Một viên chức ngành truyền thông Trung Quốc cho Bloomberg hay là nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn công nghệ Alibaba Group Holding phải rút vốn, chuyển nhượng lại quyền sở hữu tờ báo The South China Morning Post (SCMP) cùng với các “tài sản truyền thông” (media assets) của tập đoàn. Động thái này được cho là vì giới chức Trung Quốc lo ngại tập đoàn này ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của người dân.

Trước đó, Wall Street Journal cũng đưa tin Trung Quốc đang yêu cầu Alibaba từ bỏ ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông.

alibaba-4859-1615870965-6864-1615879939.

Jack Ma có thể phải bán các tài sản truyền thông, gồm cả tờ SCMP. Ảnh: Bloomberg

Đại diện của Alibaba ở Trung Quốc và Mỹ không đưa ra bình luận về thông tin này.

Hiện chưa rõ liệu Alibaba có cần bán toàn bộ tài sản truyền thông hay không, WSJ cho biết, nhưng kế hoạch bán sẽ phải được giới chức Trung Quốc đồng ý.

Alibaba, từ khởi đầu là một mạng thương mại điện tử theo mô hình kinh doanh của tập đoàn Amazon, Mỹ. Hoạt động ở TQ, Alibaba đã nhanh chóng lớn mạnh, lấn sang lĩnh vực tài chính và truyền thông, báo chí và điện ảnh giải trí.

Năm 2016, Alibaba mua lại tờ báo tiếng Anh The South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, SCMP) – tờ báo đã sống 117 năm, từ khi Hong Kong này còn là thuộc địa của Anh quốc.

Jack Ma và Alibaba đã âm thầm xây dựng một danh mục tài sản truyền thông phong phú trong nhiều năm, từ báo chí, truyền thông xã hội đến quảng cáo. Alibaba có cổ phần chính trong Weibo và Youku (giống Twitter), một trong những dịch vụ phát trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cũng như các trang tin tức trực tuyến và báo in khác, bao gồm SCMP, tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Hong Kong.

Trước khi mua tờ SCMP, Aliaba đã đầu tư nhiều tiền của vào các doanh nghiệp truyền thông như mạng xã hội Weibo (mô phỏng Twitter), Youku Tudou (mô phỏng YouTube), công ty giải trí Huayi Brothers (mô phỏng Warner Brothers), công ty Alibaba Pictures Group Ltd ở Hong Kong… Ngoài ra, Alibaba còn lập liên doanh hoặc góp vốn vào nhiều công ty truyền thông của nhà nước Trung Quốc, như mua cổ phần của China Business Network – một chi nhánh của tập đoàn truyền thông Shanghai (Thượng Hải) Media Group.

Quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc với tập đoàn Alibaba và ông chủ của nó, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma (Mã Vân) – người từng là nhà kinh doanh được kính trọng nhất Trung Quốc – bắt đầu rạn nứt từ tháng Mười năm ngoái, sau khi ông Mã phê phán hệ thống ngân hàng quốc doanh của nước này như những tiệm cầm đồ và chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính là “câu lạc bộ của các ông già lú lẫn”. Tại một hội nghị ở Thượng Hải, Mã kêu gọi cải tổ hệ thống ‘kìm hãm sự đổi mới kinh doanh’ và cho rằng, các doanh nghiệp “không sợ những quy định quản lý [của nhà nước] mà chỉ sợ các quy định lỗi thời, lạc hậu”.

Vào tháng 11, các quan chức Bắc Kinh đã ‘hạ bệ’ Mã và đình chỉ vào phút cuối đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Tập đoàn tài chính Ant – tập đoàn con của Alibaba – theo chỉ thị trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó Mã biến mất, dấy lên nhiều lời đồn đại rằng ông đã bị chính quyền Trung Quốc trừng phat.

Từ khi mua lại tờ báo SCMP năm 2016, Alibaba đã đầu tư mở rộng dịch vụ tin tức trực tuyến, xuất bản báo điện tử, mở rộng đội ngũ phóng viên, cũng nhiều khi khiến chính quyền Trung Quốc bực bội như đưa tin về phong trào biểu tình đòi dân chủ của Hồng Kông năm 2019-2020.