Làm công nhân, vợ chồng tôi xác định đầu tư bất động sản để thoát kiếp ở thuê, cho con đỡ khổ.

Đọc một số bài viết về đầu tư bất động sản bằng vốn vay ngân hàng đang gặp khó khăn gần đây, tôi có một số ý kiến và quan điểm cá nhân như sau:

Việc kinh doanh và đầu tư bất động sản nói riêng và các nghành nghề khác nói chung đều là con dao hai lưỡi, có thành công xen lẫn thất bại. Ở bài viết này, tôi chỉ nêu quan điểm về thất bại khi vay mượn ngân hàng để đầu tư bất động sản. Theo tôi nguyên nhân dẫn đến thất bại khi vay tiền bất động sản là do hai yếu tố chính.

Thứ nhất là yếu tố khách quan: các chính sách về đất đai và tiền tệ của nhà nước, quy hoạch, thị trường...

Thứ hai là yếu tố chủ quan: người đầu tư không am hiểu về thị trường bất động sản và tiền tệ, tâm lý a dua theo đám đông (cò đất), tham (không biết cắt lời đúng thời điểm), vay ngân hàng nhiều quá khả năng trả nợ...

Tôi cũng là một người đầu tư bất động sản, nhưng ở quy mô nhỏ. Công việc chính của vợ chồng tôi là công nhân công ty trong khu công nghiệp ở Bình Dương. Thu nhập của chúng tôi không có gì quá nổi trội, chỉ đủ chi tiêu gia đình và tích lũy được ít tiền. Bố mẹ hai bên ở quê cũng nghèo khó nên hầu như không giúp được gì cho con cái về mặt tài chính

Năm 2008, chúng tôi lấy nhau. Một năm sau, vợ chồng tôi sinh con đầu lòng và thuê nhà trọ. Tháng 9/2010, chúng tôi dốc hết vốn liếng, bán cả vàng cưới để mua mảnh vườn ở Quảng Ngãi (quê vợ), diện tích 7.300 m2 với giá 220 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi nhờ bố mẹ vợ trông nom đất đai và trồng cây gỗ quý (sưa đỏ, gõ đỏ).

Trong khi đó, hai vợ chồng tôi vẫn đi làm và nuôi con ở Bình Dương. Đến năm 2014, chủ nhà trọ nơi tôi thuê (Dĩ An, Bình Dương) muốn bán mảnh đất 118 m2 (chưa thổ cư) với giá 550 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi thấy giá bán hợp lý nên hỏi và mua. Song song đó, chúng tôi bán mảnh vườn ở Quảng Ngãi (vì trước đó có người bà con đi lao động ở Hàn Quốc gửi tiền về muốn mua đất ở quê) được giá 750 triệu đồng (bao gồm cả cây gỗ quý bốn năm tuổi).

Mua đất xong, chúng tôi lên thổ cư hết 36 triệu đồng. Hai vợ chồng cất căn nhà cấp bốn là vừa hết tiền bán đất, nhưng coi như thoát khỏi kiếp ở trọ. Cùng năm 2014, vợ chồng đón bé thứ hai, và tiếp tục làm công nhân nuôi con.

Năm 2018, bố mẹ tôi ở quê cũng đã có tuổi nên họp gia đình và chia tài sản cho ba anh em (tôi là anh cả, phía dưới còn hai em gái). Vì bố tôi là con thứ nên không nặng vấn đề hương hỏa cho các cụ. Anh em tôi bàn tính, để lại nhà và đất cho vợ chồng em gái kế tôi với giá 2 tỷ đồng và chia làm bốn phần mỗi phần 500 triệu đồng (bố mẹ và các con mỗi người một phần). Tôi đón bố mẹ vào Bình Dương ở với vợ chồng mình.

Tháng 3/2019, vợ chồng tôi mua mảnh đất ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 2.500 m2 với giá 970 triệu đồng (500 triệu đồng của tôi và thêm 500 triệu đồng của bố mẹ tôi), làm sổ đỏ đứng tên bố mẹ. Tháng 7/2019, vợ chồng tôi mua thêm 5.000 m2 đất vườn ở huyện Krông Bông, Đắk Lắk (kế nhà em rể út của tôi) với giá 150 triệu đồng.

Đến nay, tôi không có ý định bán số bất động sản trên, nhưng nếu bán lúc thị trường bất động sản còn sôi động thì giá trị sẽ tạm tính như sau: nhà tôi đang ở Dĩ An, Bình Dương giá khoảng 40 triệu đồng/m2 x 118 m2 = 5 tỷ đồng; đất ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu giá khoảng 150 triệu đồng/mét ngang x 30 m = 4,5 tỷ đồng (của tôi là 2,2 tỷ đồng) và đang nhờ cậu ruột tôi ở gần đó trông nom và chăm sóc dàn cây gỗ quý (sưa đỏ), lợi nhuận sau này chia 50%; đất vườn ở huyện Krông Bông giá khoảng 2 tỷ đồng (và người nhà em rể đang chăm nom cây gỗ quý: sưa đỏ, lợi nhuận sau này chia 50%).

Vì là đầu tư lâu dài, không có ý định bán, nên tôi không quan tâm đến thị trường bất động sản, không vay mượn ngân hàng nên tôi không bị áp lực trả nợ. Sau này về hưu, hai vợ chồng tôi dự tính sẽ về Bà Rịa - Vũng Tàu ở, nhà ở Bình Dương cho con trai, đất ở Đắk Lắk cho con gái (sẽ bán và mua ở TP HCM hoặc Dĩ An). Đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu sau này chúng tôi qua đời cũng để lại cho hai con.

Hai vợ chồng tôi xuất thân không có gì nổi trội, nên không muốn con tôi khi ra đời cũng vất vả như bố mẹ. Tôi luôn cố gắng dạy dỗ con nên người, không hư hỏng, phá phách. Vì thế, tài sản chúng tôi để lại chính là điểm tựa, điểm xuất phát cho hai con tôi vào đời tự tin hơn.

(Tác giả: Bách)