Choáng, thật sự choáng
Vâng tôi đã choáng thật sự khi được trực tiếp chứng kiến cơ sở hạ tầng khang trang, rộng lớn (khổng lồ) và hiện đại của các nhà ga tàu cao tốc của Trung Quốc, đặc biệt là nhà ga ở thành phố Tây An, một thành phố chỉ đứng thứ 81 trong các thành phố của Trung Quốc về sự giàu có (tính theo GDP đầu người).
Các bạn thử tưởng tượng nhà ga tàu đường sắt cao tốc Bắc Tây An mà diện tích lên đến 533.000m2, lớn hơn cả diện tích sân bay Hồng Kông (380.000m2), Kuala Lumpur Malaysia (390.000m2) xấp xỉ bằng sân bay Suvarnabhumi Bangkok Thái Lan (563.000km). Nếu tính cả diện tích của 2 tầng hầm B1, B2 của nhà ga metro thì tổng diện tích của cụm nhà ga Bắc Tây An còn lớn hơn nữa.

Nhà ga Bắc Tây An gồm 3,5 tầng. Tầng trệt là ga hành khách đến, tầng 2 là sân ga (bao gồm 18 sân ga và 34 làn ray đường tàu), tầng 3 là ga hành khách đi (bao gồm 36 gates, mỗi bên 18 gates dọc theo chiều chạy của tàu), tầng 3.5 là khu ăn uống. Với 34 đường ray, cùng một lúc nhà ga có thể cho phép 34 đoàn tàu đỗ hoặc chạy qua ga. Hầu hết các nhà ga tàu đường sắt Trung Quốc đều có cấu trúc như thế này, cá nhân tôi đã có kiểm chứng trực tiếp tại các nhà ga Quảng Châu, Hạ Môn, Tây An, Lạc Dương.
Với qui mô lớn như vậy, nhà ga Bắc Tây An được lắp đặt 152 máy check in tự động (người Trung Quốc quẹt căn cước công dân, người nước ngoài quẹt hộ chiếu). Người ta tính toán rằng nhà ga Bắc Tây An có thể chứa được 80.000 hành khách cùng một thời điểm.
Hiện tại, mỗi ngày nhà ga Bắc Tây An có 252 chuyến tàu khởi hành (5 phút một chuyến), trong đó có 80 chuyến tàu tốc độ 350kmh (15 phút một chuyến). Tổng số hành khách năm 2024 là 48 triệu.
Để trực tiếp cảm nhận về độ khủng của nhà ga Bắc Tây An, tôi đã đi bộ dọc, ngang nhà ga, nhưng mới đi được có một nửa chiều dài và chiều rộng thì đến giờ lên tàu nên đành bỏ dở (tôi ước lượng chiều dài cỡ 550m và chiều rộng cỡ 320m).
Các bạn còn sửng sốt hơn, nếu biết rằng nhà ga Nam Quảng Châu còn lớn hơn nữa với tổng diện tích lên đến 615.000m2 (dài 590m, rộng 350m, 3 tầng, không tính nhà ga metro). Năm 2019, lần đầu đi tàu cao tốc của Trung Quốc, tôi cũng choáng váng khi đứng giữa nhà ga Nam Quảng Châu trong chuyến đi Quảng Châu - Thâm Quyến - Hạ Môn.
Chưa hết, theo công bố thì nhà i ga Bắc Trùng Khánh có tổng diện tích 930.000m2, còn nhà ga Hồng Kiều Thượng Hải có tổng diện tích 1.300.000m2. Có lẽ chúng ta nên gọi các nhà ga này là đại nhà ga chứ gọi là nhà ga thì có gì đó sai sai.
Các đại nhà ga đường sắt khổng lồ của Trung Quốc có thể kể tên là Nam Bắc Kinh, Hồng Kiều Thượng Hải, Bắc Trùng Khánh, Nam Quảng Châu, Nam Nam Kinh, Đông Hàng Châu, Đông Thành Đô, Bắc Trùng Khánh, Tây Thiên Tân, Nam Thẩm Dương, Bắc Thâm Quyến, Vũ Hán, Tây Nam Xương, Nam Hà Phì, Tây Lan Châu, Thạch Gia Trang …
Tôi có chụp vài bức ảnh ở tầng 3 (nhà ga hành khách đi) của nhà ga Bắc Tây An, thế nhưng chỉ nhìn ảnh thì không thể cảm nhận hết độ lớn thật sự của nhà ga.