Giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang căng mình chống lại COVID-19, nhiều doanh nghiệp và tỷ phú Việt đã "lao" vào chống dịch.
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xem là tiên phong trong việc đầu tư cho các dự án nghiên cứu chống COVID-19.
Mới đây, trên mạng xã hội, một tài khoản Facebook đăng: “Cả tuần này mình và ông em với cả Sứ quán Ukraine tại Việt Nam đau đầu giải quyết việc làm cách nào giúp cho những người Ukraine tại Việt Nam sang du lịch bị kẹt lại có thể về nước. Vì vé máy bay chủ yếu qua ngả Moscow chứ không có đường bay thẳng, qua ngả Istanbul, Paris, Frankfurt… cũng không được.
Tiền thì hết, visa hết hạn không biết làm thế nào. Sứ quán cũng cân nhắc đề nghị Chính phủ thuê máy bay đưa dân về. Cuối cùng thì được em Q. cho thuê Dreamliner 787 với giá hạ, rồi phút chót đùng cái em Vượng bao luôn chi phí. Vậy là bà con Ukraine được ông tỷ phú có tấm lòng tri ân nước Ukraine tài trợ. Hiện mình đã báo cho bà con Việt Nam bên Ukraine có nguyện vọng về quê đăng ký qua đường Ngoại giao để đáp kịp chuyến về.
Rất cảm ơn những cô gắng của bà Đại diện Natalia Zhinkina, ông lãnh sự Yurii Podgornyi, Chủ tịch DHT Aviation Cao Tuấn Anh Dũng, và tất nhiên rồi, rất cảm kích tấm lòng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đối với bà con Ukraine và Việt Nam. Câu trả lời cho câu hỏi của qua qua Vũ tiền nhiều để làm gì? đã có!”, người này viết.

90441319_523586778359799_1162375891561480192_n

Thông tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng thuê Boeing 787 đón người Việt ở Ukraine về nước. Ảnh FB

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông LeBros cho biết, câu chuyện trên là có thật, được xác nhận từ một số nguồn tin có cơ sở.
Ông Lê Quốc Vinh nhận định, "tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực sự là người có tâm, chẳng cần khoe khoang những việc đã làm được".
"Chỉ là mấy người bạn cũ ở Ucraina nhờ anh ấy (tỷ phú Phạm Nhật Vượng) thôi. Mà đó là con người thật đấy. Vì anh Vượng hay làm những việc như thế", ông Vinh nói.

Nhadautu.vn cũng đã gọi điện đến truyền thông Vingroup để xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, phía Vingroup từ chối bình luận.
Trước đó, Quỹ Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19.
Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ba đơn vị nhận được tài trợ của Quĩ Đổi mới sáng tạo VINIF gồm: Công ty TNHH Một Thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.
Trong đó, Công ty TNHH Một Thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sẽ nhận tài trợ 8 tỷ đồng cho dự án nghiên cứu: "Phát triển vaccine chống lại chủng mới của virus corona (COVID-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm".
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng viruscorona mới 2019 (2019-nCoV) tại Việt Nam".
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài "Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp”.
Các dự án để nhận tài trợ đã trải qua đầy đủ các quy trình xét chọn từ việc lập hồ sơ, gửi phản biện, họp hội đồng và ra quyết định tài trợ từ Hội đồng khoa học (gồm các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học dự phòng, vệ sinh dịch tễ và điều trị các bệnh truyền nhiễm trong và ngoài nước).
Toàn bộ kinh phí tài trợ sẽ được các đơn vị sử dụng để nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm vaccine, xác định đặc điểm dịch tễ và virus của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, xây dựng mô hình ước tính tình hình dịch bệnh, dự đoán khả năng lây truyền, xác định biện pháp ứng phó cần thiết, đưa ra cảnh báo phù hợp.
Ngoài 20 tỷ ban đầu, Vingroup đã bổ sung thêm 5 tỷ đồng tài trợ cho ngành y tế chống dịch.