Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một công ty đa ngành nghề, có trụ sở chính đặt TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tiền thân của công ty là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku do ông Đoàn Nguyên Đức sáng lập năm 1993 và được chuyển đổi thành CTCP HAGL vào năm 2006. Đến năm 2008, công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE mã chứng khoán là HAG.
Từ một phân xưởng nhỏ sản xuất đồ gỗ, HAGL đã không ngừng mở rộng các ngành nghề kinh doanh như: bất động sản, nông nghiệp và làm bóng đá. Gắn liền với tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai là ông Đoàn Nguyên Đức (hay Bầu Đức) – Chủ tịch HĐQT được xếp vào hàng ngũ những người quyền lực, doanh nhân nghìn tỷ của Việt Nam. Đặc biệt, khi bắt đầu lĩnh vực kinh doanh mới Bầu Đức luôn rất tự tin về những ngành nghề mình lựa chọn và thường xuyên có những phát ngôn “để đời”.
Dưới đây là những phát ngôn “để đời” của Bầu Đức trong những ngành mà Hoàng Anh Gia Lai từng kinh doanh theo tổng hợp từ VietnamBusinessInsider.
“Tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất” (trồng chuối)
Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam, Bầu Đức tự tin rằng “tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”. Hiện nay, mỗi tuần HAGL có khoảng 300 container chuối xuất sang thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường láng giềng Trung Quốc, HAGL còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Bán nhà cũng phải trồng cao su" hay "Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận thu được của tôi sẽ là 450 triệu USD” (cao su)
Tuy nhiên khi đặt cược hết vào cây cao su thì giá cao su quốc tế hoàn toàn đi ngược với kỳ vọng của ông. Cụ thể, khi Bầu Đức bắt đầu rót vốn vào cao su giá bán trên thị trường thế giới khoảng 5.000 USD/tấn nhưng sau đó giá cao su liên tục lao dốc xuống chỉ còn 1.650 USD/tấn vào năm 2016. Giá cao su giảm mạnh làm cho doanh thu và lợi nhuận của mảng này cũng không đáng kể so với những kỳ vọng ban đầu của Bầu Đức.
“Các bạn cứ tin tưởng cà phê chúng tôi sản xuất ra là hoàn toàn sạch, hoàn toàn chất lượng. Thậm chí nếu kiểm tra ở bất kỳ đâu phát hiện cà phê Ông Bầu là dỏm thì cứ kêu ông Đức ra mà chửi" (cà phê Ông Bầu)
Cà phê Ông Bầu ra đời là sự kết hợp giữa 3 doanh nhân lớn, yêu thích và gắn liền với bóng đá Việt Nam là Bầu Đức (HAGL), Bầu Thắng (Đồng Tâm), Bầu Hải (NutiFood) với mong muốn người Việt được uống cà phê sạch, cà phê thật.
"Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh"; "Không có bò thì chúng tôi cũng... bò luôn" (chăn nuôi bò)
Năm 2014, HAGL bắt đầu nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi bò ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia. Đến năm 2016, đàn bò trở thành cứu cánh của bầu Đức trong bối cảnh khủng hoảng tài chính bủa vây tập đoàn. Đặc biệt, bầu Đức chia sẻ thẳng thắn rằng: “Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng bò luôn”. Tuy nhiên, sau 2 năm bội thu thì đến năm 2018, HAGL dồn toàn lực cho lĩnh vực trồng cây ăn trái. Quy mô đàn bò bị cắt giảm gần 250.000 con xuống còn 13.000 con.
"Năm 2008, tôi dám khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là công ty bất động sản số một. Nhưng mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ lĩnh vực này năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ, tôi khẳng định mình đã sai" (bất động sản)
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP HAGL vào ngày ngày 26/11/2021, Bầu Đức đã có những chia sẻ về việc quyết định buông mảng bất động sản để chuyển sang nông nghiệp vào thời điểm năm 2012. Theo Bầu Đức, nếu có quỹ đất đẹp HAGL sẽ có thể cân nhắc liên doanh với công ty khác để làm. Được biết, hiện tại HAGL đang tập trung chủ yếu vào mảng nông nghiệp.
"Gọi tôi là Đức nổ nếu lứa Công Phượng không đoạt HCV SEA Games" (bóng đá)
Vào năm 2014, Bầu Đức từng có phát ngôn gây bão dư luận khi trình làng khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG: "Mục tiêu của tôi là mang tấm HCV SEA Games 2017. Nếu những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… không thực hiện được điều đó, hãy gọi tôi là Đức nổ".
Kết quả, U23 Việt Nam nòng cốt là lứa HAGL của HLV Nguyễn Hữu Thắng bị loại ngay trên đất Malaysia. Sau thất bại này, Hữu Thắng xin từ chức, còn bầu Đức tuyên bố chia tay Liên đoàn bóng đá Việt Nam và bị nhiều người gắn cho biệt danh Đức "nổ".