6 tiếng, đấy là khoảng thời gian Facebook, Instagram đột ngột “chết” trong cái đêm 4-10 vừa qua. "Nhóm kỹ sư của chúng tôi xác định rằng việc thay đổi cấu hình trên hệ thống định tuyến xương sống - được dùng để điều phối thông tin giữa các trung tâm dữ liệu đã gây ra tình trạng này " – Facebook sau đó thông báo. 

Và họ còn thông báo sự cố ngừng hoạt động tồi tệ nhất kể từ năm 2019 này đã khiến cổ phiếu của mình tụt 4,9%, khiến tài sản cá nhân của Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook mất hơn 6 tỷ USD. Rồi khiến ông ta tụt luôn 1 bậc, xuống vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg. Mới có 6 tiếng mà mất tới 6 tỷ USD, không biết nếu là 16 tiếng, 60 tiếng thì tổn thất còn khủng khiếp cỡ nào. Nhưng thôi, đấy là chuyện của ông ấy và cái mạng xã hội ấy. Điều đáng nói là cái mạng xã hội ấy lại liên quan đến tôi, đến bạn, cho nên hãy thử nghĩ lại xem trong 6 tiếng cái mạng xã hội ấy “tạm chết”, điều gì đã xảy ra với chính mình? 

photo1633370598589-16333705987681040167869-1633927958.jpeg

Thì đấy, bạn sẽ không thể post lên đó một bức ảnh, viết lên đó một status, ấn trên đó một nút like. Bạn ngứa ngáy lắm phải không, bởi vì từ rất lâu rồi cái nhu cầu tường thuật cuộc đời mình trên Faecbook đã là một nhu cầu thiết thân với bạn? 

Thì đấy, bạn sẽ không thể bán hàng online, quảng cáo online, thậm chí là buôn chuyện online (chỉ tính riêng trong khuôn khổ của mạng xã hội này)…, và tất cả những điều ấy sẽ khiến bạn mất thu nhập, mất không gian mua bán, mất không gian bày tỏ những nhu cầu tinh thần nào đó với cả những người quen lẫn những người chưa quen. Bạn sẽ hỏi người bên cạnh: liệu Facebook chỉ chết tạm thời hay chết thật? 

“Nếu Faecbook, Instagram không hồi sinh, Gen Z sẽ làm gì?” – đấy là tựa đề một bài báo được đăng tải ngay sau khi sự cố Facebook xảy ra. Nhiều người đã biết, nhưng có lẽ nhiều người chưa biết: “Gen Z” tức là những người sinh từ nửa cuối hững năm 1990 đến nửa đầu những năm 2000. Tức là những người lớn lên với công nghệ, ăn công nghệ, ngủ công nghệ, sống từng ngày, từng giờ với công nghệ. Một người Gen Z trả lời trong bài báo đó: “Cảm giác đùng cái bị ngắt kết nối với thế giới thật đáng sợ”. Nhưng một bộ phận Gen Z khác lại bảo: Không Facebook, không Instagram thì vẫn còn Twitter, vẫn còn Tiktok, sợ gì! Tóm lại, với nhóm người này, mạng xã hội này chết thì lại tìm hơi thở cuộc sống trên mạng xã hội khác, cuộc đời đơn giản vậy thôi. Nhưng giả sử, chỉ là giả sử thôi nhé, trong một ngày kỳ lạ nào đó, không riêng gì Faecbook, mà toàn bộ các mạng xã hội đồng loạt ngắt kết nối thì sao? Thế giới lúc ấy chắc buồn lắm? Cuộc đời lúc ấy chắc cô quạnh lắm? Và ý nghĩa cuộc sống lúc ấy chắc mù mờ lắm? 

Đã có rất nhiều phân tích về chức năng của mạng xã hội và mối tương tác giữa “đời sống mạng” với “đời sống thật”, khiến cho một bộ phận người nào đó thậm chí đã bị nhập nhèm, lẫn lộn đến mức đôi khi không còn phân biệt nổi đâu là thật, đâu là mạng. Nhưng suy cho cùng, mạng xã hội đã làm được một điều vô cùng quan trọng, đánh trúng vào cái nhu cầu sâu thẳm bên trong giống loài này: nhu cầu kể chuyện. 

Nhà cổ sử Harari trong hàng loạt những tác phẩm viết về văn minh nhân loại luôn đặc biệt nhấn mạnh tới “nhu cầu kể chuyện” của Homo Sapiens – loài người tinh khôn. Theo ông, dấu mốc quan trọng xuất hiện vào khoảng 70 000 năm trước, thời điểm ngôn ngữ ra đời. Nhờ ngôn ngữ, giống loài này có thể kể những câu chuyện của mình, của cộng đồng mình, của bộ lạc mình cho nhau nghe. Dĩ nhiên con cáo cũng có ngôn ngữ của con cáo. Con sư tử có ngôn ngữ của con sư tử. Nhưng chỉ ngôn ngữ của Homo Sapiens mới làm được cái điều tối quan trọng: Mô tả những thứ mình nhìn thấy, sờ thấy lẫn những thứ mình không nhìn thấy, không sờ thấy. Nào ai biết mặt mũi đích thực của các vị thần sông, thần núi, thần mặt trời…nhưng nhờ những câu chuyện tưởng tượng được kể lại, và được dần dần hoàn thiện theo thời gian mà một cộng đồng, một bộ lạc luôn sẵn sàng tin vào những thần sông, thần núi, thần mặt trời. Có chung một tưởng tưởng, chung một niềm tin, chung một huyền thoại được kể lại – theo Harari, đấy là yếu tố sống còn để con người có thể kết nối lại với nhau, để rồi từ những cộng đồng, bộ lạc mà nhà nước, quốc gia hình thành. Harari tin rằng nếu không có cái năng lực kể chuyện ấy, loài người đã không thể xây dựng thế giới như ngày hôm nay. 

