tiep-nhan-nguon-luc-tai-chinh-len-den-100-trieu-usd-be-group-dang-ap-u-nhung-chien-luoc-gi-de-dau-voi-grab-va-gojek-1670371922.jpg

Thị trường gọi xe Việt quy mô hơn 99 triệu dân cùng độ phổ biến smartphone rộng rãi đang là miếng mồi béo bở thu hút dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2021 thị trường gọi xe công nghệ ở nước ta chạm ngưỡng 2,4 tỷ USD, tăng 35% (theo báo cáo của Google, Bain&Company, Temasek) và dự đoán sẽ đạt 5,7 tỷ USD và tăng 24% đến năm 2025.

Theo báo cáo của ABI Research, Be Group là thương hiệu Việt duy nhất trong 3 ứng dụng đang thống lĩnh thị trường gọi xe hiện nay.

Giới thiệu Be group

Tiền thân của Be Group là CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP được thành lập vào tháng 5/2018, có trụ sở tại Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ “gọn nhẹ” 200 triệu đồng với cơ cấu ba cổ đông. Tuy nhiên sau hơn 3 tháng, các cổ đông đồng loạt rời khỏi VEEP và sự xuất hiện của Tổng giám đốc (CEO) Trần Thanh Hải vào thời điểm đó đã làm tăng vốn công ty lên 100 tỷ đồng, VEEP “thay tên đổi họ” thành Be Group và đặt trụ sở tại Quận 1, TP.HCM cuối tháng 10/2018.

CEO Thanh Hải không còn là gương mặt xa lạ trong giới kinh doanh, ông được biết đến là người đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn VNG, đồng sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Fim+, thành viên HĐQT Sacombank Securities, Chủ tịch HĐQT chudu24.com, đồng sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Vina Data. Đồng thời ông cũng là một trong những người đi đầu của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, ông sáng lập và tham gia cố vấn chiến lược cho rất nhiều công ty start-up.

Tổng Giám đốc be Group Trần Thanh Hải: Chúng tôi cạnh tranh bằng trách  nhiệm xã hội | Doanh nhân

Ông Trần Thanh Hải - người khai sinh Be Group (Nguồn: thanhnien.vn)

Tháng 12/2018, startup công nghệ Be Group lần đầu ra mắt thị trường, Be có tông màu chủ đạo là vàng và xanh đen bắt mắt, gợi đến hình ảnh những con ong chăm chỉ và 1 phần cách phát âm của “Be” khá tương đồng với từ “Bee” trong tiếng anh cũng là chú ong. Với lợi thế trên sân nhà và sự đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn, Be Group tự tin với khả năng cạnh tranh dài hạn với các hãng gọi xe hiện có trên thị trường.  

Tải BE cho iPhone, Android, ứng dụng gọi xe miễn phí trên điện thoại -

Be Group ra mắt (Nguồn: internet)

Cũng trong ngày ra mắt, Be Group cùng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty bảo hiểm số OPES (tiền thân là Công ty thành viên của VPBank) đã ký kết chiến lược hợp tác với nhau. Đây như một lời khẳng định ngầm về sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà băng tư nhân hàng đầu Việt Nam dành cho Be.

Hai dịch vụ chủ chốt của Be là beBike (phương tiện hai bánh) và beCar (phương tiện bốn bánh), tuy bước ra từ start-up công nghệ nhưng ông Hải khẳng định Be Group là doanh nghiệp vận tải, đây cũng là điểm khác biệt so với các hãng gọi xe khác.

Từ khi ra mắt đến hiện tại, Be Group đã hai lần thay đổi lãnh đạo. CEO Trần Thanh Hải vì lý do cá nhân nên đã rời đi sau 1,5 năm gắn bó, tuy nhiên ông vẫn giữ vai trò tham vấn chiến lược cho Hội đồng quản trị. Bà Nguyễn Hoàng Phương – Giám đốc vận hành, được bổ nhiệm thay thế ông Hải và cũng rời bỏ chiếc ghế CEO vào tháng 9/2021 và trong tháng đó, tân CEO nhanh chóng được bổ nhiệm là bà Vũ Hoàng Yến. Bà Yến là một doanh nhân dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chuyển đổi số và thương mại điện tử. Bà từng có khoảng thời gian làm việc tại Citibank, Zalora và Vingroup,… Năm 2019, bà Yến lọt top 10 Gương mặt nữ quản lý chuyên nghiệp do ForBes Việt Nam công bố.

