truyen-thong-and-cau-chuyen-kiem-tien-cua-nhung-nguoi-tre-1692271587.jpeg
 

Những thông điệp lệch lạc về lối sống đề cao vật chất và tự do ảnh hưởng tới nhiều nhóm người, nhưng nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất chắc chắn là các bạn trẻ, những người vừa mới bước một chân ra khỏi cánh cửa học đường và bước chân còn lại vào ngưỡng cửa cuộc đời.

Những trang truyền thông lá cải không tiện nêu tên như K, T, B.. hay những nền tảng mạng xã hội đậm chất hào nhoáng như Instagram, Tiktok.. làm cho cái việc* "kiếm tiền" nó như một cái gì đó vô cùng dễ dàng mà "chỉ cần cố gắng một chút"* và *"theo đuổi đam mê" *là được. Điều này hoàn toàn không đúng. Thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2022 là 6.7 triệu, và khoản thu nhập trung bình dành cho một Job văn phòng ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM cũng chỉ tầm từ 8-15 triệu (Tất nhiên chỉ nói tới các công việc phổ thông, không kể các Job đặc thù hay các vị trí cao hơn). Và nếu nhìn rộng ra, trong lịch sử của cả loài người thì người giàu lúc nào cũng chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ trong xã hội, đại đa số vẫn như tôi và bạn, những người có mức thu nhập trung bình, vừa đủ nhưng lúc nào cũng cảm thấy thiếu.

Việc mỗi sáng sớm thức dậy lại thấy một ai đó xuất hiện trên báo với các dòng tiêu đề kiểu:

“Thoát khỏi vòng lặp “Ngày thứ 2” vẫn kiếm được 50-60 triệu/tháng”

“Cô gái chia sẻ kinh nghiệm vừa đi chơi vừa có thu nhập 60-100 triệu/tháng”

“Kiếm được 50 thậm chí 90 triệu mỗi tháng mà không cần đến văn phòng chấm công mỗi sáng”

“Genz nghỉ việc để theo đuổi con đường Freelancer và kiếm về hàng trăm triệu mỗi tháng”

Có thể sẽ làm nhiều người đọc cảm thấy một ngày mới bắt đầu ảm đạm. Tại sao ở xung quanh mình lại có nhiều người kiếm tiền dễ dàng như vậy. Tại sao họ lại giỏi như thế, không những giỏi mà còn trẻ và đẹp nữa. Không phủ nhận có rất nhiều người trẻ có mức thu nhập khổng lồ, nhưng tác động tiêu cực của việc truyền thông quá dày đặc và quá đà những con số ấy lên nó sẽ nhiều hơn các tác động tích cực.

Mặt tích cực, nó sẽ là động lực cũng như tấm gương phấn đấu để những bạn trẻ khác noi theo. Nhưng mặt tiêu cực, nó sẽ làm cho nhiều bạn có cái nhìn không đúng về các nghề nghiệp, các tiêu chuẩn về công việc trong xã hội. Sẽ như thế nào nếu đứa trẻ nào lớn lên cũng chỉ muốn làm Tiktoker, Streamer hay Freelancer. Sẽ thế nào nếu việc chỉ kiếm về một mức thu nhập ở mức “bình thường” đã bị xem là loser.

Người nắm giữ truyền thông có thể thay đổi một chế độ, người làm chủ một ngòi bút có thể ngăn chặn cả một cuộc chiến tranh. Truyền thông trong kỉ nguyên Internet cộng hưởng với sức lan tỏa của mạng xã hội làm cho cả một thế hệ bị định hướng. Và những người đứng sau các bài viết, nội dung đó đã bao giờ thử hỏi mình nên làm gì với thứ “sức mạnh” đang nắm trong tay chưa.

Việc để hàng triệu người trẻ thay đổi và tự nhận thức được cái gì đúng, cái gì sai nó khó hơn là việc một trang tin, một tòa soạn nào đó thay đổi cách nhìn nhận về việc những nội dung nào đáng đưa lên, những nội dung nào cần hạn chế xuất hiện. Không nhất thiết lúc nào cũng phải là gương người tốt việc tốt, nhưng cũng đừng bao giờ chỉ vẽ lên một thế giới chỉ toàn màu hồng. Trong thế giới màu hồng đó, nghèo là một tội ác và đã nghèo còn xấu thì hết thuốc. Nếu vậy thì buồn lắm.

Theo Nguyễn Anh Tín

www.facebook.com/photo/?idorvanity=