Gia tộc họ Trần từ Tập đoàn KIDO khá kín tiếng về chuyện đời tư của mình. Không ai biết Chủ tịch Trần Kim Thành và CEO Trần Lệ Nguyên có bao nhiêu người con, họ trông như thế nào. 

Vậy nên, phải trong buổi họp báo online ra mắt chuỗi Chuk Chuk -1 thương hiệu mới của Tập đoàn KIDO, vào tháng 6/2021, lần đầu tiên người ngoài và giới truyền thông mới thấy được một người con của ông Trần Lệ Nguyên.

Lúc đó, Trần Tuyết Vân được giới thiệu là Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư Thương mại TTV – doanh nghiệp quản lý chuỗi Chuk Chuk, với vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng, Tập đoàn KIDO nắm 61% cổ phần. Đại diện KIDO không tiết lộ danh tính cụ thể cổ đông nắm giữ phần vốn góp 39% còn lại, chỉ chia sẻ các thành viên sáng lập đều có đóng góp quan trọng cho thương hiệu mới.  

Ông Trần Lệ Nguyên vị trí Chủ tịch và ông Phạm Cao Nghĩa, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc điều hành của TTV. Có vẻ, ông Trần Lệ Nguyên sẽ phụ trách phần R&D, sáng tạo những sản phẩm mới ‘độc nhất vô nhị’ trên thị trường, còn ông Phạm Cao Nghĩa lo chuyện vận hành chuỗi.

Lúc đó, mọi người mới biết là ông Trần Lệ Nguyên có 3 người con – 2 gái và 1 trai, Trần Tuyết Vân là con gái thứ 2. Trần Tuyết Vân năm nay 25 tuổi và có nhiều năm tháng du học tại Mỹ - nên tiếng Việt đã không còn tốt như trước, khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt cần thời gian để quay trở lại như trước kia. Vậy nên, trong buổi họp báo ra mắt chuỗi Chuk Chuk cô khá kiệm lời và ông Nguyên cùng ông Nghĩa là 2 người nói chính.

tran-le-nguyen-1636562381.jpg
Chủ tịch KIDO Group kiêm Chủ tịch Đầu tư TTV - Trần Lệ Nguyên trong buổi ra mắt chuỗi Chuk Chuk.

Không ai biết cô đã học ngành nào và tốt nghiệp trường nào ở Mỹ, bởi nếu học thêm bằng Thạc sỹ, hẳn cô chỉ mới rời nhà trường và về thẳng Việt Nam, chứ chưa chính thức làm việc cho các doanh nghiệp khác.

Việc công ty quản lý Chuk Chuk được đặt tên là TTV (có thể là viết tắt 3 chữ cái đầu tiên của Trần Tuyết Vân) – thể hiện sự kỳ vọng rất lớn của ông Trần Lệ Nguyên vào cô con gái này, nhưng với việc cô còn khá non kinh nghiệm trên thương trường, nên cần sự trợ giúp của bố và nhiều chú bác lớn tuổi của Tập đoàn trong việc vận hành chuỗi.

Có vẻ, trong thời gian đầu cô sẽ phụ trách chính mảng sale – marketing cho chuỗi Chuk Chuk, đồng thời học thêm về R&D cũng như cách thức vận hành chuỗi.

"Việc xây dựng chuỗi bán lẻ Chuk Chuk đến từ giấc mơ ấp ủ hơn 20 năm trước khi tôi nhìn thấy người dân Mỹ xếp hàng 30-40 phút để thưởng thức cà phê ở các cửa hàng Starbucks. Hơn 10 năm nay, các sản phẩm trà sữa trân châu của Đài Loan được toàn châu Á thích thú, ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Tại Việt Nam, có hệ thống chuỗi nhà hàng Kem Häagen-Dazs…

Từ suy nghĩ và quan sát đó, KDC mong muốn tạo nên Chuk Chuk thành thương hiệu quốc gia trong thị trường F&B với tham vọng không chỉ bao phủ trong nước mà phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế", ông Trần Lệ Nguyên nói về nguyên do khởi tạo chuỗi Chuk Chuk.

