turkishairlines-at-pineexport-1629212635.jpg

Hạt thông – mặt hàng xuất khẩu chính của Afghanistan – được đưa lên chuyến bay của hãng Turkish Airlines tháng 11-2018 để xuất sang Thượng Hải. Ảnh: Anadolu Agency / Getty Images

Giàu tài nguyên, nhưng phụ thuộc vào viện trợ

Afghanistan có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào ước tính có giá trị ít nhất từ 3.000 tỉ đô la trở lên. Nhưng địa hình hiểm trợ và tình hình chiến sự bất ổn trong thời gian dài đã khiến việc khai thác trở nên khó khăn. Một số loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn như đồng, coban, than, quặng sắt. Ngoài ra nước này còn có cả dầu khí, đá quý và một loại khoáng sản có tiềm năng đặc biệt nổi bật là lithium - kim loại sử dụng để sản xuất pin cho các thiết bị di động và xe điện.

Sau khi vào Afghanistan, NATO đã giấu nhẹm các báo cáo điều tra của Nga về tài nguyên khoáng sản ở quốc gia này trong những năm 1980 và 1990.

Sử dụng công nghệ cao, Lầu Năm Góc đã phát hiện mỏ với trữ lượng lithium khổng lồ ở Ghazni. Lithium hiện là một khoáng sản chiến lược, chủ yếu được sử dụng trong các thiết bị quân sự khác nhau từ pin máy tính nhỏ, cho đến các thiết bị điện quan trọng.

Cũng vì lithium, BBC đã gọi Afghanistan là “Saudi Arabia trong tương lai”. Do đó, việc kiểm soát được vùng Ghazni trong trong những năm tới trở nên rất quan trọng đối với nhiều thế lực.

Kinh tế Afghanistan kiệt quệ trong cuộc nội chiến kéo dài từ 1978 – 2001. Sự can dự của quân đội Liên Xô trong vòng một thập niên kể từ 1979 chỉ khiến nền kinh tế duy trì hơi thở thoi thóp. Chỉ đến khi Mỹ và các nước đồng minh can thiệp từ cuối năm 2001 và phe Taliban rút đi, kinh tế Afghanistan có phần gượng dậy. Tháng 1-2002, tại hội nghị các nhà tài trợ ở Tokyo, đất nước nghèo nhất thế giới này được 60 quốc gia và các tổ chức quốc tế cam kết tài trợ 4,5 tỉ đô la. Afghanistan còn được bơm thêm 15-20 tỉ đô la trong vòng 10 năm tiếp theo.

Gần hai thập niên có mặt tại quốc gia Trung Á, Mỹ đã chi đến 1.000 tỉ đô la cho quân đội Mỹ tham gia gìn giữ hòa bình, huấn luyện cho lực lượng an ninh và chi phí của chính quyền sở tại. Các căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh cùng nguồn tiếp viện đã trở thành nguồn sống chính cho người dân Afghanistan và nâng đỡ cho nền kinh tế nước này. Dữ liệu của WB cho thấy tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Afghanistan đạt hơn 9% trong giai đoạn 2003-2012. Sau đó chậm lại và đến gia đoạn 2015-2020, tỉ lệ trung bình chỉ còn 2,5% do mức viện trợ thấp hơn. Dịch Covid bùng phát, khiến nền kinh tế Afghanistan sụt giảm 5,5% trong năm ngoái.

Mỹ và đồng minh rút đi. Dòng viện trợ đứt quãng đột ngột. Afghanistan chắc chắn đối diện với tương lai mờ mịch và bất định. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình nhà nước ZDF cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Đức Heike Mass khẳng định: “Đức sẽ chấm dứt hoàn toàn viện trợ nếu Taliban tiếp quản đất nước và thực hiện luật Hồi giáo Sharia”.

