Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn – PV) làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Đề xuất của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được đưa ra khi phần lớn các chuyến bay chở khách phải tạm dừng khai thác vì dịch COVID-19, còn mảng vận tải hàng hóa hàng không lại cho thấy khả năng miễn nhiễm, thậm chí ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục.

air-4-1024x683-1622802376.jpg
Ảnh minh họa.

Vận tải hàng hóa hàng không kiếm ‘’bẫm’’ thời đại dịch

Tờ Der Standard số ra tại Áo mới đây cho biết "Nhánh vận tải hàng hóa của hãng hàng không Lufthansa vừa công bố lợi nhuận quý I/2021 đạt 314 triệu Euro, cao nhất từ trước tới nay".

"Vận tải hàng hóa hiện nay đóng góp tới 1/3 doanh thu toàn cầu của ngành hàng không, trong khi trước đại dịch, doanh thu chỉ đạt từ 10 - 15%", Der Standard viết.

Cargolux - một hãng hàng không châu Âu chuyên về chở hàng, không chở khách của Luxembourg cũng ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục trong năm ngoái. 

Theo tờ Luxemburger Wort, lợi nhuận ròng của Cargolux năm 2020 đạt 768 triệu USD, gấp gần 40 lần lợi nhuận năm 2019 và vượt xa kỷ lục 211 triệu USD của năm 2018.

Năm 2020, doanh thu của Cargolux tăng gần 35%, từ 2,3 tỷ USD vào năm 2019 lên 3,1 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế và lãi vay đạt 991 triệu USD, gấp gần 9 lần so với mức 114 triệu USD ghi nhận vào một năm trước đó.

Luxemburger Wort cho rằng có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hãng Cargolux. Một mặt, các máy bay chở khách thường chở hàng trong bụng máy bay. Đại dịch xảy ra, các tuyến bay chở khách tê liệt, khiến lượng hàng hóa đó dồn sang máy bay vận tải. Trong năm 2020, hãng hàng không này đã vận chuyển khoảng 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng gần 10% so với năm 2019.

Mặt khác, nhu cầu cao kéo giá cước đi lên, lợi nhuận trên mỗi kg cũng tăng khoảng 30%, trong khi giá nhiên liệu lại ở mức thấp. 

Như ông chủ của Cargolux, Richard Forson đã chia sẻ: ''Đó (2020 – PV) là một năm đặc biệt. Nhu cầu rất cao vì các hãng hàng không khác buộc phải để máy bay nằm yên trên mặt đất. Đồng thời, rất nhiều thiết bị y tế cũng được vận chuyển trong thời gian đầu đại dịch giữa Trung Quốc và châu Âu, cũng như giữa châu Âu và Mỹ''.  

Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không đã đạt mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 3/2021 dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại với tháng 2. Cụ thể, khối lượng vận chuyển đã tăng 4,4% so với tháng 3/2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và tăng 0,4% so với tháng 2/2021.

IATA cho rằng triển vọng mảng vận chuyển hàng hóa trong ngắn hạn là khả quan do sự phục hồi liên tục của nhu cầu xuất khẩu trên toàn cầu khi các quốc gia dần thoát khỏi tình trạng phong tỏa và doanh nghiệp hoạt động khởi động lại.

Các hãng bay Việt Nam huyển hướng sang vận chuyển hàng hóa 

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng tàu bay chở khách kết hợp với chở hàng nên khối lượng hàng hóa vận chuyển trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 2-10 tấn tùy theo chủng loại tàu bay.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển hành khách gần như tê liệt, nhiều hãng hàng không đã buộc phải chuyển đổi một số máy bay chở khách sang máy bay chở hàng nhằm tạo thêm nguồn thu.

Cuối năm 2020, Vietnam Airlines đẫ đưa 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa thuần túy trên khoang khách (cabin) và khoang bụng (belly); đồng thời tháo ghế 2 máy bay thân hẹp Airbus 321 để chở hàng. 

Kết quả đạt được rất khả quan khi trong giai đoạn cách ly xã hội, doanh thu vận chuyển hàng hóa của Vietnam Airlines năm 2020 đạt gần 5.382 tỷ đồng, đóng góp gần 24% tổng nguồn thu của công ty mẹ so với mức 11,7% của năm 2019. Hết quý I/2021, vận chuyển hàng hóa mang về cho hãng bay này gần 1.140 tỷ đồng chiếm 23% tổng nguồn thu và chỉ giảm 15% so với cùng kỳ trong khi doanh thu vận chuyển hành khách giảm tới 69%.

Để sinh tồn trong dịch COVID-19, Vietjet Air cũng đã phải mở dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ tháng 4/2020. Giai đoạn giữa tháng 4, mỗi ngày hãng thực hiện khoảng 10 chuyến bay vận chuyển hàng hóa. 

Không chỉ mang lại nguồn thu trong giai đoạn đại dịch, vận chuyển hàng hóa còn được kỳ vọng sẽ là mảng kinh doanh tiềm năng cho các hãng bay vài thời gian tới.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng mảng vận chuyển hàng hóa giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình hơn 10%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng hóa quốc tế đạt 12%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng hàng hóa đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm 2018. Trong đó hàng hóa quốc tế đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2018.

Đáng chú ý, khi sản lượng hàng hóa đường hàng không tăng đều mỗi năm thì thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ đạt gần 20%. Hơn 80% thị phần còn lại vẫn nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài.

Lãnh đạo Bamboo Airways mới đây cũng khẳng định tại Việt Nam chưa hãng nào phát triển chuyên biệt để vận chuyển hàng hóa; đồng thời cho biết tham vọng phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.