Trước đó, nhà sáng lập startup Saado Phùng Lê Lâm Hải từng gây sốt với viết bài chia sẻ về kinh nghiệm để bán 25.000 đôi giày (bán sỉ số lượng lớn) trong vòng 6 tháng. Năm 2018, Phùng Lê Lâm Hải bắt đầu khởi nghiệp trong ngành sản xuất giày dép mang thương hiệu Saado. Điểm đáng chú là tất cả các khâu như: sản xuất, thiết kế, phân phối, marketing của Saado đều được làm tại Việt Nam nhưng đăng ký bản quyền thương hiệu tại Mỹ.
Giải thích lý do vì sao lấy bản quyền thương hiệu Mỹ, CEO Saado - Phùng Lê Lâm Hải từng chia sẻ trên truyền thông rằng: “Thực tế 90% sản phẩm giày dép theo ước tính ở Mỹ do Việt Nam sản xuất, gia công. Là thương hiệu được bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, có trụ sở tại bang Texas, nhưng Saado không chỉ bán ở Mỹ, mà còn tấn công các thị trường tiêu dùng hấp dẫn khác tại châu Á”.
Ngoài ra, việc đăng ký thương hiệu bảo hộ tại Mỹ còn tận dụng được ưu đãi thuế với các sản phẩm nội địa Mỹ, Phùng Lê Lâm Hải - CEO Saado cho biết thêm.
Sản phẩm chính của Saado là những mẫu sandal có thiết kế trẻ trung, thời trang với mức giá dao động trong khoảng 280.000 đến 400.000 đồng/đôi. Ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm của Saado cũng có mặt ở các thị trường châu Á khác như: Campuchia, Lào, Myanmar…
Vào năm 2020, Phùng Lê Lâm Hải từng thông báo công ty đã bán 150.000 sản phẩm và đạt mục tiêu mới cho Saado là bán 1 triệu đôi giày trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, mới đây CEO Saado - Phùng Lê Lâm Hải bất ngờ tuyên bố đã dừng cuộc chơi sau 4 năm hoạt động. Trong bài chia sẻ trên trang facebook cá nhân của Phùng Lê Lâm Hải, anh đã nêu ra các yếu tố quyết định dừng Saado. Theo Lâm Hải, anh không gặp gì về vấn đề bán hàng vì thương hiệu và mô hình kinh doanh đã được đúc kết và rất tinh gọn, nhưng quản thị thượng tầng không tốt và hiệu quả hoàn vốn giảm do tác động của dịch bệnh dẫn tới kết quả này.
Đồng thời, CEO Saado cũng nhấn mạnh “vì chỉ có 20% vốn góp để quyết định, dẫn tới rất khó gọi vốn vì các nhà đầu tư không thể đầu tư vào công ty”.

Cụ thể nguyên văn bài chia sẻ của anh như sau:
“Mình chỉ có 20% vốn góp để quyết định dẫn tới rất khó gọi vốn vì các nhà đầu tư không thể đầu tư vào công ty cho linh hồn có số % biểu quyết thấp như vậy. Không có bào chữa nào cho vấn đề này ngoài sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật & quản trị công ty (governance) vào năm 2017, 2018 khi mình bắt đầu tìm người cùng sáng lập. Một lí do cá nhân nữa là vốn mình không đủ để vừa xây nhà vừa phải mở công ty nữa.
Người đồng sáng lập muốn rút vốn vì khó khăn do Covid và cả hai bên không đi đến thống nhất được nên đành dừng lại vì khác nhau nhiều thứ về quan điểm kinh doanh, quản lí điều hành và sự quan tâm thật sự như những người làm ‘cha mẹ’ cho đứa con này.
Vì cái đầu tiên mà mình rất khó tìm tài năng đồng hành cùng mình vì họ đi làm đâu chỉ vì… lương, bản thân mình cũng không đủ động lực cho đứa con mà bản thân mình chỉ có 20% quyền biểu quyết cho cả trường hợp thành hay không thành của dự án sau này. Kể cả có khi sứ mệnh hoàn thành thì việc bị mất quyền điều hành tại công ty sẽ luôn là một rủi ro cho bản thân mình trong tương lai vốn đang diễn ra ở thì hiện tại.
Mình không gặp gì về vấn đề bán hàng vì thương hiệu và mô hình kinh doanh đã được đúc kết và rất tinh gọn. Nhưng quản thị thượng tầng không tốt và hiệu quả hoàn vốn giảm do tác động của dịch bệnh dẫn tới kết quả này.
Mình gặp được nhiều nhà đầu tư cá nhân vì quí khả năng của mình nhưng họ muốn đầu tư và cấp vốn cho một deal hoàn toàn mới thay vì phải đầu tư vào một deal khá khó như mình hiện tại.
Như các công ty khác, 5 thị trường của mình có giai đoạn bị đồng loạt lock down, hàng tồn kho còn nhưng không đủ khả năng để vực dậy công ty. (Cashflow stuck)
Các yếu tố về vĩ mô, vi mô và tính hấp dẫn ngành giảm xuống nhiều so với các hạng mục kinh doanh khác ít nhất cho tới 2025 so với mong muốn tầm nhìn tăng trưởng/kì vọng cá nhân (Giá thành nguyên vật liệu tăng, khó cạnh tranh với Trung Quốc nội ngành trong dài hạn về công nghệ và nguồn nguyên vật liệu, chi phí xăng dầu/logistic tăng, lạm phát, môi trường kinh doanh thiếu ổn định và chưa biết thị trường khi nào là… đáy, dung lượng thị trường không đủ lớn so với kì vọng và khả năng cạnh tranh quốc tế…).
Các yếu tố trên khiến mình ra quyết định dừng lại cuộc chơi này thay vì cố gắng cố chấp hay giữ thể diện cá nhân vì sai lầm không nên có này khiến ‘Financial Status’ sẽ càng trầm trọng hơn”.

Ngoài ra, Phùng Lê Lâm Hải khẳng định “mình vẫn chịu trách nhiệm chính cho tới khi có phán quyết về các nghĩa vụ liên quan như trách nhiệm dưới góc độ luật pháp”. Đồng thời, nhà sáng lập startup Saado cũng cho biết thêm "mình đóng cánh cửa này với tinh thần trách nhiệm cao nhất và sẽ tìm và bắt đầu với một hành trình ‘tiếp nối sứ mệnh’ xây dựng thương hiệu quốc tế tiếp theo tại một brand nào đó”.