Phạm Nhật Vượng là ai?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xem là một hình mẫu doanh nhân mà tất cả mọi người đều ngưỡng mộ. Ông sinh ngày 5-8-1968, là con cả trong gia đình có ba anh chị em tại Hà Nội. Ông nổi tiếng kể từ khi trở thành tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam vào ngày 7-3-2011, với tổng tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam. Hiện tại ông vẫn là người giàu nhất Việt Nam với tổng giá trị tài sản là 6,2 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 408 trong tổng số 1000 người giàu nhất thế giới (Theo tạp chí Forbes, tính đến ngày 13/3/2022) với cương vị là Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Vingroup.
Hành trình xây dựng sự nghiệp bắt đầu ở đất nước Ukraine
Năm 1987, ông nhận được học bổng du học ở Trường Đại học Thăm dò địa chất Liên Bang Nga (MGRI-RSGPU). Đây cũng là cơ hội để ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy của mình. Đến năm 1993, ông đã tốt nghiệp đại học và kết hôn với người bạn học chung với mình là bà Phạm Thu Hương. Hai vợ chồng ông đã di chuyển đến Kharkov, Ukraine cùng với số vốn 10.000 USD được vay từ bạn bè và quyết định mở nhà hàng tên là Thăng Long.
Bà Phạm Thu Hương - người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Nhà hàng nhanh chóng phát triển nhờ món ăn ngon với giá cả phải chăng, và đã trở nên nổi tiếng không chỉ với người dân Kharkov mà còn đối với những khách du lịch đến thành phố.
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, những kệ hàng trong siêu thị trống không và chế độ tem phiếu được áp dụng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tận dụng cơ hội để về Việt Nam mua một dây chuyền mì ăn liền hai vắt thô sơ đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Mivina.
Ngày 8/8/1993, công ty Technocom ra đời chỉ với 30 công nhân và tập trung vào sản xuất mì ăn liền tại Ukraine. Technocom do một nhóm các du học sinh người Việt đã từng học tại Nga thành lập bao gồm: Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Phạm Thúy Hằng, Phạm Thu Hương, Nguyễn Hương Lan, Trần Minh Sơn, Nguyễn Thủy Hà. Công ty đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân với chế độ phúc lợi tốt, mức lương ổn định. Ngoài ra, Technocom là công ty đóng thuế nhiều cho Kharkov và thường xuyên tài trợ cho các chương trình trách nhiệm xã hội của thành phố.
Đến năm 1995, thương hiệu mì “Mivina” đã bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên toàn Ukraine, giúp cho việc kinh doanh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngày càng phát triển. Đến năm 2004, số lượng người tiêu thụ mì Mivina tại Ukraine đạt mức cao kỷ lục, chiếm 97% thị phần. Đây cũng là nền tảng giúp cho ông quay về Việt Nam phát triển tiếp sự nghiệp kinh doanh của mình.
Các sản phẩm thuộc thương hiệu Mivina tại Ukraine của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tại Ukraine, ông Vượng không chỉ phát triển việc kinh doanh của mình, mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động đóng góp xã hội. Vị tỷ phú đã đóng góp hệ thống lò sưởi cho nhà trẻ được xây bằng nguồn vốn xã hội. Biến những địa điểm bỏ hoang như là nhà trẻ, rạp chiếu phim thành các địa điểm giải trí và khách sạn. Ông còn tài trợ cho đội tuyển bóng chuyền Kharkov thi đấu tại nước ngoài. Những hành động tốt đẹp đó là giúp ông nhận được rất nhiều sự quý của người dân thành phố và luôn theo dõi hành trình của ông mặc dù đã trở về Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi còn ở Ukraine
Đến năm 2010, tập đoàn Nestle đã chi trả một số tiền không được tiết lộ để mua lại công ty Technocom tại Ukraine.
Trở về Việt Nam và tạo ra “con gà đẻ trứng vàng” trong ngành bất động sản
Năm 2000, sau những bước đầu thành công với công ty Technocom tại Ukraine, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trở về Việt Nam tập trung vào lĩnh vực du lịch và bất động sản. Với tầm nhìn và khả năng tài chính của công ty, ông đã cho ra đời hai dự án rất nổi tiếng lúc bấy giờ.
Năm 2004, thương hiệu bất động sản Vincom với dự án Vincom Center Bà Triệu, trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên tại Hà Nội.