Bà Vũ Hoàng Yến - CEO Be Group (Nguồn: Be Group)

Quá trình hoạt động

Qua hai thời điểm tháng 4 và tháng 8/2019, vốn của Be Group trên đà tăng trưởng lên gần 516 tỷ đồng, nhanh chóng mở rộng và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, nhiều chi nhánh bắt đầu có mặt tại các tỉnh thành. Ứng dụng gọi xe “Be” ghi nhận hơn 2 triệu lượt tải với hơn 30.000 đối tác tài xế tại Hà Nội và TP.HCM, gần 200.000 cuốc xe lăn bánh mỗi ngày. Như vậy, sau 9 tháng ra quân, “đội quân ong vàng” ngày càng phủ sóng khắp mọi nẻo đường, nhiều lần được các trang báo nước ngoài đưa tin và được đánh giá là start-up có sự phát triển mạnh mẽ nhất châu Á.

Năm 2018 được xem là giai đoạn nóng nhất của thị trường gọi xe công nghệ, các ứng dụng mới liên tục xuất hiện đến từ các tay chơi ngoại quốc lẫn nội địa. Sự phổ biến của loại hình di chuyển mới này còn khá lạ lẫm và chưa chạm được tới nhiều người dùng Việt. Dù ra đời giữa thời điểm cạnh tranh nảy lửa, nhưng đến năm 2020 Be đã xây dựng được một hệ sinh thái đa dịch vụ, phủ sóng ở 10 tỉnh thành. Ngoài BeCar, BeBike, các dịch vụ mới được phát triển thêm như BeTaxi (đặt xe taxi), Be Đi chợ (đi chợ hộ), đặt vé xe khách, đặt xe đi tỉnh, thuê xe theo giờ, BeDelivery (giao hàng), BeLoyalty (tính năng tích lũy điểm thưởng cho người dùng), BeExpress (chuyển phát) và BeFinancial (giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân, tài xế và doanh nghiệp)…

Trong cùng năm đó, Be Group đã vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á Thái Bình Dương (APEA) ở hạng mục Fast Enterprise Award dành cho doanh nghiệp có sự bứt phá trong doanh thu, cơ sở người dùng, thị phần và độ nhận diện thương hiệu.

Để có được thành quả này, từ những đầu gia nhập thị trường, Be đã chọn cho mình hướng đi riêng. Những chiến lược quen thuộc thường được các tân binh áp dụng là mang đến chương trình khuyến mãi, những chuyến xe chỉ vài nghìn đồng, thậm chí là 0 đồng,… để thu hút khách hàng. Nhưng đối với một tay chơi mới như Be thì đó là một trở ngại khi doanh thu chưa có mà chiết khấu cho tài xế lại cao thêm các khoản thưởng… Đứng giữa “ngã ba đường”: lợi ích người dùng, thu nhập tài xế và lợi nhuận doanh nghiệp, Be đã chọn con đường khác biệt, đó là tập trung vào chất lượng dịch vụ đem đến sự hài lòng cho khách hàng, ổn định đội ngũ tài xế và phát triển công ty bền vững. Vì vậy, trong thời gian đầu “lăn bánh”, doanh nghiệp không hề triển khai những chương trình giảm giá, chuyến xe miễn phí, giảm chiết khấu cho tài xế. CEO Be Group khẳng định: “Nếu không đảm bảo được đời sống anh chị em tài xế và chất lượng dịch vụ, chúng tôi không thể tồn tại đến giờ. Cách đổ nhiều tiền để chiếm thị phần không bền vững”. Nhờ vậy, sau 2 năm lượng khách hàng sử dụng Be lên đến 10 triệu , trung bình mỗi ngày có 350.000 chuyến xe hoàn thành và hơn 250 doanh nghiệp sử dụng ứng dụng Be với vai trò là đối tác vận chuyển chính thức.

Ngày 12/01/2021, Be lấn sân sang mảng kinh doanh mới là dịch vụ tài chính. Cụ thể, thông qua ứng dụng Be, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng mà chưa đến 3 phút. Giải pháp tiện ích này là sự hợp tác giữa Be Group và ngân hàng VPBank, dịch vụ ngân hàng điện tử này có tên gọi là Cake với ý nghĩa giao dịch ngân hàng “dễ như xơi bánh”.

Sự kiện ra mắt Ngân hàng số Cake trên ứng dụng gọi xe Be (Nguồn: be.com.vn)

Trong bối cảnh nhu cầu dịch vụ tài chính cá nhân gia tăng, không ít ngân hàng cũng đẩy mạnh công nghệ số hóa, triển khai các giải pháp dịch vụ điện tử. Còn với Cake có 1 ưu thế đặc biệt nằm ở chỗ ngân hàng này được “tương hỗ” vào nền tảng gọi xe thuần Việt chiếm 30% thị phần trên cả nước với số tài khoản người dùng lên đến 10 triệu. Từ phía Be cũng là nền tảng đa dịch vụ tiên phong bước chân vào giới dịch vụ tài chính, trong khi các nền tảng (gọi xe, giao hàng hay thương mại điện tử) chỉ tập trung vào khâu thanh toán.

Tháng 4/2021, Be Group thông báo là hãng xe công nghệ đầu tiên và duy nhất có khu vực đón khách riêng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Phạm vi đón khách của Be tại làn B – Ga đến Quốc tế và mới chỉ có Be Group được phép khai thác làn đón khách này.

