new02064-1536x1024-1684207547.jpg
Lễ khởi công Dự án Trường Đại học Văn Lang giai đoạn 4 - Ảnh: Newtecons

Theo thông tin từ công ty Newtecons, ngày 13/5/2023 vừa qua Công ty này cùng vời Chủ đầu tư là trường Đại học Văn Lang, Đơn vị tư vấn thiết kế – Công Ty TNHH Kiến Trúc Sư Hồ Thiệu Trị Và Cộng Sự – Chi Nhánh Hồ Chí Minh, Đơn vị Tư vấn Giám sát Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý Chất lượng Đầu tiên (FQM), đã làm lễ khởi công giai đoạn 4 của Dự án Trường Đại học Văn Lang.

Dự án có quy mô gồm 04 khối nhà, diện tích khối T2 là 5,744m2, khối G2 là 12,461m2 và khối G1 (G1A và G1B) là 20,674m2.

Một trong những điểm đặc biệt của dự án là kiến trúc độc đáo với khối nhà T2 có hình khối như trống đồng và hệ façade các khối nhà được thiết kế độc đáo. Ngoài ra, 3 tầng hầm của dự án được thiết kế nối liền nhau giữa các khối nhà cũng như được đấu nối với các hầm hiện hữu với diện tích mỗi sàn hầm lên tới hơn 14,000 m2.

Theo tiến độ dự kiến, dự án sẽ có thời gian thi công là 24 tháng, trong đó thi công phần hầm 12 tháng và thi công phần thân khoảng 12 tháng. 

new02040-1536x1024-1684207547.jpg
Bà Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang - ảnh Newtecons

Đại diện chủ đầu tư xuất hiện trong sự kiện này là bà Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, khi hoàn thành, dự án sẽ hoàn thiện thiết kế tổng thể của Trường Đại học Văn Lang – Cơ sở 3, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của địa phương và trở thành một công trình lớn nhất tại khu vực này. Bên cạnh đó, đây cũng là mục tiêu hướng đến lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang.

Trường Đại học Văn Lang chính thức khởi công xây dựng cơ sở mới (cơ sở 3) vào đầu năm 2017. Đây là khu đại học kiểu mẫu theo chương trình đề án xây dựng các trường đại học xuất sắc của Chính phủ và Bộ GD&ĐT với mô hình Đại học xanh - sẽ là cơ sở chính của Đại học Văn Lang, tại khu đất giữa phường 5 quận Gò Vấp và khu dân cư Bình Hòa - quận Bình Thạnh, nằm dọc theo kênh Rạch Lăng và thẳng ra đại lộ Phạm Văn Đồng.

Theo thông tin công bố vào thời điểm đó, Khu Đại học Văn Lang cơ sở 3 có diện tích 6 hecta, tổng vốn đầu tư 100 triệu đô la chưa tính giá trị đất.

vlu-view01-view460000c-post-1-1536x768-1684207548.png
Phối cảnh dự án với thiết kế tòa nhà hình trống đồng độc đáo. Nguồn: Chủ đầu tư

Chủ sở hữu Đại học Văn Lang  là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang (VLG). Thành lập từ tháng 2/2017, VLG được xem như là ‘mảnh ghép’ trong hệ thống kinh doanh đồ sộ của gia đình doanh nhân Nguyễn Cao Trí.

Vị doanh nhân sinh năm 1970 là một trong những cổ đông sáng lập của VLG, bên cạnh các ông Nguyễn Đắc Tâm, Lê Ngọc Sơn và Bùi Quang Độ. Trong khi đó, bà Bùi Thị Vân Anh – sinh năm 1970, phu nhân của ông Nguyễn Cao Trí – cũng góp mặt trong Hội đồng quản trị (HĐQT) VLG.

Đến tháng 12/2020, ông Nguyễn Cao Trí mới chính thức ‘ra mặt’ ở VLG, với việc đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Bùi Quang Độ. Khi ấy, VLG vừa hoàn thành xong việc tăng vốn điều lệ từ 404,7 tỉ đồng lên 445,07 tỉ đồng.

Hồi đầu năm 2022, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang (VLG) - chủ sở hữu Đại học Văn Lang - đã phát hành thành công 2.200 tỉ đồng trái phiếu, mã VLGCH2124001, kỳ hạn 36 tháng. Trái chủ của lô trái phiếu sẽ có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu theo tỉ lệ 1:5 (tức 1 trái phiếu được đổi thành 5 cổ phiếu). 2 tháng sau đó, vào tháng 5/2022, VLG đã nâng vốn điều lệ ở mức 1.699 tỷ đồng.

photo-import-20230114121724412-1684207547.png
Ông Nguyễn Cao Trí Chủ tịch Tập đoàn Giáo Dục Văn Lang. (Ảnh: ĐH Văn Lang).

