Hiện tại Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản 190 tỉ đô, giá trị vốn hóa thị trường của Amazon đã đạt đến hơn 1600 tỉ đô vào năm 2020, trở thành "đế chế" bán lẻ lớn nhất thế giới, nhưng bạn có biết rằng 20 năm trước lúc khởi nghiệp Amazon như thế nào không?

Bức ảnh trên là văn phòng của Amazon năm 1999 và người trong hình không ai khác chính là người đàn ông giàu nhất thế giới - Jeff Bezos - nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon.

Amazon office.jpg
Năm 1999, lúc đó Amazon mới thành lập được 5 năm, trụ sở chính của công ty nằm ở một con phố khá phức tạp ở Seattle. Phóng viên Bob Simon của đài CBS lúc đó đã tìm đến trụ sở của Amazon để phỏng vấn Jeff Bezos cho chương trình "60 Minutes". Ông kể lại rằng: "Người ta nói với chúng tôi là hãy đến địa chỉ 1516 2nd Ave, nằm giữa đường Pike và đường Pine ở Seattle." "Thế nhưng khi chúng tôi tìm đến chỗ này, xung quanh có một tiệm cầm đồ, một cơ sở mát xa khiêu dâm, một tiệm bán tóc giả và một cửa hàng bán teriyaki thì không thấy bất kỳ lối đi riêng vào văn phòng hay tòa nhà văn phòng nào. Chỉ có một tòa nhà cũ có tên Columbia với số nhà là 1516. Vậy là chúng tôi đi vào bên trong tòa nhà này."

 

 

Khi Simon lên cầu thang, ông càng ngạc nhiên hơn bởi sự tồi tàn của văn phòng Amazon - trên sàn là một tấm thảm đã ố bẩn, bàn làm việc của Jeff Bezos được chế lại từ một cánh cửa cũ.

Vào thời điểm 1999, Bezos đã là tỉ phú nhưng khi được hỏi tại sao lại làm việc trong một văn phòng tạm bợ như vậy, Bezos trả lời rằng: "Đây là một biểu tượng của việc đầu tư vào những thứ có ý nghĩa cho khách hàng thay vì phung phí vào những thứ không ý nghĩa."

Bezos lúc đó mặc áo sơmi xanh và quần khaki, ông đi một chiếc xe Honda - cụ thể là Honda Accord 1997. Khi Simon cười nhạo Bezos rằng tỉ phú gì mà đi xe Honda thì Bezos trả lời: "Đây là một chiếc xe rất tốt."

Jeff Bezos old vs now.jpg
Sau khi tốt nghiệp đại học Princeton, Bezos ban đầu làm việc tại Wall Street nhưng sau đó ông quyết định thành lập Amazon dựa trên một triết lý sống rất logic mà ông gọi là "khuôn khổ hối tiếc tối thiểu". Bezos nói: "Tôi muốn sống một cuộc đời mà đến năm 80 tuổi, tôi giảm thiểu tối đa số lần phải hối tiếc. Tôi nghĩ thực tế có nhiều người sống theo kiểu này, ngay cả khi họ không gọi nó như tôi là "khuôn khổ hối tiếc tối thiểu" thì họ cũng hành động tương tự như vậy." Điều này không có nghĩa Bezos không ý thức được những rủi ro thực tế khi đưa ra quyết định. Ông nói: "Tôi biết chúng ta có thể mất tất cả nhưng đây không phải nỗi sợ, đây là sự thật."

Jeff Bezos cũng từng chia sẻ với đài CNBC về tầm nhìn của ông vào năm 1999.

 

 

"Tôi tin rằng nếu bạn tập trung đến mức ám ảnh về trải nghiệm khách hàng, tính chọn lọc, tính đơn giản khi sử dụng, giá thấp và cung cấp thêm thông tin cho khách hàng để họ có thể quyết định chi tiêu. Và nếu bạn cho khách hàng tất cả những thứ này cùng với dịch vụ khách hàng tốt nhất, chẳng hạn như chính sách cho trả hàng sau 30 ngày nếu không thích áp dụng với đồ chơi và thiết bị điện tử, thì tôi nghĩ rằng bạn sẽ có cơ hội tốt và đây cũng là những gì mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện." Đây là câu trả lời của Jeff Bezos khi được hỏi tại sao nên đặt cược vào cổ phiếu của công ty và "trải nghiệm khách hàng" cũng chính là chìa khóa thành công của Amazon. Vào thời điểm đó, Amazon có hơn 3000 nhân viên, trung tâm điều phối hàng hóa rộng đến 370 ngàn m2, hàng chục kho đặt rải rác trên khắp nước Mỹ và nhờ hệ thống kho vận này, Amazon đã đưa trải nghiệm người dùng lên một cấp độ mới khi có thể giao hàng đến người dùng trong một khoảng thời gian hợp lý.

Prime Air.jpg
Jeff Bezos được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 1999. Amazon ban đầu bán sách trực tuyến và qua thời gian thì danh mục sản phẩm được mở rộng như đĩa nhạc, video, game, phần cứng, phần mềm máy tính và đến nay có hơn 12 triệu sản phẩm được bán trên Amazon. Từ 4 tỉ đô năm 2001, giá trị vốn hóa thị trường của Amazon đã đạt đến hơn 1600 tỉ đô vào năm 2020, trở thành "đế chế" bán lẻ lớn nhất thế giới. Hiện tại Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản 190 tỉ đô.