Những ngày rằm tháng 8, hãy thử đến khu phố người Hoa ở Quận 5 để cùng trò chuyện và tìm hiểu thêm về dân Chợ Lớn, lắng nghe những câu chuyện không phải ai cũng được biết về Trung Thu, về những chiếc lồng đèn trăm triệu của các đại gia người Hoa và về văn hóa của nhóm người này.

Chuyện khu phố lồng đèn và những lồng đèn trăm triệu của các đại gia người Hoa

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường chính của Chợ Lớn thuộc khu vực Quận 5, TP.HCM, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các sạp treo kín lồng đèn rực rỡ. Từ đèn ông sao, đèn cá chép gắn liền với bao thế hệ tuổi thơ trẻ em Việt Nam, đến lồng đèn dạng cầu, dạng dài đậm hồn Đông Á.
Dĩ nhiên không ai dư tiền thừa của tới nỗi mua lồng đèn về rồi treo khơi khơi, nhưng một cách gián tiếp các hộ kinh doanh tạo nên cả khu lồng đèn làm đẹp phố phường những ngày rằm tháng 8. Dù công việc bán buôn không mấy suôn sẻ, nhưng các cô các chú cũng thấy vui trong lòng vì dù sao cũng đã góp phần làm đẹp cho đời.

“Năm nay bán hàng không bằng mọi năm, người ta tới tham quan nhiều hơn là mua đồ, còn mấy ngày nữa là tới Trung Thu mà bây giờ lồng đèn còn chất thành đống. Nghĩ cũng buồn lắm, nhưng thôi kệ. Thấy mấy đứa lớn kéo tới chụp hình cười nói làm vui vẻ cả con đường, ngày thường dễ gì được như vậy; còn mấy đứa nhỏ thì được ba má cõng trên vai, mắt mở to nhìn vào mấy cái lồng đèn rồi cười tít, cưng lắm”, một người kinh doanh lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học nói.

Đến đêm muộn, khi lượng khách từ xa kéo đến đã vãn dần, phố lồng đèn lúc này chỉ còn đúng lồng đèn đúng nghĩa, thì cũng là lúc có thể trò chuyện để hiểu nhau hơn về những con người đầu hai thứ tóc nhưng vẫn “rước đèn” cùng các cháu các em, vẫn tô thêm những mảng màu nhí nhảnh cho cuộc sống vốn dĩ khó khăn.
Chỉ cách phố Lương Nhữ Học với những chiếc lồng đèn giá bình dân vài con đường, cũng có những chiếc lồng đèn có giá hàng trăm triệu đồng được các doanh nhân, đại gia người Việt gốc Hoa của Sài Gòn tranh nhau mua trong những phiên đấu giá quyết liệt.
Đấu đèn là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa được lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Mục đích của việc tổ chức đấu giá đèn lồng ngoài việc tăng thêm sinh khí cho các ngày lễ hội, tạo sự vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng nó còn mang ý nghĩa từ thiện vì số tiền đấu giá được đều dung vào việc công đức như giúp đỡ người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, xây cầu, làm đường giao thông, xây nhà tình thương…. Tục đấu giá đèn lồng thường được tổ chức hàng năm vào Tết Nguyên Tiêu tại các chùa, miếu của người Hoa.
Đơn cử, trong phiên đấu giá nhân dịp Tết Nguyên tiêu 2016, chiếc lồng đèn Quan Thánh đế quân đã được tập đoàn Vạn Thịnh Phát đấu giá thành công với giá kỉ lục là 789 triệu đồng. Chiếc lồng đèn đầu tiên Thiên địa phụ mẫu đã thuộc về ông Võ Quốc Thắng của Đồng Tâm Long An với giá 386 triệu đồng; đại diện tập đoàn Thái Tuấn cũng kịp sở hữu lồng đèn khác với mức giá 286 triệu đồng…

Hành động đấu giá đèn lồng – được người Hoa xem là tượng trưng tài lộc chư vị hiển thánh, mang lại may mắn. Rước được lồng đèn về tượng trưng cho ý nghĩa mang sự may mắn, bình an cho gia đình; tài lộc, tiền của vào như nước... về nhà. Một lẽ khác, việc tham gia đấu giá còn nhằm gây quỹ trùng tu hội quán, cấp học bổng cho học sinh nghèo và giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Các đại gia người Hoa thường dùng các con số 6, 8, 9 để hình thành mức giá mang ý niệm sự suôn sẻ (lục-6), phát đạt (bát-8 phát) và bền vững (cửu-9). Hầu hết họ là dân làm ăn, kinh doanh, nên ở hàng triệu thường dùng con số 8 nhằm tạo ra "số đẹp" với mong muốn sự nghiệp làm ăn luôn phát đạt.
Được biết, Chủ tịch Nghĩa An hội quán hiện nay là một doanh nhân khá nổi tiếng là ông Trầm Bê - thành viên HĐQT Sacombank, chủ Bệnh viện Triều An. Hiện ông Trầm bê đang bị ở tù. Năm 2014, ông Trầm Bê đã góp 10 tỷ đồng trong tổng số 66 tỷ đồng giúp trùng tu hội quán này, nữ đại gia Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng góp 1 triệu USD.
 