Doanh nhân Nguyễn Cao Trí cũng đang giữ cương vị Chủ tịch hội đồng trường. Bên cạnh đó, ông Trí còn giữ vai trò đại diện tại loạt doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này như CTCP Dịch vụ và Nhân lực quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH US Talent International – UTI và Chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngoài ra, ông chủ Capella Holdings còn tham gia ngành sữa với vị trí Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật CTCP Lothamilk vào tháng 7/2019. Hay lĩnh vực bóng đá từ đầu năm 2020 khi làm Thành viên HĐQT CTCP Phát triển bóng đá Sài Gòn, chủ quản của Sài Gòn FC. VLG cũng là pháp nhân được Vingroup trao tặng toàn bộ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF tại tỉnh Hưng Yên.

Ông Nguyễn Cao Trí là doanh nhân nổi danh trong giới đại gia Sài Thành từ nhiều năm nay. Trên thương trường, nói đến nền tảng phát triển sự nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1970 này thì phải kể tới quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group) với vị trí Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (từ năm 1999 - 2005) hay Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).

Trong số các pháp nhân thuộc tầm ảnh hưởng của đại gia Nguyễn Cao Trí, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (viết tắt: Khahomex - Mã CK: KHA) là doanh nghiệp hiếm hoi đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Công ty này sở hữu một loạt các dự án bất động sản tại khu vực Quận 4 (như: chung cư Khahomex 1, 2, 3 và các cơ sở dịch vụ gia tăng gồm Trường Mầm non Khánh Hội, Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Riverside Palace) có vị trí địa lý đắc địa, kết nối giữa khu vực trung tâm Tp. HCM (Quận 1, Quận 5) và các khu đô thị mới (Quận 2, Quận 7).

Năm 2015, sau khi Bến Thành Group thoái vốn, Bến Thành Land đổi tên thành Capella Holdings và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality). Ông Trí cũng được biết tới rộng rãi trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Capella Holdings.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (Sài Gòn Đại Ninh) – chủ đầu tư "siêu dự án" Khu đô thị Nam Đà Lạt, diện tích 3.595ha, có tổng vốn đầu tư lên tới 25.243 tỷ đồng. 

Vào tháng 1/2021, ông Nguyễn Cao Trí đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (Sài Gòn Đại Ninh) – chủ đầu tư ‘siêu dự án’ Khu đô thị Nam Đà Lạt, diện tích 3.595ha, có tổng vốn đầu tư lên tới 25.243 tỉ đồng.

Với sự góp mặt của vị doanh nhân sinh năm 1970, Sài Gòn Đại Ninh không chỉ níu giữ được ‘siêu dự án’ Khu đô thị Nam Đà Lạt, mà còn muốn điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án này lên mức 30.291,6 tỉ đồng.

Đầu năm 2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã công bố thông tin bất thường cho biết ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên Hội đồng quản trị SaigonBank nhiệm kỳ 2019-2024 kể từ ngày 19/1. Văn bản không nêu lý do nhưng cho biết ông Trí "đương nhiên mất tư cách", không còn là thành viên Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 35 Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).

Điều 35 quy định các trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, gồm mất năng lực hành vi dân sự, chết; vi phạm quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; không còn là người đại diện phần vốn góp; khi tổ chức tín dụng bị thu hồi giấy phép,...

Theo báo cáo quản trị SaigonBank, ông Trí bắt đầu tham gia Hội đồng quản trị nhà băng này từ tháng 10/2019. Tháng 6/2021, ông Trí đã mua vào gần 580.000 cổ phiếu SGB, tương đương 0,19% vốn điều lệ ngân hàng.

Nguồn tham khảo:

NEWTECONS KHỞI CÔNG DỰ ÁN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG - KHỐI NHÀ G1A - G1B, KHỐI NHÀ G2 VÀ KHỐI NHÀ T2

Nhìn lại cơ đồ Capella Holdings của đại gia Nguyễn Cao Trí (cafebiz.vn)

Khởi công xây dựng Cơ sở 3 Trường đại học Văn Lang (baochinhphu.vn)