Những ngày vừa qua, Tập đoàn Ajinomoto đã làm dậy sóng dư luận quốc tế vì giá cổ phiếu của công ty đã lập đỉnh lịch sử kể từ khi bắt đầu hoạt động. Cụ thể, vào ngày 29/11, giá cổ phiếu Ajinomoto đã đạt mức cao nhất trong ngày khi ghi nhận 4.357 yên/cổ phiếu, chính thức đánh bại kỷ lục trước đó từng được ghi nhận vào tháng 3/1987 là 4.350 yên/cổ phiếu. Nhưng không dừng lại ở con số này, chỉ ba ngày sau, giá cổ phiếu tiếp tục tăng thêm 0,27% và đóng cửa ở mức cao nhất hàng trăm năm qua của tập đoàn: 4.513 yên/cổ phiếu. Theo đó, Ajinomoto là một trong những “ngôi sao sáng” hiếm hoi của thị trường chứng khoán Nhật Bản, khi giá cổ phiếu tăng 24% tính từ cuối năm ngoái. Mức giá này đã trái ngược hoàn toàn với tình hình ảm đạm chung của thị trường, khi chỉ số Nikkei Stock Average đã giảm 3% trong cùng thời kỳ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng khủng này là do các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào ngành sản xuất vật liệu bán dẫn của tập đoàn. Đây là một lĩnh vực khác biệt hoàn toàn với nền tảng công nghiệp thực phẩm đã tồn tại hàng trăm năm thương hiệu Nhật Bản này.
Câu chuyện lịch sử về người sáng lập và sự ra đời của “Umami”
Hai người có vai trò lớn nhất trong việc sáng lập ra Tập đoàn Ajinomoto là Tiến sĩ Kikunae Ikeda và ông Saburosuke Suzuki II. Năm 1866, cha ông Saburosuke II thành lập một cửa hàng bán rượu và ngũ cốc tên là Takiya. Sau 12 năm làm ăn tốt đẹp thì người cha đột ngột qua đời, để lại công việc kinh doanh cho mẹ ông là bà Naka phụ trách. Đến khi đủ tuổi trưởng thành và lấy vợ, ông Saburosuke II đã đẩy gia đình mình vào hoàn cảnh khó khăn vì gặp thất bại với công việc kinh doanh lúa gạo. Thời điểm đó, cả nhà phải dành ra hai căn phòng phía sau nhà cho khách du lịch thuê chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trong nguy có cơ. Một trong những vị khách hàng của họ là kỹ sư từ công ty dược phẩm, đã đưa ra gợi ý về việc sản xuất muối i-ốt từ rong biển và cả gia đình đã nỗ lực để tạo ra sản phẩm vào năm 1888. Đến năm 1993, ông Saburosuke II quyết định thành lập công ty Pharmaceutical Suzuki Co, để xuất khẩu muối i-ốt và muối diêm (kali nitrat) - nguyên liệu thô tạo ra thuốc súng. Công việc kinh doanh của công ty phát triển như diều gặp gió trong suốt giai đoạn chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất (1894 - 95) và Nga - Nhật (1904 - 1905). Khi kết thúc chiến tranh cũng là thời điểm công ty bị sáp nhập với hai đối thủ cạnh tranh, vì nhu cầu giảm trầm trọng. Thêm một lần thất bại cũng là thêm một cơ hội đến với ông Saburosuke Suzuki II, khi ông gặp được Tiến sĩ Kikunae Ikeda. Vào thời điểm đó, vị chuyên gia này cũng đang tìm kiếm đối tác để bắt đầu sản xuất sản phẩm do ông vừa nghiên cứu được - chính là bột ngọt.