 

Ảnh: Quốc Anh.

Chuyện cái bánh trung thu trứng muối

Sinh ra và lớn lên tại Chợ Lớn nhưng mang trong mình dòng máu dân Quảng Đông, chú Minh cầm trên tay cái lồng đèn cá chép đặc trưng của người Việt để kể chuyện cái bánh trung thu của người Hoa. “Tính ra, bánh trung thu của Việt Nam mình chơi hơi bị sang luôn đó con”, chú chắc nịch.
Để phân minh “sang” là sang như thế nào, chú tiếp chuyện: “Bánh trung thu ở Việt Nam mình làm theo nguyên bản của bánh trung thu ở Quảng Đông, ngoài vỏ và nhân bánh ra thì còn có hai quả trứng muối ở giữa, tượng trưng cho Song Hỉ vì cái gì đi theo đôi cũng tốt đẹp mà.
Nhưng khắp cái châu Á này, không phải chỗ nào cũng làm bánh với trứng muối như vậy. Bởi vì người ta nuôi gà nhiều hơn nuôi vịt, gà cũng dễ nuôi công nghiệp hơn, nên số lượng ‘hột’ gà so với hột vịt phải nói là áp đảo một trời một vực, vậy mà dân ta vẫn chơi sang, vẫn muối hột vịt để làm bánh”.

Ảnh: Bảo Bình.

Thật vậy, nếu 10 quả trứng được bán đi và tiêu thụ trên toàn cầu thì đã có 9 quả là đến từ con gà, nửa quả kia từ con vịt và nửa quả còn lại là từ các loài chim khác. Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan là các nước sản xuất và xuất khẩu trứng vịt nhiều nhất thế giới, chiếm gần 100% số lượng toàn cầu.
Trứng gà muối không bổ dưỡng cũng như không hòa vị với bánh tốt như trứng vịt muối, vì vậy ông cha ta từ lâu đã sử dụng hột vịt muối để làm tâm điểm của bánh là không thể sai, đừng nên cãi. Nhưng không phải ở đâu cũng có nguồn cung trứng vịt dồi dào như nước ta để làm bánh.
“Có nhiều nước khác cũng ăn Trung Thu như ở Việt Nam, ở Quảng Đông nhưng họ làm bánh trung thu theo một ‘trường phái’ khác. Ở đó, người ta làm bánh nhỏ xíu và thậm chí là không có lòng đỏ muối bên trong luôn. Thành thử ra, con mà đem tặng bánh trung thu ở Việt Nam cho dân ở nước khác, đảm bảo sẽ được khen là chơi lớn”, lão Minh cười khanh khách kể chuyện.

Ăn Quận 5, nằm Quận 3, xa hoa Quận 1

Trung Hoa trải dài từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, kinh qua nhiều miền khí hậu và nhiều nền văn hóa nhỏ lẻ, nên người Hoa sau bao thế hệ đã tích lũy được cho mình cả kho tàng thực đơn, tạo nên một nền ẩm thực chỉ nhìn thôi là biết đó là món ăn Hoa.
Đến Chợ Lớn lập nghiệp từ thế kỷ 17, cộng đồng người Hoa ở miền nam Việt Nam vẫn gìn giữ được bản sắc của riêng mình qua cách xây dựng cộng đồng, kinh doanh buôn bán, diễn hát văn nghệ mà đặc biệt là nấu nướng ăn uống. Để biết được món Hoa có ngon không, cứ lẩm nhẩm câu thần chú “Ăn Quận 5, nằm Quận 3, xa hoa Quận 1”.
Đến Quận 5 - trung tâm của Saigon’s China Town - bạn sẽ được ngất ngây với thiên đường ẩm thực với cả trăm món ăn ngon mang đậm hương vị Trung Hoa truyền thống như: há cảo, sủi cảo, bánh bao, hủ tiếu sa tế, mì vịt tiềm, gà ác tiềm thuốc Bắc, cơm Triều Châu, cháo Tiều, heo quay, vịt quay, phá lấu, mì kéo sợi, hàu chiên trứng,…
“Nói không phải khoe, chứ chú không mở nhà hàng là hên cho tụi nó (các quán ăn khác), tại vì chú không muốn tụi nó bị ế thôi”, ông chủ sạp lồng đèn cười to, nói đùa, “Nói là nói vậy thôi, mặc dù không có học nấu bếp ngày nào, nhưng lúc nhỏ cũng được sư phụ mama (mẹ) dạy cho vài chiêu, nên bây giờ nấu đồ cũng ngon lành lắm à. Đã là người Quảng, người Hoa thì phải biết nấu ăn, không thôi bị nói là mất gốc, kì lắm”.

