Thách thức lớn nhất của Việt Nam lúc này không còn là nguồn vaccine nữa bởi đã có cam kết cung cấp 60 triệu liều của AstraZeneca trong năm 2021 và khoảng 90 triệu từ các hãng dược khác nhau. Thách thức lớn nhất lúc này là quản trị và số hóa các dữ liệu về tiêm vaccine ngừa Covid-19 và kết quả xét nghiệm Covid-19. Đây không chỉ là thách thức của Việt Nam mà là của thế giới.

1/ Ngày hôm qua, 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về đến Tân Sơn Nhất. Số vaccine này nằm trong đợt hàng phân phối cho Việt Nam và Thái Lan của hãng AstraZeneca.

Đó là tia hy vọng mới cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu ở các tỉnh tiền tuyến như Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng.

 

Nhưng điều tréo ngoe là suốt mấy ngày qua trên mặt trận truyền thông là những bài báo dài lê thê mô tả về hệ thống kho lạnh và vận chuyển lạnh âm cực sâu đến -86oC của hãng VNVC (Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam). Trong khi đó, vaccine của AstraZeneca chỉ cần trữ ở độ lạnh 2-8oC. Có nghĩa là không cần quá lãng phí đầu tư cho một hệ thống không cần thiết. Hay có lẽ vì quá tự hào mà lỡ khoa trương?

Liệu có xác suất nào đó là VNVC có thể nhập vaccine Pfizer vốn cần trữ ở độ lạnh -80oC hay là vaccine Moderna ở độ -20oC?

Với Pfizer thì có lẽ xác suất sẽ bằng không bởi hãng này vừa tiến hành nâng cấp nhà máy sản xuất ở Purrs, Bỉ và hãng phải giảm lượng vaccine cung cấp theo cam kết với EU và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo EU và Hoa Kỳ đang thúc giục Pfizer tăng tốc. Chẳng lẽ nào các doanh nghiệp Việt Nam có tài ngoại giao xuất chúng?

Trong khi đó, hầu như chưa có bất cứ thông tin nào về chuyện Việt Nam đang tiếp cận nguồn vaccine của Moderna hay bất cứ hãng dược nào khác, ngoại trừ các hãng vaccine của Nga và Trung Quốc.

2/ Thách thức lớn nhất của Việt Nam lúc này không còn là nguồn vaccine nữa bởi đã có cam kết cung cấp 60 triệu liều của AstraZeneca trong năm 2021 và khoảng 90 triệu từ các hãng dược khác nhau.

Thách thức lớn nhất lúc này là quản trị và số hóa các dữ liệu về tiêm vaccine ngừa Covid-19 và kết quả xét nghiệm Covid-19. Đây không chỉ là thách thức của Việt Nam mà là của thế giới.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đang thúc giục 290 các hãng hàng không thành viên tham gia nền tảng số TravelPass mà IATA đang xây dựng. Nền tảng này bao gồm các thông tin về tiêm chủng vaccine - như thời điểm tiêm vaccine, nơi sản xuất, hãng dược, cùng kết quả các lần xét nghiệm Covid-19. TravelPass sẽ giúp các hãng hàng không bớt phiền hà và các cơ quan xuất nhập cảnh làm việc suôn sẻ.

Nhưng khá bất ngờ là IATA cho biết một đất nước phát triển đã từ chối các văn bản số này mà nhất định khăng khăng đòi các tờ giấy xét nghiệm và giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Đó chính là Hàn Quốc!

Lực lượng cảnh sát EU (Europol) đã phá vỡ một đường dây chuyên làm giấy xét nghiệm giả ở sân bay Charles de Gaulle. Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và nhiều nước khác cũng phát hiện nhiều trường hợp làm giả giấy xét nghiệm và giấy tiêm chủng.

Số hóa hệ thống dữ liệu này sẽ làm các chuyến bay trong nước và quốc tế thêm an toàn - IATA nhận định.

Và đây chính là thách thức của Việt Nam khi phải số hóa dữ liệu của ít nhất 75 triệu dân - tương ứng với số liều vaccine đã đặt là 150 triệu. Các giấy tờ này sẽ giúp người Việt đã tiêm chủng bắt đầu vi vu thế giới. Nhưng hiện chỉ có 10 nước cho phép người đã tiêm vaccine được phép nhập cảnh mà không phải cách ly, trong đó có Thái Lan, tiểu bang Hawaii của Hoa Kỳ (dự kiến là ngày 1/5/2021) và một số nước châu Âu khác (một vài nước đã cho phép nhập cảnh với người đã tiêm vaccine từ giữa tháng 1).

Và số hóa nguồn dữ liệu trên còn là một thị trường mênh mông ít người đụng tới. Vietnam Airlines thì chưa nghe về vụ TravelPass. Còn VNVC thì chắc chắn không thoát dịch vụ cốt lõi là mua bán vaccine.

Liệu sẽ là FPT hay Vingroup hay một tập đoàn y tế nào đó?