Chân dung Tiến sĩ Kikunae Ikeda (trái) và người sáng lập Tập đoàn Ajinomoto Saburosuke Suzuki II (phải) (Nguồn ảnh: ajinomoto.com)
Tiến sĩ Kikunae Ikeda (1864 - 1936) - một nhà hóa học người Nhật Bản, là người đã tạo ra bột ngọt Ajinomoto từ bữa cơm vợ nấu. Năm 1907, khi đang thưởng thức món đậu hũ nấu với nước dùng làm từ tảo bẹ kombu, ông chợt cảm nhận được có một vị rất đặc biệt khác hẳn với những 4 vị cơ bản từ trước đến giờ là ngọt, mặn, chua và đắng. Ngoài ra, vị này ông từng cảm nhận được khi còn ở Đức ăn các thực phẩm như pho mát, măng tây và cà chua. Từ niềm tin mãnh liệt và sự tò mò đã thôi thúc vị tiến sĩ này nghiên cứu, để tìm ra vị cơ bản thứ năm mà do chính ông nhận ra. Sau một năm tìm tòi, ông đã phát hiện ra bí ẩn phía sau vị đặc trưng này chính là glutamate - một loại axit amin có phổ biến trong trong cơ thể người, và dễ dàng tìm thấy trong các loại thực phẩm từ thịt, cá, rau, sữa,...Ông bắt đầu đặt tên cho vị cơ bản thứ năm này là “umami” (nghĩa là “vị ngon” trong tiếng Nhật), và tên gọi này cũng được sử dụng trong tất cả ngôn ngữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam thường được biết đến là vị ngọt thịt. Sau khi phát hiện ra umami, tiến sĩ Kikunae Ikeda đã quyết định tiếp tục nghiên cứu cách thức sản xuất ra loại gia vị này, nhằm mục đích cải thiện bữa ăn cho người Nhật với mức giá hợp lý. Nhờ vào tinh thần quyết tâm, ông đã tìm ra được cách sản xuất umami đại trà với thành phần là mononatri glutamate (MSG), được gọi là bột ngọt hay mì chính tại nước ta. Ngày 25-7-1908, ông nhận được bằng sáng chế để sản xuất bột ngọt, và sau đó gặp được ông Saburosuke Suzuki II để thương mại hóa loại gia vị này. Ngày 20-5-1909, bột ngọt thương hiệu AJI-NO-MOTO chính thức ra mắt trên thị trường và Tập đoàn Ajinomoto được thành lập, bắt đầu hành trình trở thành “ông lớn” trong ngành công nghiệp thực phẩm thế giới.
Thời gian đầu, tình hình kinh doanh của công ty luôn ảm đạm mặc dù ông Saburosuke đã tìm mọi cách quảng bá sản phẩm bột ngọt của mình. Từ việc làm bảng hiệu có đèn điện (tương đối hiếm vào thời điểm đó) đến việc tìm kiếm các đối tác bán hàng, thiết lập các nhà phân phối trên khắp cả nước nhưng vẫn không thể bán được nhiều. Nguyên nhân chính vì giá sản phẩm quá cao, ví dụ một ly mì soba được bán với giá chỉ 3 sen, thì một hũ nhỏ chỉ có 14 gram bột ngọt lại được bán với giá 40 sen, đắt gấp 13 lần. Ngoài ra, Ajinomoto còn tìm kiếm thêm đại lý tại thị trường Đài Loan và Hàn Quốc chỉ sau 1 năm thành lập. Đến năm 1914, ông Saburosuke II quyết định xây dựng nhà máy Kawasaki, tìm kiếm thêm đối tác ở Trung Quốc và có văn phòng tại New York vào năm 1917. Tuy nhiên, nhà máy này đã từng bị đình chỉ hoạt động vì những khoản đầu tư thất bại của chính người sáng lập trên thị trường chứng khoán. Sau đó, tập đoàn liên tiếp gặp khó khăn vì tin đồn “Ajinomoto Raw Material Snake Theory”, trụ sở và nhà máy Kawasaki bị phá hủy trận động đất Kanto. Mặc dù gặp một số thách thức, nhưng lợi nhuận của công ty vẫn tăng trưởng từ 4 triệu yên vào năm 1926, lên 5,4 triệu yên vào năm 1931. Trong giai đoạn này, nhà sáng lập Saburosuke Suzuki II đã được Viện Sáng chế và Đổi mới Hoàng gia tuyên dương, và bột ngọt AJI-NO-MOTO trở thành một trong “ba sự đổi mới vĩ đại nhất” của Nhật Bản.
Lọ bột ngọt thương hiệu AJI-NO-MOTO đầu tiên ra đời vào năm 1909 của Tập đoàn Ajinomoto (Nguồn ảnh: ajinomoto.com)
Tập đoàn Ajinomoto đang kinh doanh ra sao?
