Ngày 24/6/2022, nguồn tin của ICTNews cho hay, CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã được chuyển nhượng sang đối tác mới. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn trong vòng bí mật và công ty chưa đưa ra thông tin chính thức. Cũng theo nguồn tin này, một ngân hàng lớn của Việt Nam và một công ty công nghệ đã tham gia vào thương vụ với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái số của ngân hàng trên và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ số tiện ích.

CTCP Nghe nhìn Toàn cầu được biết đến là doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vũ – em trai ông Phạm Nhật Vượng - sáng lập nên. Trong đó, AVG là viết tắt của Audio Visual Global. Theo các thông tin tổng hợp, trong vai trò là Chủ tịch của Tập đoàn An Viên, từ năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2008, AVG được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 10/2010. Ngày 11/11/2011, Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho AVG với thương hiệu Truyền hình An Viên.

pnv-1656048302.jpg
 

Ngoài AVG, Tập đoàn An Viên khi đó có khá nhiều công ty con như Công ty Cổ phần Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Tri thức…

Có thể nói từ khi chính thức phát sóng, AVG đã luôn tạo ra những “quả bom” trên truyền thông. Trong đó, không ai lại chưa từng nghe nhắc đến vụ “cãi nhau” với bầu Kiên và thương vụ mua bán trị giá gần 9.000 tỷ của Mobifone đã đẩy hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp và cựu lãnh đạo nhà nước vào vòng lao lý.

Cu thể, vào năm 2012, AVG mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Bầu Kiên (tức ông Nguyễn Đức Kiên) đã đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này. Ông Kiên đề nghị VFF xem lại hợp đồng này bởi nó có thể ảnh hưởng sâu rộng tới bóng đá Việt Nam. Đề nghị của ông Kiên được 28 CLB dự giải hạng Nhất và V-League 2012 ủng hộ. Theo đó, các ông “bầu” đề nghị VFF phải để VPF quyết định vấn đề bản quyền truyền hình đồng thời tự quyết định mức ăn chia dựa theo cổ phần của mỗi cổ đông (14 CLB và VFF). Sau nửa năm chiến đấu gay gắt, mọi chuyện chìm vào im lặng, còn ông Kiên đã bị bắt và hầu tòa với 4 tội danh.

Thương vụ với Mobifone còn rúng động hơn.

Tháng 1/2016, MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG và đổi tên Truyền hình An viên thành Truyền hình MobiTV. MobiFone đã chi ra 8.890 tỷ đồng để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu, tương đương 95% cổ phần của AVG với mức giá khoảng 25.800 đồng/cp.

Tuy nhiên sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1344/TTg-V.I ngày 01/8/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2220/QĐ-TTCP ngày 26/8/2016 thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. 

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra vi phạm của các cá nhân liên quan đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2018, MobiFone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của MobiFone tại AVG. Tổng số tiền MobiFone đã thu lại là hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà MobiFone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ và các chi phí khác. MobiFone cũng đã trả lại 344.660.000 cổ phần cho các cổ đông của AVG.

Tháng 9/2019, trên website chính thức của dịch vụ truyền hình MobiTV xuất hiện dòng thông báo đổi tên thành VivaTV. Đây là lần thứ hai AVG đổi tên dịch vụ truyền hình trả tiền.

Hồi tháng 12/2020, AVG công bố chiến lược mới với tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình và nội dung đa nền tảng.

Hiện thị trường truyền hình được xem là cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty của Việt Nam với nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài như Netflix, Facebook, Google… Tuy nhiên, những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới và mạng xã hội xuyên biên giới đang chiếm miếng doanh thu rất lớn của các đơn vị truyền hình. Mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện, các thiết bị thông minh, xu hướng số hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ khiến các đơn vị truyền hình gặp nhiều thách thức trong việc duy trì lượng khán thính giả và phát triển các nền tảng số.