Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) vừa chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ba lãnh đạo cấp cao. Bà Vũ Thị Hương Lan - Giám Đốc nhân sự và bà Lê Thị Hồng Nhung - Giám Đốc tài chính sẽ chính thức nghỉ việc từ ngày 15/7. Lý do nghỉ việc được đưa ra là do nguyện vọng cá nhân.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Hội đồng Quản trị cũng đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Đoàn Đình Duy Khương - Tổng Giám đốc điều hành Dược Hậu Giang kể từ ngày 10/7. Ông Khương cũng từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Khương sinh năm 1974, có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh thực hành EMBA_UBI (Bỉ). Ông đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành Dược Hậu Giang từ năm 2020. Năm 2023, thu nhập của ông Khương tại Dược Hậu Giang là hơn 4,6 tỷ đồng/năm, tương ứng với hơn 383 triệu/tháng.
Ông Khương là đại diện sở hữu hơn 22,6 triệu cổ phiếu DHG của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu với tỷ lệ sở hữu 17,31%, số còn lại do Chủ tịch Đặng Thị Thu Hà đại diện.
Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang
Kết thúc quý I/2024, công ty ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 2% lên mức 1.259 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 38% xuống 222 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.200 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm gần 7%, xuống còn 1.080 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công ty đã thực hiện được 23% mục tiêu lợi nhuận năm.
Dược Hậu Giang được biết tới là doanh nghiệp sản xuất thuốc lớn nhất trong nước, công ty đã duy trì vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp Dược Việt Nam trong suốt 27 năm liền, Top 5 doanh nghiệp dược có thị phần lớn nhất ngành Dược nội địa.
Đánh giá về DHG, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, dựa trên số liệu của Bộ Y Tế , và các ước tính thị trường Dược phẩm Việt Nam năm 2023 đạt doanh thu 7,24 tỷ USD.
Trong đó, kênh nhà thuốc (OTC) và bệnh viện lần lượt đạt mức 1,8 tỷ USD và 5,448 tỷ USD; song từ năm 2023, DHG đã đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại. Dịch Covid-19 đã qua khiến cho nhu cầu mảng thuốc hạ sốt giảm đau, vốn chiếm khoảng 23% doanh thu của DHG suy giảm.
Do vậy Mirase Asset Việt Nam ước tính doanh thu mảng thuốc hạ sốt giảm đau của DHG năm 2024 đạt 1.069 tỷ, giảm 5,9%). Ở chiều ngược lại, khi Covid-19 trôi qua sẽ là cơ hội cho các dòng thuốc kháng sinh, vốn là thế mạnh ở kênh OTC của DHG quay trở lại.
Ước tính các dòng kháng sinh chính của DHG, bao gồm Klamentin và Haginat sẽ là động lực tăng trưởng chính của DHG trong năm 2024. Dự phóng doanh thu mảng kháng sinh đạt VND 1.603 tỷ đồng. Nhà máy Japan-GMP mới dự kiến vận hành trong Quý IV/2024 đảm bảo tăng trưởng dài hạn. Hiện tại trong hơn 300 dòng thuốc của DHG, đã có trên 100 sản phẩm sản xuất trên dây chuyền Japan GMP.
------------------------------
Tiền thân của CTCP Dược Hậu Giang là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 02/9/1974. Đến ngày 02/9/2004, cổ phần hóa Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang thành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.
Năm 2019, được xem là năm đánh dấu chặng đường lịch sử 45 năm và là năm đầu tiên trở thành thành viên của Công ty Dược đa quốc gia khi được ông lớn Dược phẩm của Nhật là Taisho M&A và chính thức sở hữu 51.01% cổ phần.
Sau khi tăng vốn tại DHG, Taisho còn có những động thái đầu tư vào cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến cho đội ngũ nhân sự của DHG. Hiện tại, Taisho đang nắm quyền kiểm soát DHG khi chiếm đến 51,01% và phần còn lại 43,31% thuộc về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).