Elon Musk ngày hôm qua (12/04) đã bị cổ đông cũ của Twitter kiện vì bị ảnh hưởng quyền lợi trong đợt cổ phiếu Twitter tăng giá gần đây do vị tỷ phú này chậm trễ công bố cổ phần sở hữu để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn.
Đại diện tập thể cổ đông đệ trình đơn kiện lên toà án liên bang Manhattan là Marc Rasella. Theo đó, trong đơn cáo buộc ông Elon Musk, giám đốc điều hành công ty sản xuất ô tô điện Tesla Inc, đã đưa ra “những tuyên bố sai lầm và gây hiểu lầm” khi không tiết lộ ông đã đầu tư vào Twitter trước ngày 24/03 theo yêu cầu của luật liên bang.
“Ông Musk đã bắt đầu thu mua cổ phiếu Twitter từ tháng 01/2022 và vị tỷ phú này đã sở hữu hơn 5% cổ phần công ty mạng xã hội nổi tiếng vào ngày 14/3/2022,” đơn kiện nêu rõ.
Theo luật liên bang, Elon Musk phải nộp Phụ lục 13 lên Uỷ ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) trong vòng 10 ngày, kể từ khi sở hữu hơn 5% cổ phần, tức ngày 14/03. Tuy nhiên, phải đến ngày 04/04, tức 21 ngày sau đó, người đàn ông giàu nhất hành tinh này mới nộp Phụ lục lên SEC.
Kết quả là, giá cổ phiếu Twitter đã tăng gần 27% trong ngày 04/04, từ 38,31 USD lên 49,97 USD, ngay sau khi Musk tiết lộ số cổ phần hiện có, là 9,2%.
Các cổ đông Twitter cho biết họ đã bị bỏ lỡ đợt tăng giá cổ phiếu do sự chậm trễ của Musk. Điều này thực tế lại có lợi cho Musk khi ông mua được cổ phiếu với giá thấp.
Trước đó, Musk cũng bị các cổ đông tại Tesla kiện do những phát ngôn làm biến động giá cổ phiếu trên Twitter.
Tỷ phú nắm giữ truyền thông: rủi ro cần loại trừ?
Việc tập thể các cổ đông đồng loạt kiện Elon Musk đã phần nào cho thấy sự bất an của họ khi một tỷ phú công nghệ lên nắm quyền điều hành truyền thông xã hội. Việc làm này vốn chẳng có gì mới mẻ bởi trước đó Jeff Bezos mua lại Washington Post hay Michael Bloomberg nổi tiếng với trang tin tức kinh tế hàng đầu Bloomberg.
Tuy nhiên, trường hợp của Elon Musk lại khác. Theo Reuters, nhiều nhân viên Twitter lo lắng giám đốc điều hành của Tesla sẽ tiếp tục đăng tải những bài phê bình trên nền tảng mạng xã hội này, nơi đang tiếp cận khoảng 80 triệu người dùng. Và điều này không mang lại lợi ích tốt nhất cho Twitter.
Trang tin cũng dẫn lời một số nhân viên đề nghị giấu tên, họ cho biết bầu không khí giữa họ và Musk là “cực kỳ căng thẳng”.
Vài ngày trước, Musk đã có những bài tweet về ý tưởng mới, từ việc loại bỏ quảng cáo cho các thành viên của dịch vụ đăng ký Twitter, cho đến việc biến một phần trụ sở chính ở San Francisco thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư.
Theo Reuters, động thái Musk không tham gia vào hội đồng quản trị của Twitter là để ngăn chặn vị tỷ phú này sở hữu nhiều hơn 14,9% cổ phần. Với hơn 9% cổ phần, ông vẫn không có quyền thay đổi chính sách của nền tảng này. Vì vậy, ông sẽ phải cần nhiều hơn sự ủng hộ từ 11 thành viên còn lại (ngoại trừ Parag Agrawal, CEO Twitter và Jack Dorsey) cho các đề xuất mới của mình.
Dù vâỵ, vụ kiện gần đây đã phần nào phản ánh điều ngược lại.