
1/ Các dự án bị đình trệ, không đúng tiến độ của Evergrande và các tập đoàn bất động sản khác của Trung Quốc đang gặp phản ứng mạnh mẽ của người dân nước này.
Làn sóng người mua nhà từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp mua nhà ở các dự án chậm hoàn thiện đang lan rộng ở Trung Quốc, khiến tỷ lệ nợ xấu trong mảng bất động sản có thể tăng 3-5 lần. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ ước tính “quả bom nợ Evergrande” mới có thể lên đến 220 tỉ đô la.
Phản ứng của người vay mua nhà sẽ làm suy giảm triển vọng kinh doanh của các ngân hàng ở Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa chống Covid trong hơn ba tháng qua.
Người dân Trung Quốc đang “mắc kẹt” với những dự án bất động sản dang dở đã yêu cầu chính quyền các cấp sớm hành động ngay, trong tháng 7 này hoặc tháng tới. Tình trạng này khiến các nhà đầu tư thêm phần lo ngại về những bất ổn của thị trường bất động sản vốn chiếm đến 25% nền kinh tế Trung Quốc. Kế đến, nhà đầu tư cũng thêm lo lắng về sức khỏe của các ngân hàng vốn gặp khó khăn trong năm qua do phải cáng đáng nợ xấu và vỡ nợ của mảng nhà đất. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản, khiến chỉ số CSI300 Bank giảm tới 3,3% trong hôm nay 14-7.
Các khoản vay mua nhà thuộc các dự án xây dựng dang dở đã đạt 1.500 tỉ nhân dân tệ (khoảng 220 tỉ đô la). Quả bom nợ xấu có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu các cuộc biểu tình hay phản đối của người mua nhà ở các thành phố lớn ngày càng mở rộng.
2/ Từ tháng 9-2021, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực ngăn chận “quả bom nợ” Evergrande chực chờ phát nổ khi số nợ của Evergrande lên đến 300 tỉ đô la. Tổng giá trị tài sản của tập đoàn khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ, tức dưới 300 tỉ đô la.
China Evergrande Group nhanh chóng trở thành nỗi lo lắng lớn nhất của đất nước khổng lồ với các khoản nợ công lẫn tư luôn tăng phình theo hiệu ứng “quả cầu tuyết”. Mối lo sợ về nguy cơ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản ngày càng lớn dần khi sự phát triển của Evergrande ngày càng mở rộng và bao trùm rất nhiều lĩnh vực, rất trái tay so với mảng kinh doanh cốt lõi là xây dựng.
Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) thành lập tập đoàn Hằng Đại (Hengda) vào năm 1996 ở Quảng Châu và mở rộng công ty bất động sản này chủ yếu bằng hình thức vay mượn. Hiện Evergrande Real Estate sở hữu trên 1.300 dự án ở 280 thành phố khắp Trung Quốc. Cuối tháng 6 vừa rồi, Evergrande đã cam kết xây dựng khoảng 1,4 triệu căn hộ hay dự án tư nhân – theo Capital Economics.
Tập đoàn này cũng mạo hiểm bước qua những lĩnh vực khác như xe điện (Evergrande New Energy Auto), internet và truyền thông (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), bóng đá (Guangzhou F.C) và nhà máy nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring) cùng nhiều dự án khác. Với 200 công ty ở nước ngoài và 2.000 công ty con ở trong nước, Evergrande có tài sản tổng trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 2% GDP của Trung Quốc – theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc.
Sự sụp đổ của Evergrande sẽ kéo theo nhiều hệ lụy với kinh tế Trung Quốc và cả thể giới.
Hồi tháng 1-2022, chính quyền đảo Hải Nam đã ra lệnh cho Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà đang xây dang dở trên đảo nhân tạo Hoa Biển ở thành phố Đam Châu thuộc tỉnh đảo Hải Nam.
Tháo ngòi hay cho nổ "quả bom nợ" liệu sẽ nằm trong toan tính của Bắc Kinh?
Các bạn có thể đọc thêm ở hai link bên dưới.
https://bsaonline.vn/thi-truong-bat-dong-san-trung-quoc-doi-dien-voi-qua-bom-no-xau-moi/
https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-lung-tung-tim-cach-thao-ngoi-no-bom-hen-gio-evergrande/