Năm 2006, thương hiệu lĩnh vực du lịch Vinpearl khánh thành Vinpearl Land Nha Trang - thiên đường vui chơi giải trí nổi tiếng cả trong và ngoài nước tại tỉnh Khánh Hòa.
Quần thể Vinpearl Nha Trang nằm tại đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Sau khi Vincom Bà Triệu tạo được tiếng tăm vang dội ở khu vực Hà Nội thì đến năm 2010, chủ tịch Phạm Nhật Vượng tiếp tục cho ra đời dự án Vincom Center Đồng Khởi tại Thành phố Hồ Chí Minh giúp cho thương hiệu của công ty được khẳng định ở cả hai miền đất nước. Vào tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom tại Việt Nam đổi tên thành tập Tập đoàn Vingroup. Đến tháng 1/2012, sáp nhập Công ty cổ phần Vinpearl và Công ty cổ phần Vincom, nâng tổng số vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng.
Sau khoảng thời gian này đến năm 2013, thị trường bất động sản trở nên khó khăn và Vingroup cũng không ngoại lệ. Nhưng nhờ sự chèo lái của thuyền trưởng Phạm Nhật Vượng và đội ngũ nhân sự của tập đoàn, công ty đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ khả năng bán được dự án của công ty, đặc biệt là thương vụ bán tòa nhà Vincom Center A. Thông qua đó Vingroup đã huy động được 300 triệu USD từ nguồn trái phiếu và dòng tiền từ việc bán các sản phẩm nên có thể vượt qua khó khăn. Đồng thời ra mắt thương hiệu Vinhomes - “con gà đẻ trứng vàng” của công ty trong suốt một thập kỷ qua.
Vinhomes là một dòng thương hiệu bất động sản hạng sang, với những dự án đẳng cấp trải từ Bắc vào Nam. Nổi bật nhất là tòa nhà Landmark 81 được khánh thành vào ngày 27/7/2018, là tòa nhà cao nhất Việt Nam và 1 trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới. Ông Phạm Nhật Vượng đã chứng minh được tầm nhìn và tài năng lãnh đạo của mình khi Vinhomes trở thành công ty sở hữu quỹ đất lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt là mảng bất động sản hạng sang của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục khẳng định được thương hiệu và không ngừng tạo ra lợi nhuận duy trì nguồn vốn cho cả tập đoàn Vingroup. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Vinhomes là hơn 39.000 tỷ đồng, là công ty tạo ra lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán.
Hình ảnh ông Phạm Nhật Vượng và toàn cảnh dự án Vinhomes Central Park Tân Cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Phạm Nhật Vượng đã dẹp bỏ những mảng kinh doanh nào trước khi bắt đầu lĩnh vực ô tô
Trong một lần phỏng báo gần đây với báo VnExpress, ông Phạm Nhật Vượng đã nói rằng: “Tôi tư duy khá đơn giản: những dự án không làm được thì cũng phải sòng phẳng mà nhận thất bại rồi dừng. Những cái cần bán để thêm nguồn lực cho các dự án trọng điểm khác thì chấp nhận bán, cái nào đã không còn phù hợp sau một thời gian vận hành thì không nên cố. Việc dừng lại khó khăn và phải suy tính lâu hơn nhiều so với quyết định thành lập ban đầu vì khi đó đã có cán bộ nhân viên của mình tham gia, đã có khách hàng,... Phải tính làm sao cho vẹn toàn”. Chính vì lối tư duy đó mà ông đã từng chấp nhận dừng lại một số mảng kinh doanh lớn của công ty.
Chuyển giao VinMart, VinMart+, VinEco cho tập đoàn Masan vào cuối năm 2019 dù mảng bán lẻ đóng góp doanh thu thứ hai cho Vingroup khi ấy. Cũng vào trong thời gian này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy, công nghệ VinPro và sàn thương mại điện tử Adayroi.
Hai thương hiệu VinMart+ và VinEco đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Masan
Vào tháng 1/2020, Vingroup bất ngờ dừng dự án hãng hàng không Vinpearl Air với lý do việc đầu tư mạnh vào mảng này sẽ dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí xã hội. Khoảng hơn một năm sau, công ty tiếp tục thông báo dừng sản xuất điện thoại, tivi thương hiệu Vsmart khi cho rằng đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá không còn nhiều và rõ ràng không mang lại giá trị lớn hơn cho mọi người.