Kể từ khi thành lập, thương hiệu bột ngọt đầu tiên trên thế giới Ajinomoto đã phát triển mạnh mẽ, và các sản phẩm của tập đoàn đã được phân phối tại 135 quốc gia trên thế giới. Vì thế, doanh thu của cả tập đoàn luôn đạt ở con số hàng nghìn tỷ yên trong suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của tập đoàn Ajinomoto biến động liên tục khi doanh thu gần như đi ngang, nhưng lợi nhuận có lúc giảm hơn 50% so với cùng kỳ, có lúc lại thiết đập đỉnh lịch sử. Theo kết quả kinh doanh năm 2017, tập đoàn Ajinomoto đạt doanh thu 1.114 tỷ yên, tăng nhẹ 2% so với năm trước, và lợi nhuận ròng cũng tăng gần 5% lên 68,2 tỷ yên. Đến năm 2018, doanh thu của tập đoàn bằng với con số của năm trước, không có sự tăng trưởng. Nhưng vì khoản chi phí hoạt động khác tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ, dẫn đến lãi ròng chỉ còn lại 39 tỷ yên, giảm đến 43% so với năm 2017. Năm 2019, nguồn thu đến từ hoạt động cung cấp bán hàng và dịch vụ giảm đi 14 tỷ yên, chỉ còn lại 1.100 tỷ. Trong cơ cấu doanh thu của cả tập đoàn có 4 lĩnh vực kinh doanh chính được ghi nhận, bao gồm: thực phẩm quốc tế chiếm 43% doanh thu với kết quả lợi nhuận cao nhất 48,8 tỷ yên, thứ hai là mảng thực phẩm Nhật Bản đem về 34% trong cơ cấu tổng doanh thu cùng lợi nhuận 32,8 tỷ yên. Còn lại lần lượt theo thứ tự doanh thu và lợi nhuận là: lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sản phẩm hỗ trợ và sản phẩm khác. Về chỉ tiêu lợi nhuận, khoản chi phí khác lại tiếp tục tăng khiến cho lãi ròng của tập đoàn thực phẩm Nhật Bản này giảm năm thứ hai liên tiếp, chỉ ghi nhận được gần 29 tỷ yên.
Tập đoàn Ajinomoto đạt lợi nhuận kỷ lục vào năm 2021 (Nguồn ảnh: báo cáo tài chính 2021 của tập đoàn)
Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế, nhưng vì lĩnh vực chính là công nghiệp thực phẩm nên tập đoàn Ajinomoto không chịu tác động nhiều. Doanh thu năm này tiếp tục giảm 3% chỉ còn lại 1.071 tỷ yên, nhưng trái ngược với sự suy giảm này thì chỉ số lợi nhuận đã khiến mọi người bất ngờ. Thời điểm này, tập đoàn của nhà sáng lập Saburosuke II đã tiết kiệm được hàng chục tỷ yên chi phí bán hàng, và nguồn thu từ các hoạt động khác tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Đồng thời, khoản chi phí khác đã bắt đầu giảm gần 40% sau hai năm tăng mạnh liên tiếp, chi phí tài chính cũng giảm đi 50% đã giúp cho công ty ghi nhận mức lãi ròng 66,2 tỷ yên. Sang năm Covid-19 thứ hai, doanh thu đã tăng trưởng trở lại sau đợt suy giảm kéo dài suốt nhiều năm qua, ghi nhận 1.149 tỷ yên, tăng trưởng 7% so với năm trước. Nhờ vào các khoản tiết giảm chi phí, lợi nhuận ròng của tập đoàn đã đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay ở mức 80,2 tỷ yên. Lúc này cơ cấu doanh thu cũng đã thay đổi so với trước dịch, chỉ còn lại 3 mảng chính: gia vị và thực phẩm, thực phẩm đông lạnh, chăm sóc sức khỏe và các mảng khác. Trong đó, gia vị và thực phẩm chiếm 57% doanh thu với 81,2 tỷ yên lợi nhuận, mảng chăm sóc sức khỏe đóng góp 21,8% và đem về 43,3 tỷ yên. Chỉ có duy nhất hai mảng này đem về lợi nhuận cho Ajinomoto, còn lại mảng thực phẩm đông lạnh cũng ghi nhận hơn 19,2% nhưng lại lỗ 0,6 tỷ yên và các mảng khác lỗ 3 tỷ yên. Trong giai đoạn từ 2017 - 2021, tổng tài sản của tập đoàn Ajinomoto không thay đổi nhiều, khi ghi nhận 1.426 tỷ yên vào năm 2017 với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0.97. Đến năm 2021, tổng tài sản chỉ tăng vài chục tỷ ở mức 1.457 tỷ yên và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu không thay đổi.