Theo báo cáo của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post - mã chứng khoán VTP), tháng 5/2022, VTPost đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký niêm yết đến Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM - Hose. Tuy nhiên, do có sự thay đổi về nhân sự Ban Điều hành, công tác thu hồi cổ phiếu ESOP của Người lao động nghỉ việc phát sinh một số yếu tố khách quan và tình hình thị trường chứng khoán năm 2022 ghi nhận sự giảm điểm mạnh, nhiều nhất thế giới, do đó HĐQT đã quyết định lùi lại thời gian thực hiện chuyển sàn.

Trong tờ trình Đai Hội đồng cổ đông 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới đây, VTP sẽ đề xuất giảm vốn điều lệ Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel. Vốn điều lệ hiện tại là hơn 1.132 tỷ đồng, tương ứng 113.217.237 cổ phiếu. Trong số cổ phiếu đó, số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 113.174.057 cổ phiếu; số lượng cổ phiếu quỹ hiện tại (sau khi mua lại cổ phiếu ESOP của Người lao động nghỉ việc) 43.180 cổ phiếu. Hiện tại VTPost đã hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu từ Người lao động sang Tổng công ty với số lượng cổ phiếu mua lại là 43.180 cổ phiếu.

Vốn điều lệ thực hiện giảm là 431,8 triệu đồng, tương ứng 43.180 cổ phiếu.

Trước đó, Tổng Công ty đã thực hiện thành công tăng vốn điều lệ từ 1.035 tỷ đồng lên 1.132 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi thực hiện giảm vốn là hơn 1.131,7 tỷ đồng, tương ứng với số lượng cổ phiếu sau khi giảm vốn là 113.174.057 cổ phiếu.

Cùng với đó, trong kế hoạch năm 2023, VTP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu của VTPost từ sàn Upcom lên Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (Hose) trong năm 2023 và 2024, chi tiết như đã nêu tại Tờ trình số 40/TTr-HĐQT ngày 02/04/2021 của HĐQT, đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-ĐHĐCĐ ngày 24/04/2021 của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 và theo Nghị quyết số 61/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/04/2022 của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Căn cứ nội dung tư vấn, đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, HĐQT đề xuất sẽ thực hiện nộp hồ sơ đến Hose trong tháng 8/2023 sau khi hoàn thành việc giảm vốn điều lệ do mua lại cổ phiếu ESOP của CBNV nghỉ việc và sau khi có Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 được soát xét. Dự kiến thời gian giao dịch trên Hose chậm nhất quý 1/2024.

Hiện thu nhập của người lao động tại VTPost đã tương đương với thị trường, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ nhân viên nghỉ việc còn 3,1%, giảm 14,6% so với bình quân 6 tháng đầu năm.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VTP đạt 5.731,17 tỷ đồng, tăng trưởng 5,55% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 21.742,76 tỷ đồng, hoàn thành 84,53% kế hoạch, tương đương so với năm 2021 (tăng trưởng 0,87%). Lợi nhuận trước thuế đạt 323,42 tỷ đồng, giảm 12,73% so với năm 2021, hoàn thành 51,91% kế hoạch được giao. 

Theo báo cáo của VTP, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.

Một là là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (Hàng thương mại điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 70% – 80% tại Việt Nam). Vì vậy, khi Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero Covid, một số cửa khẩu bị đóng cửa, không thể thông quan hàng hóa điều này đã dẫn đến việc thiếu hụt nguồn hàng, tăng thời gian vận chuyển, khách hàng dừng, giảm sử dụng dịch vụ chuyển phát.

Hai là, các tập đoàn TMĐT, Chuyển phát từ Trung Quốc (Alibaba, Tencent, J&T, ZTO, SF, Ninjavan...) tràn sang Việt Nam và đẩy mạnh cạnh tranh về giá để xâm nhập, thao túng thị trường, đẩy mạnh bán phá giá (có nhiều chương trình chuyển phát giá 0 đồng) làm cho biên lợi nhuận lĩnh vực chuyển phát còn rất thấp ~3%, các công ty chuyển phát hầu hết thua lỗ.

Ba là, giá xăng, dầu có sự biến động lớn với hơn 30 lần điều chỉnh trong năm. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng cao, nhanh, đỉnh điểm tại tháng 6 tăng 57,2% so với cùng kỳ 2021 ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp Logistics, trong đó có VTPost: Chi phí xăng dầu/Doanh thu tăng 56,7%, giảm lợi nhuận 33,2 tỷ đồng; Chi phí thuê xe nguyên chuyến/Doanh thu tăng 23,3%, giảm lợi nhuận 28,3 tỷ đồng; Giá xăng tăng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng, tăng chi phí đầu vào khác và chi phí phục vụ của nhân viên tuyến đầu dẫn tới VTPost phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời.

Trong kỳ, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng với quan điểm đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng để đón đầu sự dịch chuyển về sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam, HĐQT đã chỉ đạo sát sao việc triển khai các dự án đầu tư như: Đầu tư xe ô tô tải để nâng cao khả năng kết nối, vận chuyển; đẩy mạnh việc tìm kiếm các vị trí đầu tư trung tâm Logistics. Trong đó, Tổng công ty đã chính thức triển khai dự án đầu tư kho Logistics tại Đà Nẵng với giá trị đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Dự án kho tại Quang Minh – Mê Linh – Hà Nội với giá trị gần 300 tỷ đồng. Đảm bảo nguồn vốn đầu tư và vốn kinh doanh.

Đối với kế hoạch năm 2023, VTP cho biết, dự báo năm 2023 vẫn nhiều khó khăn do xung đột Nga – Ukraina vẫn tiếp tục leo thang, các sàn TMĐT tiếp tục cung ứng các dịch vụ chuyển phát, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt với dịch vụ chuyển phát trong nước. Thuận lợi chính là chính sách zero covid của Trung quốc được nới lỏng, lượng hàng hóa giao thương 2 chiều tăng cao. Các sàn TMĐT tại Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng mạnh.

Do vậy Viettel Post đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 18.464,2 tỷ đồng, giảm 15,08% so với doanh thu thực hiện năm 2022. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 470,46 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 46,65% lên trên 376 tỷ đồng.