Ảnh: Bảo Bình.

Nói về ẩm thực, chú Minh cũng chia sẻ một câu chuyện về văn hóa của người Hoa mà không biết vì lý do gì đã ảnh hưởng đến người Việt hiện đại rất nhiều: “Đi ăn tiệc, ăn hàng quán, ai cũng ăn rất dữ cho tới khi còn miếng cuối cùng thì không ai ăn, ai cũng nhìn nhau rồi cho qua miếng đó.
Có người thì nói là miếng dằn đĩa cho hà bá, không thôi nó lên nó kiếm mình; người khác thì nói là chừa lại miếng cuối để sau này còn có cái mà ăn, không thôi khổ đói kiếp này, kiếp sau; ba chú thì dạy là phép lịch sự; nhưng mà nói gì thì nói, gặp tao là tao ăn hết”, lão Minh lại bật cười thành tiếng, hề hước chia sẻ.

Ảnh: Quốc Anh.

Tết nào cũng đều cúng kiếng tổ tiên

Xuôi theo tuyến phố rực rỡ ánh sáng lồng đèn, dừng chân ở một quán mì không biết có phải của người Hoa không nhưng chỉ viết bảng hiệu và thực đơn bằng Hán tự. Ăn một tô mì sủi cảo, được bà chủ quán khuyến mãi một lô chuyện kể về người Hoa.
Tết đầu năm mới, Tết Nguyên Tiêu nửa năm hay Tết Trung Thu,… Tết nào thì Tết, người Hoa vẫn luôn nhớ đến tổ tiên và cúng kiến đầy đủ mâm cỗ để tỏ lòng thành biết ơn với tiền nhân. Trước rằm, người ta lo đi chợ mua đồ về nấu nướng, mua hoa về trưng, mua nhang đèn đủ đầy.
“Cúng kiếng Tết Trung Thu cũng như mấy cái Tết khác, để bàn thờ được ấm, ấm ở đây không phải là ấm do nhang do đèn, mà ấm tình người, tình nghĩa con cháu của mình với ông bà tổ tiên. Sau nữa, cúng kiếng để các vong hồn kém may mắn, phải lang thang trong khổ lạnh, được chút ấm áp để mà không quấy phá người dương”, cô Hoa, chủ quán mì chia sẻ.
Cúng nào cũng có đủ đầy thức ăn và hoa đèn, cúng Trung Thu thì người Hoa trưng những gì lên mâm cỗ? Khác với người Việt, người Hoa thường cúng dâng vịt quay và dưa hấu bên cạnh bánh trung thu, bánh pía và các loại bánh kẹo thường thấy.
“Thịt vịt đẩy khí hỏa ra khỏi cơ thể, giúp cân bằng âm dương trong con người cũng như ở xung quanh mình, đó cũng là lý do tại sao bánh trung thu lấy trứng vịt muối làm nhân bên trong. Dưa hấu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, hình dáng tròn trịa cũng biểu thị sự tròn vẹn mà ai cũng muốn có”, cô bật mí về mâm cỗ nhà mình.
Ngoài ra, còn có bánh nguyệt là loại bánh to tròn có màu trắng giống Mặt Trăng trên bầu trời; có mì trường thọ là những sợi mì dai, dài, khó đứt với mong muốn được sống đời sống kiếp hoặc ít nhất cũng không phải bất đắc kỳ tử. Dĩ nhiên không thể không có vàng mã, giấy tiền âm phủ,…
Mâm cúng được bày trước sân, nghi ngút khói nhang từ giờ Mão đến giờ Hợi (6 giờ chiều đến sau 9 giờ tối), lúc này Mặt Trăng đã xuất hiện và leo cao dần lên trên bầu trời. Mang theo trong những làn khói trắng là ước nguyện của gia chủ về nhà cửa êm ấm, kinh doanh thuận lợi và xã hội thái bình, muôn dân no ấm.
 

Tác Giả: Thiên Tân/ Saostar