Trước khi Taliban tiếp quản, mức chi tiêu cho an ninh của chính quyền rất cao và chiếm đến 29% GDP – gấp gần 10 lần so với mức 3% của các nước có mức thu nhấp thấp – theo số liệu của WB.

Tình hình an ninh cộng thêm tham nhũng nghiêm trọng đã khiến nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại, nếu không nói là “sợ sệt”. Kể từ năm 2014 đến nay chỉ có tổng cộng bốn nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, trong hai năm qua không có khoản đầu tư nào mới – theo dữ liệu mới nhất của WB. Trong khi đó, cùng thời kỳ trên, vốn đầu tư nước ngoài vào hai quốc gia khác trong khu vực Nam Á có dân số nhỏ hơn như Nepal tăng hơn 10 lần và Sri Lanka tăng hơn 50 lần.

Khu vực kinh tế tư nhân khá mỏng. Có đến 80% dân số sống nhờ vào nghề nông và các dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp.

afghansfled-1629212798.jpg
Hơn 244.000 người dân Afghanistan bỏ nhà, bỏ quê hương ra đi sau khi lực lượng quân đội Mỹ bắt đầu rút quân ra khỏi nước này từ tháng 5-2021. Ảnh: Kanika Gupta

Tìm kiếm sự thần kỳ

Năm 2016, tạp chí Forbes đã xếp Taliban hạng năm trong top 10 nhóm “khủng bố” giàu nhất với thu nhập hàng năm khiêm tốn chỉ 400 triệu đô la. Nguồn thu nhập này đến từ buôn lậu thuốc phiện, tiền bảo kê và quyên tặng. Cần phải nhớ rằng thời điểm 2016, Taliban không phải là lực lượng nổi trội ở Afghanistan.

Tuy nhiên, một báo cáo mật của NATO bị lộ ra bên ngoài nói ngân sách hàng năm của tổ chức này lên đến 1,6 tỉ đô la trong năm tài chính 2019-2020, tức tăng 4 lần so với con số của Forbes đưa ra trước đó. Báo cáo của NATO liệt kê các nguồn như sau: khai mỏ 464 triệu, thuốc phiện 416 triệu, hỗ trợ của nước ngoài 240 triệu, xuất khẩu 240 triệu, thuế (được hiểu là tiền bảo kê) 160 triệu và bất động sản 80 triệu. Trang India Today viết: “Có thể thấy rằng Taliban đã giảm phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài và chứng minh khả năng kiếm tiền hay quản lý kinh tế của họ khi nhìn vào khai khoáng, xuất khẩu và bất động sản. Nếu chỉ nhìn bằng con mắt kinh tế đơn thuần, rõ ràng tỉ suất lợi nhuận (ROI) của Taliban cải thiện và tốt hơn theo thời gian. Và đó là thực tế khi so sánh với đồng đô xanh mà người Mỹ đã đổ vào nước này”.

Nhưng liệu Taliban sẽ đưa tài năng quản lý vào quản trị một đất nước tơi tả sau chiến tranh và vực dậy nền kinh tế kiệt quệ khi hoàn toàn không có đồng viện trợ nước ngoài? Và liệu sẽ có một sự thay đổi nào đó với hình ảnh Taliban hà khắc để thế giới chấp nhận? Hai câu hỏi hóc búa đối với thế giới và cũng là tương lai của chính quyền chuyển giao do Taliban nắm giữ trong bối cảnh bất định do dịch Covid hiện nay.

Khi lực lượng Taliban tiến đến ngoại ô và chuẩn bị vào trung tâm Kabul hôm 15-8, Đại sứ quán Nga đã tuyên bố sẽ mở cửa hoạt động bình thường trong lúc các đại sứ quán các nước khác thì hối hả di tản công dân. Trước đó, phái đoàn cấp cao 9 thành viên của Taliban đến Thiên Tân thăm xã giao Trung Quốc hôm 28-7.