Vinpearl Air từng tổ chức tuyển sinh khóa học phi công mang tên “Chạm tới ước mơ bay cùng Vinpearl Air”
Cuối cùng là quyết định gây bất ngờ nhất với người dùng đó là Vinfast sẽ dừng sản xuất xe ô tô chạy xăng từ cuối năm 2022 nhằm tập trung cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất xe thuần điện.
Tầm nhìn chiến lược đối với ngành công nghiệp ô tô đặc biệt là xe điện
Ngày 14/6/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại thành phố Hải Phòng giúp Việt Nam ghi danh vào bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới. Chỉ trong 21 tháng đã hoàn thành nhà máy hiện đại hàng đầu thế giới. Đây cũng là sự kiện đánh dấu tầm nhìn và sự quyết tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham quan nhà máy Vinfast vừa được khánh thành ngày 14/6/2019. Nguồn: Báo 24h
Khi Vinfast vừa ra mắt, trên tất cả các phương tiện truyền thông xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau, chủ yếu là tiêu cực. Tuy vậy, Vinfast vẫn khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước. Thương hiệu liên tiếp nằm trong top 10 thương hiệu xe có doanh số bán cao nhất và từng dòng xe riêng đều đứng top đầu ở cùng phân khúc. Đặc biệt là dòng xe VinFast Fadil đã trở thành dòng xe bán chạy nhất trên thị trường với doanh số 24.128 chiếc. Ba dòng xe xăng của VinFast dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường thì đột ngột công ty có quyết định bất ngờ khi dừng mảng xe xăng và tập trung hoàn toàn vào xe điện.
Đối với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, mảng xe điện là mục tiêu chiến lược ngay từ đầu thành lập Vinfast. Khi nhận thấy đã đến thời điểm buộc phải tập trung hoàn toàn vào mảng xe điện, ông đã đưa ra quyết định rất nhanh chóng.
VinFast ra mắt xe điện VF e35 và VF e36 tại buổi triển lãm Los Angeles Auto Show 2021
Thương hiệu xe ô tô điện đầu tiên là dòng VF e34, sau 3 tháng mở bán đã nhận được khoảng 25.000 đơn đặt hàng. Và chính sách đặc biệt giúp thu hút khách hàng đó là cho thuê pin để giúp giảm chi phí sở hữu và vận hành xe, thay vì bán luôn pin như các hãng khác. Vào ngày 18/11/2021, một sự kiện lịch sử đối với ông Phạm Nhật Vượng, VinFast và đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đó là việc công ty đã cho ra mắt hai mẫu xe VF e35 và VF e36 tại buổi triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 nổi tiếng trên toàn cầu. Tại buổi triển lãm, hai mẫu xe của VinFast là thương hiệu được mong chờ nhất và được xem như là hiện tượng toàn cầu trong lĩnh vực ô tô. Và gần đây nhất, Vinfast đã cho ra mắt 5 mẫu xe điện của hãng tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES 2022). Các dòng xe thuộc 5 phân khúc khác nhau lần lượt là VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9. Các dòng xe không còn tiền tố “e” nhằm khẳng định hướng thuần điện nhất quán của hãng.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng là một người vừa có tầm nhìn, vừa có tài quản trị. Khởi nghiệp từ 10.000 USD vay mượn, ông đã nhìn thấy được các mô hình kinh doanh tiềm năng phát triển. Từ nhà hàng đến công ty Technocom đứng đầu thị phần mì ăn liền tại Ukraine. Sau đó trở về Việt Nam phát triển bằng lĩnh vực bất động sản và khu nghỉ dưỡng. Nhờ vào những bước đầu thành công đó đã tạo ra nền tảng cho chủ tịch tập đoàn Vingroup bước vào những lĩnh vực mới như dịch vụ, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ,.. Và sẵn sàng dẹp bỏ khi không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược của công ty, ví dụ như là sự kiện không sản xuất xe xăng nữa, chỉ tập trung vào xe điện. Ngoài tầm nhìn thì kỹ năng quản trị của ông Phạm Nhật Vượng đóng góp rất lớn vào thành công của tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái. Đó là lý do vì sao mà ông là mẫu doanh nhân mà mọi người hướng theo.
CAO CHÍ CANG - Vietnam Business Insider