Trần Tuyết Vân tiếp lời ba, miêu tả cụ thể về chuỗi Chuk Chuk: "Đầu tiên, phải nói ngay rằng, thức ăn – đồ uống được phục vụ trong các cửa hàng của Chuk Chuk là sản phẩm cao cấp được KIDO sáng tạo riêng cho chuỗi; chứ chúng tôi không mang sản phẩm đang lưu hành trên thị trường vào cửa hàng. Các sản phẩm đóng chai/lon hợp tác giữa KIDO và Vinamilk cũng sẽ không có mặt ở đây.

Cụ thể, tất cả sản phẩm của Chuk Chuk đều sản xuất trong nước, tại các nhà máy của KIDO và dùng nông sản như trà – cà phê tốt nhất Việt Nam. Thế nên, dù sản phẩm của Chuk Chuk có giá thành trung cấp (từ 29.000 đến 39.000 ngàn), song chất lượng cao cấp.

Ngoài chất lượng, chúng tôi còn chú trọng đến hương vị và màu sắc. Về trà sữa: chúng tôi sẽ pha chế - sáng tạo làm sao phù hợp với khẩu vị của người Việt nhất. Hiện tại, trên thị trường, hầu hết chuỗi trà sữa lớn – cao cấp đều du nhập từ Đài Loan. Vị của trà sữa Chuk Chuk sẽ vừa thú vị vừa gần gũi với truyền thống Việt.

Về cà phê, chúng tôi cũng đã suy nghĩ nhiều, để làm sao sáng tạo ra những loại cà phê có hương vị mới mẻ, hấp dẫn, hợp xu hướng nhất có thể”.

chuk-chuk2-1636562383.jpg
chuk-chuk1-1636562383.jpg
chuk-chuk-1636562382.jpg
Một cửa hàng Chuk Chuk.

Kế hoạch ban đầu của chuỗi Chuk Chuk: phát triển chuỗi lên 58 cửa hàng vào cuối năm 2021, 120 cửa hàng vào năm 2022, 189 cửa hàng vào năm 2023, 358 cửa hàng vào năm 2024 và 1.000 cửa hàng vào năm 2025 – để trở thành chuỗi F&B lớn nhất Việt Nam.

Dự kiến, Chuk Chuk sẽ có lãi trong năm đầu tiên 2021 – với doanh thu tầm 141 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 1.200 tỷ đồng và năm 2025 đạt 7.800 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2025, 75% cửa hàng của Chuk Chuk sẽ nằm ở TP. HCM và Hà Nội; 20% nằm ở thành phố cấp 1 và cấp 2; 5% ở thành phố cấp 3.

Tuy nhiên, khởi đầu của Trần Tuyết Vân và Chuk Chuk không mấy suôn sẻ. Sau khi ra mắt vào tháng 6/2021, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM không đỡ đi mà ngày càng dâng cao. Rồi phải đến gần cuối gần tháng 9/2021, khi TP.HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, thì các sản phẩm của Chuk Chuk mới lần đầu đến được với khách hàng thông qua các kênh online trên các app gọi thức ăn như Grab hoặc ShopeeNow.

Tính đến đầu tháng 11/2021, Chuk Chuk có 3 cửa hàng và sắp khai trương 9 cửa hàng khác trong tháng 11. Với việc chỉ còn chưa tới đầy 2 tháng là hết năm 2021, KPI 58 cửa hàng của họ có vẻ rất khó để hoàn thành; tất nhiên, mục tiêu doanh thu 141 tỷ đồng cũng khá xa vời.

Điểm cộng là sản phẩm của Chuk Chuk có những nguyên liệu đúng như lời cha con nhà họ trần cam kết: sử dụng nông sản Việt như dâu tằm, xoài, ổi đỏ, nha đam, muối ớt…để làm ra nước uống và topping. Ngoài ra, họ cũng sáng tạo nhiều sản phẩm độc – lạ mà chưa chuỗi F&B nào có như Trà Tắc Muối Mật Ong, Trà Dâu Tằm Phô Mai, Xoài Xanh Muối Ớt Phô Mai Muối Biển, Sữa Đậu Xanh Sầu Riêng…

Ngoài ra, ghi nhận trên BCTC hợp nhất quý 3/2021, KIDO đã đầu tư khoảng 308 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Thương mại TTV.