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2022, tập đoàn Ajinomoto tiếp tục tăng trưởng doanh thu trong hai quý đầu tiên đạt 659 tỷ yên, tăng trương 19% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận ròng sụt giảm hơn 7 tỷ chỉ còn lại 49,8 tỷ yên. Đáng chú ý nhất là giá cổ phiếu của công ty đã lập kỷ lục gần đây, tăng hơn 7 lần kể từ khi giá cổ phiếu chạm đáy vào năm 2009 ở mức 625 yên/cổ phiếu vì ghi nhận lỗ ròng vào năm 2008. Trong khoảng thời gian một năm qua, tập đoàn thực phẩm Nhật Bản này đã gây sốt giới truyền thông quốc tế, khi CEO của Ajinomoto tuyên bố về việc sẽ tăng cường đầu tư và sản xuất vật liệu cách nhiệt Ajinomoto Build-up Film (ABF). Theo chia sẻ từ tập đoàn, ABF là một thành phần quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử, được tạo ra từ công nghệ axit amin thế mạnh của doanh nghiệp này. Vật liệu ABF được sử dụng trong hàng loạt thiết bị điện tử như: máy tính, thiết bị di động, xe tự lái, dịch vụ đám mây, thiết bị IoT, truyền thông 5G,...Vì thế nó đã tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn dịch bệnh, do tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng trên toàn cầu trong thời gian qua. Doanh thu từ lĩnh vực vật liệu kỹ thuật bao gồm ABF của tập đoàn đã đạt 37,2 tỷ yên, tăng trưởng 30% và được dự đoán thị trường ABF sẽ tăng lên 6,5 tỷ USD vào năm 2028. Mặc dù tập đoàn đã bước chân vào lĩnh vực quan trọng hàng đầu thế giới là sản xuất vật liệu bán dẫn, nhưng tại thị trường Việt Nam thì Ajinomoto vẫn chỉ tập trung vào lĩnh vực thế mạnh công nghiệp thực phẩm của mình.
Vật liệu ABF được sản xuất từ công nghệ axit amin của Tập đoàn Ajinomoto (Nguồn ảnh: ajinomoto.com)
Công ty thành viên của tập đoàn Ajinomoto tại Việt Nam được thành lập vào năm 1991 với 100% vốn là từ công ty mẹ. Kể từ thời điểm đó đến nay, các sản phẩm bột ngọt, gia vị của thương hiệu Ajinomoto đã trở nên quá quen thuộc với tất cả mọi người. Vì thế công ty luôn nằm trong top dẫn đầu thị trường sản phẩm bột ngọt tại nước ta. Theo một số kết quả kinh doanh từng được tiết lộ, giai đoạn 2017 - 2018, doanh thu của Ajinomoto Việt Nam luôn đạt trên 8.000 tỷ và lợi nhuận ròng đều hơn nghìn tỷ, cao nhất là năm 2017 khi ghi nhận 1.130 tỷ đồng. Sau hai năm dẫn đầu thị trường, thì đến năm 2019, Ajinomoto đứng thứ hai về doanh thu khi thua Vedan 100 tỷ đồng, chỉ ghi nhận 7.600 tỷ đồng. Nhưng vì biên lợi nhuận gộp của “ông lớn” Nhật Bản luôn nằm trong khoảng 35% - 39,6%, nên đã bỏ xa Vedan đứng thứ hai với lãi ròng chỉ hơn 600 tỷ, trong khi Ajinomoto hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong báo cáo gần nhất của tập đoàn, thì doanh số mảng gia vị và thực phẩm tại thị trường Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất so với các quốc gia khác như: Thái Lan, Indonesia, Philippines và Brazil. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tại nước ta đạt 22% trong báo cáo bán niên 2022, bỏ xa thị trường đứng thứ hai là Brazil chỉ ghi nhận 9% -12%. Và Việt Nam chính là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của tập đoàn Ajinomoto.
Liệu rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sẽ có thể xảy ra trong năm 2023, tập đoàn trăm năm tuổi như Ajinomoto sẽ thực hiện những chiến lược nào để vượt qua khó khăn này?