TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết ít nhất đến tháng 6/2021 không phải là thời của bất động sản đầu cơ. “Hãy đầu tư dài hạn và cẩn trọng với đòn bẩy tài chính (dù tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi)”, ý kiến trên được ông Thành đưa ra tại hội thảo Chiến lược đầu tư thời Covid-19 do Tạp chí Thương gia tổ chức sáng nay (18/11). 

Ông Thành cũng cho rằng sự phát triển của ngành bất động sản có xu hướng dồn về các địa phương giáp ranh các đô thị lớn TP HCM, Hà Nội... Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý 4 yếu tố khi đầu tư vùng ven, bao gồm tiềm năng kết nối, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các chủ đầu tư "đầu đàn" và cuối cùng mới tới tiềm năng tăng trưởng của tỉnh. Với ông Thành, tính kết nối của địa phương về hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt quan trọng nhất khi lựa chọn địa phương để đầu tư.

Riêng về thị trường bất động sản, theo Ts. Võ Trí Thành nhiều phân khúc có tiềm năng lớn, mặc dù thị trường năm 2019/2020 “trầm” hơn, nguồn cung tại cả TP.HCM và Hà Nội hạn chế, trong khi đó giá nhà lại tăng cao. Phân khúc condotel, officetel cũng trầm lặng; thị trường bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh. Xú hớng này không phải do Hà Nội và TP.HCM bớt nguồn cung mà đây là sự dịch chuyển phát triển.
Riêng bất động sản công nghiệp vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm và thêm dư địa phát triển.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn ở quy hoạch và pháp lý; trình tự và thủ tục được kiểm soát chặt chẽ hơn nhất là trong cấp phép và tạm dừng dự án; ở việc tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai (Giấy phép mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất…); thông tin (tính đầy đủ và minh bạch); xử lý tranh chấp…
“Thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ; cẩn trọng với đòn bẩy tài chính, mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn nhưng đừng quá kì vọng vào đòn bẫy tài chính; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn”, Ts. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cũng đồng quuan điểm bất động sản công nghiệp là một điểm sáng thị trường. Hiện nay, việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi... Đây là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, đặc biệt sau khi gia nhập EVFTA và nền kinh tế kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận.

Đầu tư bất động sản công nghiệp chính là hình thành chuỗi giá trị khép kín, cùng với hệ thống cảng biển nước sâu và cơ sở hạ tầng từng bước được thay đổi. Nếu làm đúng, ông Khương đánh giá Việt Nam sẽ được xem như là Trung Quốc +1.

Chuyên gia đến từ Savills Việt Nam đánh giá Covid-19 tác động lên mọi mặt của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, nhiều chủ đầu tư gặp khó về tài chính, mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay. Thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10 - 20% còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay cực kỳ khó, huy động vốn từ khách hàng là bài toán nan giải.

Trong phân khúc bất động sản thương mại với vòng quay vốn 10 - 15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nguồn chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh.