một tuyên bố về kinh nghiệm. Nó cho thấy bạn biết nhiều hơn người đã mắc lỗi” (quartz.com). 

Nói cách khác, việc bắt lỗi chính tả thể hiện sự ưu việt với người mắc lỗi, mang lại cảm giác thỏa mãn cho bản thân. Trong các cuộc cãi nhau trên mạng, nhiều người khi đuối lý có xu hướng quay ra bắt lỗi chính tả để có cảm giác thắng thế trước đối phương.

▸ Đơn giản vì họ muốn giúp đỡ người khác

Nhiều khi các “cảnh sát” chỉ đơn giản muốn giúp đỡ người khác khi thấy một lỗi chính tả có thể gây bất lợi cho họ. Nhiều từ tiếng Việt có cách đánh vần tương tự nhau, song nếu nhầm lẫn sẽ rất tai hại, chẳng hạn như “bàng quan” và “bàng quang”. Trong trường hợp này, sự khó tính của các “cảnh sát” sẽ cứu bạn một bàn thua trông thấy.

Nguồn: Vietcetera.com