Phần lớn các nhà phân tích nhìn nhận hai sự kiện này dưới góc độ duy nhất: Nga và Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính yếu và có ảnh hưởng trong việc hình thành chính quyền mới ở Kabul.

Ảnh hưởng có lẽ là có, nhưng không đồng nghĩa quyền lợi kinh tế sẽ đi kèm. Các thiệt hại khổng lồ về tài chính và nhân sự của Liên Xô trước đây sẽ khiến Tổng thống Vladimir Putin có thể lưỡng lự. Còn các nhà chính trị và doanh nhân Trung Quốc đều muốn thấy các hợp đồng khai thác đồng và dầu mỏ của họ tại Afghanistan được triển khai, bảo đảm an toàn và có lợi nhuận dù đã đặt bút ký hơn một thập niên qua.

Năm 2007, Công ty luyện kim Trung Quốc (MCC) và Công ty Đồng Giang Tây (CJC) đã thắng thầu dự án phát triển và khai thác mỏ đồng Mes Aynak. Năm 2011, gã khổng lồ Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã cam kết đầu tư 400 triệu đô la để trúng thầu mỏ Amu Darya có trữ lượng 87 triệu thùng trong suốt 25 năm. Sự đình trệ của hai dự án khiến cả chính phủ lẫn doanh nhân Trung Quốc rất sốt ruột.

Khả năng kiểm soát an ninh, chống tham nhũng và tạo ra môi trường nhà đầu tư mong muốn vẫn là những ẩn số của chính quyền mới mà Taliban đang chuẩn bị xây dựng.

Có rất ít bằng chứng là Kabul sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh vào lúc này và trong tương lai. Trong khi các dự án ‘nhất đới nhất lộ’ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước bằng vốn đầu tư Trung Quốc đang phát triển ồ ạt thì ở Afghanistan lại là sự tĩnh lặng – nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci thuộc Trường nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore và Học viện Royal United Service ở London nhận định trên Nikkei Asia.

“Chỉ có một yếu tố rõ ràng là Đại sứ quán Trung Quốc ở Kabul tập trung vào việc xuất khẩu hạt thông sang Trung Quốc, thiết lập tuyến bay để xuất hàng từ Trung Quốc sang. Điều này mang lại nhiều việc làm hơn cho xã hội phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Nhưng đó không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi”, ông Pantucci nhận định.

Afghanistan có đến 5 triệu kiều bào ở nước ngoài. Nhưng lực lượng này chắc chắn sẽ không đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước Afghanistan dưới thời Taliban trong thời gian đầu, ngoài việc gửi tiền cho người thân trong nước.

Thảm dệt tay và hạt thông là hai mặt hàng xuất khẩu chính của Afghanistan dưới thời chính quyền dân sự. Dưới thời chính quyền do Taliban dựng nên, “tấm thảm bay thần kỳ” trong thần thoại và truyền thuyết phương Đông sẽ khó có thể xuất hiện trong đời sống kinh tế của đất nước Trung Á này ít nhất là trong vài thập niên tới.

‐------------------

Với diện tích hơn 652.000km2, dân số hơn 31 triệu người, Afghanistan nằm “lọt thỏm” giữa Trung và Nam Á, không có cảng biển. Nền kinh tế có GDP đạt hơn 21,6 tỉ đô la trong năm 2018, thu nhập tính theo đầu người chỉ đạt 493 đô la. Nhập khẩu của Afghanistan lên đến 7 tỉ đô la, nhưng xuất khẩu chỉ đạt 784 triệu đô la với chủ yếu là trái cây và các loại hạt, trong đó nổi tiếng nhất là hạt thông. Mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng khác là các loại thảm dệt tay.

Theo các số liệu năm 2018, nợ nước ngoài lên đến 2,8 tỉ đô la. Khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong kinh tế quốc gia 55,9% và chỉ phục vụ cho cộng đồng nước ngoài và lực lượng trú đóng. Nông nghiệp chiếm 23% và công nghiệp là 21,1%.