nganh-thep-am-dam-1669950468.jpeg
 

Theo báo cáo Triển vọng ngành thép của BSC, tình hình tiêu thụ toàn ngành trong quý IV sẽ cải thiện so với quý trước do tính mùa vụ, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Lý do là nguồn vốn chảy vào bất động sản bị kiểm soát chặt làm hạn chế nguồn cung dự án mới và nhu cầu xuất khẩu thấp do chiến tranh và suy thoái kinh tế.

BSC kỳ vọng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ có sự cải thiện trong quý IV nhờ giá nguyên liệu đã giảm sâu. Giá các nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than luyện cốc, thép phế đi xuống và duy trì ở mức thấp từ tháng 4 là cơ sở giúp giảm giá vốn trong quý IV năm nay. Các chuyên gia từ công ty chứng khoán trên nhận định những doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa, có thị phần lớn sẽ có biên lợi nhuận cao hơn nhờ tiêu thụ nhanh hơn hàng tồn kho giá cao.

CTCK nhận định dù sản lượng bán hàng và biên lợi nhuận của doanh nghiệp thép có thể cải thiện so với quý trước, triển vọng tiêu thụ kém khả quan dự kiến còn kéo dài sang năm 2023 khiến lợi nhuận doanh nghiệp chưa thể hồi phục về mức cao trong tương lai gần.

ACBS cũng cho rằng khó khăn cho các nhà sản xuất thép có thể tiếp tục trong thời gian tới do thị trường bất động sản vẫn ở trạng thái khó khăn với room tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng.

Bên cạnh đó, tốc độ chi tiêu công thấp cũng là rào cản cho việc phục hồi tiêu thụ vật liệu xây dựng. Trong 10 tháng đầu năm, chi ngân sách cơ sở hạ tầng đạt 67% tổng dự toán kế hoạch, tức là 2 tháng cuối năm, cần chi thêm 33% nữa. ACBS cho rằng khả năng chi không đạt mục tiêu là rất cao.

ACBS đánh giá thực trạng dư địa tín dụng cho phát triển bất động sản thấp và tốc độ chi tiêu công chậm khiến triển vọng cho vật liệu xây dựng trong thời gian còn lại của năm nay là thấp. Thêm vào đó, triển vọng dài hạn đối với vật liệu xây dựng vẫn còn mờ mịt do Trung Quốc vẫn đối mặt với nguy cơ khủng hoảng bất động sản, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói tín dụng hỗ trợ các dự án xây dựng hiện tại nhưng hoạt động xây dựng vẫn được báo cáo là ở mức thấp.

Theo báo cáo của SSI Research, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm nay trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Nhu cầu tại EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu tại Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống 1,6%, từ mức 2,1% trong năm nay.

Về thị trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào thị trường bất động sản hơn so với thép xây dựng, do tỷ trọng từ kênh dân dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung.

Nguồn: NDH