Khu vực đón khách của Be (Nguồn: be.com.vn)

Tháng 4/2022, ứng dụng Be tiếp tục cho ra mắt tính năng mới là dịch vụ đặt đồ ăn beFood. Sự xuất hiện của beFood trong thời điểm thị trường giao nhận thực phẩm tại Việt Nam đang diễn ra sôi động và tiềm năng hơn bao giờ hết. Theo nghiên cứu của Statista Global Consumer Survey, lợi nhuận mảng đặt và giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam dự báo đạt 457 triệu USD vào năm 2022 và tăng trưởng 7,87% mỗi năm giai đoạn đến 2026.

Be ra mắt dịch vụ beFood (Nguồn: thanhnien.vn)

Bà Vũ Hoàng Yến - CEO Be Group chia sẻ: “Việc giới thiệu beFood có vai trò quan trọng, giúp hãng hoàn thiện hệ sinh thái sau khi đạt một số thành tựu nhất định ở các mảng như vận tải, giao hàng, đi chợ hộ, ngân hàng số Cake by VPBank và nhiều tiện ích khác. Bên cạnh đó, Be có thể củng cố hệ sinh thái B2C bằng cách tăng thu nhập cho tài xế, thêm lựa chọn cho khách hàng với một sản phẩm có tần suất cũng như giá trị đơn cao hơn dải sản phẩm gọi xe, giao hàng”.

Trong tháng 9/2022, Be Group nhận được nguồn đầu tư tài chính ít nhất 60 triệu USD từ ngân hàng Deutsche Bank (Đức) nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo bà Vũ Hoàng Yến, khoản vay này bao gồm một điều khoản cho phép nguồn vốn được tăng lên đến 100 triệu USD. Nguồn tài chính trên được dùng cho mục đích mở rộng và nâng cao 3 dịch vụ chủ chốt của Be: gọi xe trực tuyến (beBike, beCar), ngân hàng số Cake by VPBank và giao đồ ăn, đồng thời khai thác các thị trường và dịch vụ mới.

Be Group 'đổ' 100 triệu USD để trở thành nền tảng tiêu dùng số 1 cho người Việt - ảnh 1

Ông Abhay-Kumar Sinha, Giám đốc phụ trách tài chính doanh nghiệp, Ấn Độ - Deutsche Bank và bà Vũ Hoàng Yến - CEO Be Group ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính

Trong quý I/2022, Be có hơn 1,5 triệu người dùng duy trì giao dịch trên nền tảng. Riêng thị trường trọng điểm TP HCM có doanh thu tăng gấp đôi trong nửa đầu năm. Tính đến ngày 31/12/2021, Be ghi nhận lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu -373 tỷ đồng. Doanh thu thuần của Be Group trong 3 năm qua nhỉnh hơn Gojek Việt Nam một chút còn chỉ số của Grab Việt Nam thì đã bỏ xa 2 đối thủ của mình.

Doanh thu thuần của Be, Grab, Gojek qua các năm (Nguồn: NDH)

Chi phí bán hàng của Be luôn cao hơn lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, chi phí này có xu hướng giảm dần theo từng năm, từ mức hơn 1.400 tỷ năm 2019 xuống 627 tỷ năm 2020 và gần 392 tỷ đồng năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế của Be, Grab, Gojek qua các năm (Nguồn: NDH)

Tài sản và nợ vay của Be, Grab, Gojek qua các năm (Nguồn: NDH)

Sau khi nhận khoản đầu tư, Be bắt tay vào thay đổi diện mạo. Ngày 1/10/2022,  Be Group chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới.

Be | Nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be thực hiện thay đổi nhận diện thương  hiệu

Hình ảnh mới của Be Group (Nguồn: be.com.vn)

Về thiết kế, Be cho hay logo mới có kết cấu là những đường tròn khép kín tượng trưng cho mọi nhu cầu cơ bản của khách hàng trong một ngày; và phát triển thành biểu tượng vô cực ngụ ý cho hình ảnh những cung đường không bao giờ kết thúc, thể hiện rõ sự quan tâm, đồng cảm và chia sẻ từ nền tảng tiêu dùng Be đến người dùng Việt Nam.

Trải qua 4 năm hoạt động, các dịch vụ của Be nay đã có mặt tại 28 tỉnh thành trên cả nước, đạt hơn 20 triệu lượt tải. Be Group bắt đầu có lãi góp dương từ quý 3/2022 và đặt mục tiêu phục vụ 20 triệu người dùng trong vòng 2 – 3 năm tới.

Be Group mong muốn là Người trợ lý hàng ngày đắc lực và tin cậy, hỗ trợ hiệu quả nhu cầu, thỏa mãn trải nghiệm của khách hàng. Song song đó, hướng tới hiện thực hóa tham vọng trở thành nền tảng đa dịch vụ hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.