Khi năng lực kể chuyện không ngừng được phát triển thì đến một lúc nào đó, những nhà tư tưởng tất yếu hiện sinh. Những nhà tư tưởng kể những câu chuyện lớn, dệt nên những đại tự sự, và thuyết phục phần còn lại tin vào những câu chuyện của mình. Đấy chính là lý do vì sao Giáo hội phát huy vai trò dẫn dắt tối ưu trong xã hội trung cổ châu Âu. Nhưng khi xã hội trung cổ chuyển sang tiền hiện đại rồi hiện đại, khi báo chí, nghề in ra đời thì quyền được kể chuyện không còn là quyền riêng của các nhà tư tưởng hoặc các thế lực chính trị nữa. Thông qua hoạt động truyền thông, báo chí, mỗi một toà soạn, một người viết luôn có thể thực thi cái quyền kể một hoặc một tập hợp những câu chuyện nào đó. Tuy nhiên báo chí có nguyên tắc và luật lệ của báo chí, cho nên không phải bất cứ câu chuyện nào cũng có thể đương nhiên hiện hữu trên mặt báo, trên ti vi, hoặc trên đài phát thanh. Điều này đúng tất yếu ngay cả khi đã xuất hiện Internet. Nhưng điều này bị phá huỷ khi mạng xã hội xuất hiện trên Internet.

Mạng xã hội giúp bất cứ ai cũng có quyền kể câu chuyện của mình, ngay cả khi đấy là những câu chuyện tầm phơ tầm phào nhất. Mạng xã hội khiến bất cứ ai cũng có quyền thể hiện góc nhìn xã hội của mình, ngay cả khi đấy là những góc nhìn phiến diện, cực đoan, phi chính thống. Về nguyên tắc, bất luận những gì đi ngược thước đo tử tế đều sẽ bị bản thân nhà mạng hoặc luật lệ các quốc gia chế tài, nhưng sự chế tài này thường đi sau, thậm chí là rất sau so với lúc mà những câu chuyện được kể có thể gây tác hại. Một bác sĩ Khoa nào đó sẵn sàng rút ống thở của mẹ để nhường cho cho một sản phụ, đấy là một câu chuyện được kể trên mạng xã hội, đã nhận được không biết bao nhiêu lượt like, lượt share (chia sẻ), và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người dùng mạng. Nhưng sau này tất cả mới vỡ lẽ: đấy là một câu chuyện không có thật. Sau một thời gian dài tham gia mạng, sống với cái “chợ” mạng, chứng kiến mọi sự thị phi hỗn hoang trên mạng, một nhà toán học nổi tiếng đã tuyên bố từ bây giờ không dùng mạng nữa

Biết rõ những vấn đề đó, nhưng phần đông chúng ta vẫn sẵn sàng nghe những câu chuyện được kể, và sẵn sàng kể những câu chuyện cho người khác nghe trên không gian mạng. Có công cụ để kể và có công cụ để nghe, kể thoải mái và nghe thoải mái, đấy là điều chưa từng có trong đời sống nhân loại trước đó. Nào vậy thì hãy tưởng tượng xem, nếu một ngày nào đó, không phải là 6 tiếng, mà là mãi mãi – phải rồi, những mạng xã hội sẽ bị ngắt kết nối mãi mãi thì sao? 

Thì phải chăng chúng ta hoặc sẽ phải quay lại với những mô thức kể chuyện trước đây, hoặc sẽ phải đi tìm cách xây dựng những mô thức kể chuyện mới? 6 tiếng Faecbook ngắt kết nối trong cái ngày 4-10 vừa qua khiến tôi băn khoăn nghĩ đến điều này. Và ý nghĩ đẩy tôi đi xa hơn: đúng là chúng ta đang sùng bái và gắn chặt với mô thức kể chuyện trên mạng xã hội, nhưng chắc gì nó đã là mô thức cuối cùng và tối ưu?

Trong lúc chúng ta chưa thể tìm ra mô thức tối ưu thì 6 tiếng “tạm ngắt” đó ít nhất cũng nhắc nhở chúng ta: nếu chỉ vì 6 tiếng ấy mà mọi kết nối với phần còn lại của thế giới sụp đổ - như thú nhận của một Gen Z, thì có phải chúng ta đã nghèo nàn và tội nghiệp hơn nhiều so với chính tổ tiên của mình trước đây? 

6 tỷ USD, 60 tỷ USD, 600 tỷ USD, đấy là những thứ mà ông Mark Zuckerberg có thể mất nếu Facebook tạm chết 6 tiếng, 60 tiếng hay 600 tiếng. Nhu cầu kể chuyện và nhu cầu nghe chuyện, đấy là những thứ mà chúng ta có thể mất nếu Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung rủ nhau tắt thở. Nhưng nếu vì thế mà chúng ta bị ngắt kết nối với thế giới thì cái mất của chúng ta lớn hơn cái mất của ông Mark rất nhiều. 

Mà cũng chẳng phải đợi tới 6 tiếng hay 60 tiếng Facebook tạm chết trong tương lai (giả dụ thế), hãy chủ động ngắt kết nối với nó chỉ trong 1 phút thôi, rồi thử nhìn thật sâu, quan sát thật kỹ một người nào đó đang ở gần mình nhất. Hãy tự làm “thí nghiệm” như thế rồi trả lời câu hỏi: năng lực thấu cảm với những khối vật chất bằng xương bằng thịt của mình, thực sự đang ở cấp độ nào? 

 

Tác giả: Phan Mỹ Chí/An ninh Thế giới